1. Giới thiệu về API, ngân hàng mở và API ngân hàng mở
1.1. API
API là phương thức cho phép các tổ chức chia sẻ quy trình kinh doanh, dữ liệu, dịch vụ, ứng dụng của họ với các đối tác cũng như các nhà phát triển nội bộ và bên ngoài. API không chỉ đơn giản là các giao diện kỹ thuật, đây còn là công cụ hỗ trợ, tạo ra trải nghiệm hấp dẫn cho khách hàng. Việc ra mắt nền tảng API sẽ giúp các ngân hàng thiết kế giải pháp lấy khách hàng làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng kỹ thuật số. API hỗ trợ truy cập hệ thống ngân hàng một cách an toàn và có kiểm soát. Về mặt cách thức, nếu API có thể truy cập được trong tổ chức thì được gọi là API đóng và nếu có thể truy cập được bên ngoài tổ chức thì được gọi là API mở (Open API).
Open API không có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào hệ thống một cách tự do mà luôn phải có một số hình thức kiểm soát của ngân hàng. API được phân loại theo cả kiến trúc và phạm vi sử dụng, bao gồm:
Open API hoặc Public API: Còn có tên gọi khác là API công khai, có sẵn, có thể được sử dụng bởi bất kỳ nhà phát triển nào. Đổi lại, các Open API thông thường sẽ yêu cầu các biện pháp xác thực hoặc ủy quyền thấp và bị hạn chế chức năng khi chia sẻ công khai. Một số Open API được chia sẻ miễn phí, một số khác sẽ yêu cầu tính phí khi sử dụng.
API đối tác (Partner API): API này cần có quyền hoặc giấy phép cụ thể mới truy cập được, chúng thường dành cho nhà phát triển bên ngoài ủy quyền để hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lựa chọn API đối tác vì muốn kiểm soát tốt hơn người dùng có thể truy cập vào tài nguyên của họ và giúp người dùng hiểu rõ cách thức sử dụng các tài nguyên đó.
API nội bộ (Internal API): Không giống như Open API hay API đối tác, API nội bộ không dành cho các bên thứ ba sử dụng, chúng thường dùng trong phạm vi doanh nghiệp để kết nối các hệ thống cũng như dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp.
API tổng hợp (Composite API): Là loại hình kết hợp hai hay nhiều API khác nhau để giải quyết các yêu cầu phức tạp của hệ thống. Nếu cần dữ liệu từ các ứng dụng hoặc từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau thì nên sử dụng API tổng hợp (Fast, 2024).
1.2. Ngân hàng mở
Ngân hàng mở là sự phát triển của một hệ sinh thái tài chính mới dựa trên sự kết nối giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thứ ba, được hỗ trợ bởi API. Về cốt lõi, ngân hàng mở bao gồm một khung pháp lý bắt buộc các ngân hàng chia sẻ dữ liệu khách hàng với nhà cung cấp bên thứ ba thông qua các API bảo mật, có sự đồng ý của khách hàng, nhằm mục đích dân chủ hóa quyền truy cập vào dữ liệu tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh (McKinsey, 2021). Đối với khách hàng, ngân hàng mở mang lại khả năng kiểm soát thông tin tài chính, cho phép họ tổng hợp dữ liệu từ nhiều tài khoản và truy cập các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa. Điều này có thể dẫn đến các sản phẩm tài chính phù hợp hơn, công cụ lập ngân sách tốt hơn và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, các tổ chức tài chính, ngân hàng và công ty Fintech có thể tích hợp API để phát triển dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng, từ đó đạt được lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, họ cũng phải giải quyết vấn đề phức tạp về bảo mật dữ liệu hay những lo ngại về quyền riêng tư và tuân thủ quy định. Nhìn chung, ngân hàng mở thể hiện sự thay đổi đáng kể trong ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới hệ sinh thái tài chính gắn kết hơn, lấy khách hàng làm trung tâm, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ được cá nhân hóa trải nghiệm cho khách hàng (Bunea, 2022).
