Ngày Pháp luật Việt Nam: Lịch sử, ý nghĩa và vai trò quản lý bằng pháp luật đối với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số

Ngày 20/6/2012, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó đã quy định rõ: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Nov 9, 2024 - 08:40
Ngày Pháp luật Việt Nam: Lịch sử, ý nghĩa và vai trò quản lý bằng pháp luật đối với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
1. Lịch sử ra đời Ngày Pháp luật Việt Nam
 
Ngày 20/6/2012, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó đã quy định rõ: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”­.
 
 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Quốc hội chọn ngày 09/11 hằng năm làm Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm kỷ niệm sự kiện thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1946. Đây là cột mốc quan trọng, đặt nền tảng pháp lý cho đất nước và thể hiện quyết tâm của dân tộc trong việc khẳng định quyền tự quyết, xây dựng nhà nước pháp quyền. Ngày Pháp luật Việt Nam gắn liền với bước ngoặt lịch sử của dân tộc: Sau khi giành độc lập, Việt Nam cần một hệ thống pháp luật để quản lý xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân. Hiến pháp năm 1946 không chỉ khẳng định quyền tự do, bình đẳng của công dân mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam. Là đạo luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp là nền tảng pháp lý của mọi hoạt động xã hội. Việc chọn ngày này làm Ngày Pháp luật thể hiện sự tôn trọng Hiến pháp và khẳng định vai trò thiết yếu của pháp luật trong đời sống xã hội.

2. Ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam

Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội, mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân và tổ chức nhìn nhận vai trò của mình trong việc thực thi pháp luật. Đặc biệt, với ngành Ngân hàng - nơi các quy định pháp luật thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn - việc nắm rõ các quy định này là vô cùng quan trọng. Ngày này góp phần thúc đẩy ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng, kêu gọi sự tham gia tích cực của các cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và thực hiện quy định pháp luật, nhằm hướng tới một xã hội ổn định và phát triển.

Đây cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến toàn xã hội, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao trách nhiệm tuân thủ và bảo vệ pháp luật, góp phần xây dựng môi trường sống và làm việc an toàn, văn minh. Hằng năm, các hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam diễn ra trên phạm vi cả nước, tạo cơ hội để cộng đồng, tổ chức, và cơ quan nhà nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao ý thức pháp lý, qua đó củng cố sự gắn kết trong xã hội. Những hoạt động này khuyến khích người dân hình thành thói quen tôn trọng và tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa pháp lý tích cực.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân thường hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thông qua các hình thức như hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, hoặc tuyên truyền lưu động... nhằm khẳng định vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Đây cũng là cơ hội để giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng, bảo vệ pháp luật, để thấy rõ lợi ích từ việc chấp hành quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ quan cũng tiến hành phổ biến các quy định thiết thực liên quan đến nhiệm vụ của từng đơn vị, vận động người dân nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Đây cũng là dịp biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực thi pháp luật, cùng những tấm gương điển hình trong việc thực hiện pháp luật.

Ngày Pháp luật Việt Nam mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và phát triển bền vững. Đây không chỉ là ngày kỷ niệm mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với pháp luật, chung tay xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh.

3. Vai trò quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với các hoạt động ngân hàng

Pháp luật là công cụ quản lý nhà nước hiệu quả, giúp xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, duy trì trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế. Pháp luật không chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội mà còn tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trong xã hội.

Trong vai trò quản lý nhà nước, pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi của công dân mà còn là phương tiện để Nhà nước thực hiện quyền lực của mình, bảo đảm mọi hoạt động diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm. Đặc biệt, trong ngành Ngân hàng - một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - pháp luật là công cụ thiết yếu để quản lý hiệu quả các hoạt động.

Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD năm 2024), thay thế Luật Các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 nhằm tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho hoạt động ngân hàng. Luật Các TCTD năm 2024 có nhiều điểm mới, chặt chẽ hơn và đóng vai trò nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác quản lý, điều hành lĩnh vực ngân hàng và ngoại hối.

Các quy định mới trong Luật Các TCTD 2024 bao gồm: Tổ chức, quản trị, điều hành và quản lý rủi ro đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiểm soát sở hữu chéo và các mối quan hệ với người có liên quan; quy định tỉ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông; giới hạn cấp tín dụng. Vấn đề xử lý nợ xấu và các hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD cũng được quy định rõ ràng hơn, cùng với những quy định về việc can thiệp sớm đối với các TCTD hoạt động yếu kém. Đặc biệt, Luật Các TCTD năm 2024 dành hẳn một chương quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm phục vụ các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Để triển khai thực hiện Luật Các TCTD năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 một cách đồng bộ và hiệu quả, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về thanh toán không dùng tiền mặt; thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các khoản nợ xấu; điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn cho các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài,…

Đồng thời, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành gần 50 thông tư nhằm quy định chi tiết các điều khoản trong Luật Các TCTD năm 2024. Hiện nay, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các văn bản để đảm bảo hướng dẫn Luật đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, bền vững, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, hoạt động ngân hàng đang thay đổi nhanh chóng với sự phát triển của ngân hàng số, thanh toán trực tuyến, sinh trắc học và các ứng dụng Fintech, đòi hỏi pháp luật phải điều chỉnh kịp thời để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động này. Đặc biệt, cần có các quy định chi tiết về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu, đánh giá rủi ro và quản lý khách hàng nhằm bảo đảm minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số và Fintech đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật, như: Quy định về bảo mật thông tin, quyền riêng tư; phòng, chống gian lận; hợp đồng điện tử; thanh toán trực tuyến; phòng, chống rửa tiền. Để đáp ứng yêu cầu này, cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong các quy định hiện hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Trước những cơ hội và thách thức do chuyển đổi số và AI mang lại, pháp luật trong ngành Ngân hàng cần được điều chỉnh và hoàn thiện theo các hướng sau: (i) Quy định chặt chẽ hơn về bảo mật dữ liệu khách hàng để bảo đảm an toàn thông tin trong môi trường số; (ii) Khung pháp lý cho giao dịch điện tử: Cần xây dựng quy định rõ ràng về giao dịch điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến để tạo điều kiện cho các hoạt động tài chính mới; (iii) Quản lý AI trong ngân hàng thông qua việc quy định rõ việc sử dụng AI trong phân tích dữ liệu khách hàng và đánh giá rủi ro. Sử dụng AI trong phân tích dữ liệu có thể vi phạm quyền riêng tư nếu thiếu quy định rõ ràng về thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân; (iv) Kiểm soát rủi ro công nghệ: Cần có quy định về quản lý rủi ro công nghệ để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng trước sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ; (v) Phát triển dịch vụ ngân hàng số: Các quy định hỗ trợ phát triển dịch vụ ngân hàng số cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; (vi) Quản lý các công ty Fintech: Với sự phát triển của Fintech, cần có các quy định để quản lý và kiểm soát hoạt động của các công ty này, bảo đảm cạnh tranh công bằng trong Ngành; (vii) Bảo vệ quyền lợi khách hàng: Cần có các quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng trong môi trường ngân hàng số, đặc biệt là với các dịch vụ mới.

Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ là dịp kỷ niệm mà còn là lời nhắc nhở về vai trò thiết yếu của pháp luật trong việc xây dựng xã hội văn minh, công bằng và phát triển bền vững. Đây là cơ hội để mỗi cá nhân, tổ chức và Nhà nước cùng góp sức xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh. Đối với ngành Ngân hàng, quản lý bằng pháp luật đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số, đòi hỏi các quy định pháp luật phải được điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành và nền kinh tế.


ThS. Trần Phú Dũng