Tín dụng chính sách “tô thắm” những hy vọng thoát nghèo

Cuộc sống của nhiều người dân tại các miền quê trên cả nước đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nov 26, 2024 - 10:54
Tín dụng chính sách “tô thắm” những hy vọng thoát nghèo
Cuộc sống của nhiều người dân tại các miền quê trên cả nước đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đó chính là thành quả kết tinh từ những chủ trương đúng, cách làm sáng tạo, hợp lòng dân được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vận dụng giúp bà con được vay vốn, chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. 
 
Thụ hưởng “trái ngọt” từ chính sách
 
Đến thăm căn nhà giản dị của anh Bế Văn Lỵ tại thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh chúng tôi không khỏi bất ngờ. Vài năm trước, cuộc sống của gia đình anh còn nhiều khó khăn, vất vả. Ánh mắt anh Lỵ thoáng buồn khi nhớ lại những ngày tháng ấy, cái nghèo cứ đeo bám mãi, tương lai trắc trở như con đường đất đỏ sau những cơn mưa. Thế rồi, năm 2017, cánh cửa hy vọng mở ra khi anh Lỵ được NHCSXH huyện Tiên Yên duyệt vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số vốn quý giá, anh Lỵ quyết định đầu tư vào chăn nuôi 3.000 con gà giống. Công sức chăm sóc đàn gà cẩn thận của gia đình anh đã được đền đáp xứng đáng, đàn gà lớn nhanh, khỏe mạnh, cho thu nhập ổn định. Nhờ đó, năm 2018, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Đến nay, đàn gà của gia đình anh Lỵ đã tăng lên 8.000 con, mỗi năm thu về từ 200 đến 300 triệu đồng. Cuộc sống của  gia đình anh giờ đây đã khấm khá hơn rất nhiều, anh Lỵ tâm sự với chúng tôi, ánh mắt của anh sáng lên niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng ở phía trước.



Các cán bộ NHCSXH luôn đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách 
trên chặng đường phát triển kinh tế
 
Hay tại Ninh Thuận - nơi được mệnh danh là “vùng trũng”, “rốn nghèo”, với tỉ lệ hộ nghèo lên tới 36% vào thời điểm 30 năm trước, đến nay đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Là một trong 73.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, gia đình ông Katơr Điêu, người dân tộc Raglay, thôn Bậc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã viết nên câu chuyện thoát nghèo của riêng mình. Hành trình bắt đầu từ 10 năm trước, khi ông Katơr Điêu được NHCSXH huyện Bác Ái tin tưởng trao cơ hội vay vốn lần đầu tiên. Với số tiền vay được, ông Katơr Điêu đầu tư nuôi bò sinh sản, từng bước gây dựng cơ nghiệp. Những chú bò khỏe mạnh mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Không dừng lại ở đó, với bản tính cần cù, chịu khó, ông Katơr Điêu  tiếp tục vay vốn thêm hai lần nữa. Tổng số tiền được vay là 80 triệu đồng đã được ông tiếp tục “rót” vào công việc nuôi bò, đồng thời cải tạo đất đồi, trồng bưởi, sầu riêng. Hiện tại với đàn bò 10 con và 2 ha vườn cây ăn trái, mỗi năm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng, giúp gia đình ông Katơr Điêu thoát khỏi cảnh nghèo khó, có cuộc sống no ấm.
 
Để có được kết quả tích cực giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách, các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản... giúp người nghèo, đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo. Tại tỉnh Ninh Thuận, căn cứ tình hình ngân sách của địa phương hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đồng thời tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH. Cũng từ đây, cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở miền quê “nắng như phang”, “gió như rang” trở nên bền bỉ, hối hả hơn bao giờ hết nhờ vào hệ thống 271 hội đoàn thể các cấp tỉnh, huyện, xã và mạng lưới 1.638 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm trên toàn địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 
 
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã dành khoảng 2.600 tỉ đồng đầu tư cho người dân vùng khó khăn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành 240 tỉ đồng ngân sách ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Qua đó, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí của Trung ương; đang triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của Trung ương. Hiệu quả từ những chính sách này, người dân là những người cảm nhận được rõ ràng và trân quý nhất. 
 
Không chỉ hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống, NHCSXH còn mang hy vọng sưởi ấm họ trong những lúc khó khăn. Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu của cơn bão số 3 (bão Yagi) với những đợt mưa to, lũ lớn diễn ra vừa qua, nhiều hộ vay vốn tại NHCSXH càng trở nên khó khăn hơn khi chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Để giải quyết khó khăn này, NHCSXH tỉnh Yên Bái phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội rà soát các khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại để áp dụng biện pháp xử lý rủi ro phù hợp, đúng quy định. Tại thời điểm này, mỗi hộ nghèo bị thiệt hại bởi bão, lũ tại địa phương đã được NHCSXH giải ngân từ 80 - 100 triệu đồng vốn ưu đãi để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả giải ngân sau bão, lũ đến cuối tháng 9/2024, đã có 87 hộ được vay, với tổng số tiền là 4,5 tỉ đồng. 
 
Vững bước vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
 
Từ những kết quả trên có thể thấy, những mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang dần hiện rõ. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển” và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. 
 
Với định hướng đó, cùng với các chính sách tổng thể thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác do NHCSXH thực hiện đã trở thành một cấu phần quan trọng trong hành trình “tô thắm” những cuộc đời gặp nhiều khó khăn. “Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi, nhanh chóng để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống; góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH khẳng định. 
 
Mặc dù nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, song vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn vốn ủy thác tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương; chính sách tín dụng với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhưng chưa triệt để. Trong khi đó, địa bàn hoạt động của tín dụng chính sách trải dài trên cả nước, ở nhiều địa hình hiểm trở, nhận thức và trình độ của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế...
 
Từ những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan tới tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội… Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tạo điều kiện để NHCSXH được tiếp nhận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn… nhằm tăng cường nguồn lực để thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay các chương trình tín dụng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới. 
 
Về phía NHCSXH, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân. 
 
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường huy động các nguồn lực, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương.

Tập trung tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024, giải ngân kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, mức cho vay... để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Cùng với tăng trưởng tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH; tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của NHCSXH.

Giáng Tiên
NHNN