1.3. API ngân hàng mở
API ngân hàng mở là một công nghệ quan trọng, cho phép các ngân hàng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ của mình với các ứng dụng của bên thứ ba. API ngân hàng mở mang lại nhiều lợi ích lớn như:
Thứ nhất, nâng cao dịch vụ tài chính
API ngân hàng mở là cầu nối giữa các tổ chức tài chính và nhà cung cấp bên thứ ba, cho phép các bên thứ ba được ủy quyền truy cập thông tin tài chính (số dư tài khoản, lịch sử giao dịch, dịch vụ khởi tạo thanh toán) với sự đồng ý của khách hàng. Cơ chế chính bao gồm các giao diện an toàn được tiêu chuẩn hóa mà ngân hàng cung cấp cho các nhà phát triển. Lợi ích của API ngân hàng mở là rất lớn đối với cả người tiêu dùng và tổ chức tài chính: (i) Đối với người tiêu dùng: API ngân hàng mở cung cấp quyền truy cập vào một loạt các dịch vụ tài chính, cho phép tạo ra các nền tảng tài chính tích hợp để hợp nhất dữ liệu từ nhiều tài khoản khác nhau, cung cấp thông tin chi tiết về tài chính được cá nhân hóa và tạo điều kiện cho các giao dịch thuận lợi hơn. Điều này giúp việc quản lý tài chính được cải thiện, hiệu quả công cụ lập ngân sách tốt hơn và đề xuất sản phẩm phù hợp hơn. (ii) Đối với các tổ chức tài chính: API ngân hàng mở mang đến cơ hội nâng cao dịch vụ và sự tương tác với khách hàng của họ. Các ngân hàng có thể hợp tác với các công ty Fintech để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó, mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường, tăng sự hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, những API này có thể mang lại hiệu quả hoạt động bằng cách tự động hóa các quy trình và giảm nhu cầu xử lý dữ liệu thủ công (Thomas, 2023).
Tuy nhiên, việc triển khai API ngân hàng mở cũng đòi hỏi phải giải quyết những thách thức đáng kể, bao gồm bảo đảm các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để chống vi phạm dữ liệu và tuân thủ các tiêu chuẩn quy định để duy trì niềm tin của khách hàng. Nhìn chung, API ngân hàng mở thúc đẩy sự đổi mới, cạnh tranh, thay đổi cách cung cấp và sử dụng các dịch vụ tài chính.
Thứ hai, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua cá nhân hóa
Nhờ tận dụng nguồn dữ liệu dồi dào có thể truy cập qua API, các tổ chức tài chính, ngân hàng và nhà cung cấp bên thứ ba có thể cung cấp, đề xuất dịch vụ phù hợp nhu cầu của từng khách hàng bằng các công cụ quản lý tài chính được cá nhân hóa. Những công cụ này có thể phân tích mô hình chi tiêu, phân loại giao dịch và cung cấp thông tin chi tiết, hữu ích để giúp người dùng quản lý tài chính tốt hơn. Ví dụ, khách hàng có thể nhận được cảnh báo về chi tiêu bất thường và đề xuất về cơ hội tiết kiệm hoặc đầu tư dựa trên hành vi tài chính của họ. Ngoài ra, API ngân hàng mở còn giúp tích hợp nhiều tài khoản tài chính vào một nền tảng duy nhất, mang lại cái nhìn thống nhất về tình trạng tài chính của khách hàng. Điều này cho phép khách hàng lập kế hoạch chính xác và nâng cao khả năng ra quyết định bằng cách cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về tổng quan tình hình tài chính. Bên cạnh đó, API ngân hàng mở giúp đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa như các đề nghị cho vay hoặc chiến lược đầu tư phù hợp cho khách hàng. Khả năng cung cấp những trải nghiệm cá nhân hóa như vậy không chỉ cải thiện sự hài lòng của khách hàng mà còn xây dựng mối quan hệ khách hàng bền chặt hơn. Các tổ chức tài chính tận dụng API ngân hàng mở để cung cấp các dịch vụ phù hợp, kịp thời và được cá nhân hóa có thể tạo sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Thứ ba, API ngân hàng mở có tiềm năng tận dụng lượng lớn dữ liệu để cung cấp cho các dịch vụ tài chính
Bằng cách tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, các ngân hàng, tổ chức tài chính có thể tạo ra các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết nhu cầu, sở thích của từng khách hàng. Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này cho phép phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính được cá nhân hóa nhằm nâng cao sự hài lòng, tăng mức độ tương tác của khách hàng. Ví dụ: Dữ liệu giao dịch có thể tiết lộ thói quen chi tiêu, nguồn thu nhập và mục tiêu tài chính. Với thông tin chi tiết này, các tổ chức tài chính có thể cung cấp công cụ lập kế hoạch tài chính như ứng dụng lập ngân sách được cá nhân hóa, giúp người dùng quản lý chi phí hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính có thể tạo ra ưu đãi và khuyến mãi được cá nhân hóa phù hợp với tình hình tài chính của từng người dùng. Ví dụ, một khách hàng thường xuyên đi du lịch có thể nhận được các ưu đãi với mục tiêu về bảo hiểm du lịch hoặc thẻ tín dụng du lịch có thưởng. Tương tự, khách hàng sắp nghỉ hưu có thể được cung cấp các chiến lược đầu tư phù hợp và dịch vụ lập kế hoạch nghỉ hưu. Hơn nữa, việc tổng hợp dữ liệu thông qua API ngân hàng mở cho phép tích hợp liền mạch các dịch vụ tài chính. Điều này nghĩa là, khách hàng có thể truy cập nhiều loại sản phẩm, dịch vụ từ các nhà cung cấp khác nhau trong một nền tảng duy nhất, tạo ra trải nghiệm thuận tiện và gắn kết hơn (Hernandez, 2023). Thông qua việc tận dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ tài chính mục tiêu, các ngân hàng có thể xây dựng mối quan hệ khách hàng bền chặt hơn, thúc đẩy mức độ tương tác cao hơn và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.
2. Những thách thức trong việc triển khai API ngân hàng mở
Bên cạnh những lợi ích trên, khi triển khai API ngân hàng mở, còn tồn tại một số thách thức đi kèm mà các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà cung cấp bên thứ ba phải giải quyết. Những thách thức này bao gồm các khía cạnh bảo mật, quyền riêng tư, tuân thủ và kỹ thuật, mỗi khía cạnh đều đóng một vai trò quan trọng trong cải thiện hiệu quả và độ tin cậy tổng thể của các dịch vụ ngân hàng mở.
Mối quan tâm về bảo mật và quyền riêng tư: Bảo đảm tính bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu khách hàng là điều tối quan trọng khi triển khai API ngân hàng mở. Các ngân hàng, tổ chức tài chính phải được bảo vệ khỏi các vi phạm dữ liệu tiềm ẩn và truy cập trái phép. Điều này liên quan đến việc áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh như mã hóa dữ liệu, có phương thức xác thực an toàn và kiểm tra bảo mật thường xuyên. Những lo ngại về quyền riêng tư cũng cần được giải quyết bằng cách thực hiện các cơ chế chấp thuận rõ ràng, cho phép khách hàng kiểm soát cách thức chia sẻ và sử dụng dữ liệu của họ.
Tuân thủ các tiêu chuẩn quy định: Đây là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi triển khai API ngân hàng mở. Các tổ chức tài chính phải tuân thủ các quy định như Chỉ thị về dịch vụ thanh toán thứ hai của Liên minh châu Âu (PSD2) hay tiêu chuẩn ngân hàng mở của Anh bao gồm việc bảo đảm API đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể và yêu cầu bảo mật và nghĩa vụ báo cáo. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến hậu quả pháp lý và tổn hại đến danh tiếng của tổ chức (Lee, 2022).
Tích hợp với các hệ thống cũ: Nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính hoạt động với hệ thống cũ có thể không dễ tương thích với các công nghệ API hiện đại. Việc tích hợp API ngân hàng mở với các hệ thống hiện có này thường phức tạp và tốn kém. Các ngân hàng, tổ chức tài chính cần lập kế hoạch và đầu tư vào bản cập nhật cần thiết hoặc giải pháp phần mềm trung gian để tạo điều kiện tích hợp liền mạch.
Quản lý mối quan hệ của bên thứ ba: Các ngân hàng, tổ chức tài chính phải kiểm tra và quản lý cẩn thận mối quan hệ với công ty Fintech và những nhà cung cấp dịch vụ khác để bảo đảm họ tuân thủ tất cả tiêu chuẩn và bảo mật. Việc thiết lập các thỏa thuận rõ ràng và giám sát hoạt động của bên thứ ba là điều cần thiết để duy trì chất lượng dịch vụ cũng như bảo vệ dữ liệu
khách hàng.
Trải nghiệm người dùng: Bảo đảm trải nghiệm người dùng dễ dàng và trực quan là yếu tố quan trọng cho sự thành công của API ngân hàng mở. Nếu việc tích hợp dẫn đến các quy trình phức tạp cho người dùng thì tỉ lệ chấp nhận có thể bị ảnh hưởng. Các tổ chức phải ưu tiên giao diện thân thiện với người dùng và trải nghiệm liền mạch để khuyến khích sử dụng rộng rãi những dịch vụ mới.
Bảo trì và hỗ trợ liên tục: API ngân hàng mở yêu cầu bảo trì và hỗ trợ liên tục để giải quyết các vấn đề như lỗi cập nhật hay mối đe dọa bảo mật ngày càng gia tăng. Các ngân hàng, tổ chức tài chính cần thiết lập cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ và giám sát liên tục để bảo đảm các API vẫn hoạt động và an toàn theo thời gian (Martinez, 2023).
3. Một số khuyến nghị trong việc triển khai API ngân hàng mở tại Việt Nam
Tại Việt Nam, tương lai của ngân hàng mở hứa hẹn sẽ mang đến những dịch vụ tài chính cá nhân hóa và tiên tiến hơn nữa khi công nghệ tiếp tục phát triển với bối cảnh pháp lý thích ứng. Giống như nhiều quốc gia đã triển khai các hình thức khác nhau của ngân hàng mở thông qua API, tại Việt Nam, ngân hàng mở cũng đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Có thể kể đến như Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) ra mắt ứng dụng VietinBank iConnect năm 2019, cung cấp nền tảng chia sẻ Open API nhằm hỗ trợ các đối tác số tham khảo, thử nghiệm và phát triển các ứng dụng phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Từ năm 2019 đến tháng 8/2023, trung bình mỗi tháng, VietinBank ghi nhận trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng VietinBank iConnect. NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra mắt nền tảng BIDV Open API ngày 29/11/2023, cung cấp 15 gói API. Đến tháng 8/2024, BIDV đã có khoảng 60 đối tác trải nghiệm hệ thống BIDV Open API (với hơn 17.000 lượt thử nghiệm trên môi trường thử nghiệm có kiểm soát - Sandbox) và đăng ký tích hợp với BIDV... Ước tính đến năm 2025, BIDV sẽ có 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API... Đứng trước tương lai đầy hứa hẹn của ngân hàng mở, việc giải quyết những thách thức trong việc triển khai API ngân hàng mở tại Việt Nam đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các NHTM, cụ thể như sau:
Đối với NHNN: Xuất phát từ thực tiễn, NHNN cần thiết một hành lang pháp lý cho ngân hàng mở, do vậy, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về triển khai Open API trong ngành Ngân hàng nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng. Nghiên cứu ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn của nguồn dữ liệu để việc thu thập, lưu trữ dữ liệu của tất cả các thực thể trong nền kinh tế được đồng nhất nhằm bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng hiệu quả giữa các ngân hàng cũng như giữa ngân hàng với các ngành, nghề khác. Tiến đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của khách hàng một cách toàn diện, NHNN có thể ban hành quy định cho phép ngân hàng tự chủ về cơ sở dữ liệu khách hàng trong việc chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba liên quan.
Đối với NHTM: Tương lai của ngân hàng mở được đặc trưng bởi những tiến bộ công nghệ, tăng cường quyền riêng tư dữ liệu, hệ sinh thái dịch vụ mở rộng và tăng cường kiểm soát người tiêu dùng. Vì vậy, các NHTM cần linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động để tận dụng cơ hội và đáp ứng những kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng. Theo đó, NHTM cần lập kế hoạch cụ thể, có lộ trình đầu tư vào công nghệ, phát triển chuyên môn, cam kết duy trì các tiêu chuẩn cao về bảo mật và tuân thủ trong việc sử dụng API ngân hàng mở để cung cấp nhiều dịch vụ tài chính sáng tạo, an toàn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để nền tảng API ngân hàng mở được ứng dụng thành công, đòi hỏi các NHTM phải áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy, công nghệ chuỗi khối và điện toán đám mây để gia tăng năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ cá nhân hóa trên các kênh kỹ thuật số. Trong giai đoạn đầu, NHTM có thể cung cấp các API kết nối với nhà cung cấp bên thứ ba như viễn thông, bảo hiểm, ví điện tử và sàn thương mại điện tử để cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, đồng thời, tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của khách hàng thông qua mã hóa dữ liệu, xác thực nhiều lớp và giám sát an ninh mạng liên tục để duy trì lòng tin của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng mở. Các NHTM cũng cần bảo đảm tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến ngân hàng mở, bao gồm việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu bảo mật và cơ chế kiểm soát để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. Tiếp tục đầu tư vào nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển các hệ thống trung gian để bảo đảm tích hợp mượt mà với API và hỗ trợ mô hình kinh doanh mới trong ngân hàng mở. Trong mối quan hệ với các bên liên quan, NHTM nên thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với công ty Fintech, nhà cung cấp dịch vụ và tổ chức tài chính khác để tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng mở đa dạng, phong phú, đồng thời, chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an ninh mạng nhằm nâng cao khả năng phòng, chống tội phạm liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin trên không gian mạng.
4. Kết luận
Ngân hàng mở thể hiện sự thay đổi mô hình trong ngành tài chính, ngân hàng thông qua việc thay đổi căn bản cách thức cung cấp và trải nghiệm các dịch vụ cho khách hàng. Bằng cách tận dụng API để tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu an toàn, minh bạch, ngân hàng mở đã mở đường cho các mức độ cá nhân hóa và dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm. Khả năng tích hợp các nguồn dữ liệu tài chính đa dạng cho phép các ngân hàng cung cấp nhiều giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu cá nhân một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hành trình hướng tới việc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của ngân hàng mở còn gặp nhiều thách thức.
Vấn đề bảo đảm an ninh, điều hướng các quy định và quản lý tích hợp hệ thống cũ là những cân nhắc quan trọng cần được giải quyết để xây dựng một hệ sinh thái ngân hàng mở đáng tin cậy, hiệu quả. Hơn nữa, việc duy trì sự tập trung vào trải nghiệm người dùng và quyền riêng tư dữ liệu sẽ là điều cần thiết trong việc thúc đẩy sự chấp nhận và tin cậy rộng rãi của khách hàng. Bằng cách nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức, các ngân hàng có thể thúc đẩy những cải tiến đáng kể trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và hệ sinh thái tài chính rộng lớn hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Abidullah Mohammad, R. S. (2024). Leveraging open banking APIs for enhanced customer experience and personalization. International Journal of Computer Science and Information Technology Research (IJCSITR), pages 12-19.
2. Bunea, S. (2022). Open banking: Trends and developments in Europe. Journal of Financial Regulation and Compliance, pages 34-48.
3. DigitalFPT. (2021). Retrieved from https://digital.fpt.com/linh-vuc/ngan-hang-mo.html
4. Fast (2024). Retrieved from https://fast.com.vn/api-la-gi-nhung-thong-tin-can-biet-ve-api/
5. Hernandez, F. (2023). The Role of AI and ML in open banking personalization. Journal of Financial Services Research, 58(2), pages 212-228.
6. Lee, K. &. (2022). Regulatory challenges in implementing open banking. Financial Innovation, 8(1), pages 71-86.
7. Martinez, A. (2023). Data privacy and protection in open banking systems. Journal of Information Privacy and Security, 19(2), pages 120-137.
8. McKinsey (2021). Financial services unchained: The ongoing rise of open financial data.
9. QuynhTrang (2024, 8). Retrieved from https://thoibaonganhang.vn/mo-duong-cho-open-api-trong-nganh-ngan-hang-154494.html
10. Ramachandran, K. (2020). Blockchain breakthrough: Revolutionizing real-time. Journal of Scientific and Engineering Research, pages 236-241.
11. Singh, P. (2022). Integration of Open Banking with Fintech Ecosystems. Journal of Financial Technology, 6(3), pages 155-170.
12. Smith, J. (2022). enhancing customer experience through open banking APIs. International Journal of Bank Marketing, 40(3), pages 589-606.
13. Thomas, R. (2023). APIs and the future of open banking: Security and privacy implications. Journal of Digital Banking, pages 98-112.
ThS. Lê Cẩm Tú