Liên danh APM Terminals - Hateco, Adani, Sumitomo, Cảng Đà Nẵng: Ai sẽ "thâu tóm" Cảng Liên Chiểu?

Phần cơ sở hạ tầng dùng chung của Cảng Liên Chiểu do ngân sách Nhà nước đầu tư đã thực hiện được khoảng 70%. Trong khi đó, một ‘ông lớn’ về khai thác cảng tầm cỡ thế giới vừa ngỏ ý muốn đầu tư giai đoạn 2 – phần kêu gọi đầu tư xây dựng bến cảng.

Oct 3, 2024 - 15:54
Liên danh APM Terminals - Hateco, Adani, Sumitomo, Cảng Đà Nẵng: Ai sẽ "thâu tóm" Cảng Liên Chiểu?

Dự án Cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng là một trong những công trình trọng điểm, được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa chiến lược của khu vực miền Trung. Được khởi công vào tháng 9/2023, dự án này gồm phần cơ sở hạ tầng dùng chung do ngân sách Nhà nước đầu tư và phần bến cảng được kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tính đến giữa tháng 9/2024, phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án đã đạt được hơn 70% khối lượng công việc, tương ứng khoảng 1.859,4 tỷ đồng. Đây là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 3.462 tỷ đồng, được tài trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố Đà Nẵng. Phần cơ sở hạ tầng này bao gồm các công trình hạ tầng phục vụ chung cho cảng và các kết nối giao thông, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Trước khó khăn trong việc cung cấp vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá, do nguồn cung trên địa bàn Đà Nẵng hạn chế, Sở TN-MT Đà Nẵng đã cho phép các mỏ đá trên địa bàn nâng công suất khai thác, nhằm tạm thời giải quyết vấn đề này, đảm bảo dự án không bị gián đoạn.

Về vốn giải ngân, tính đến nay, dự án đã sử dụng 78,4% kế hoạch vốn năm 2024, tương đương 658,255 tỷ đồng, đảm bảo dòng tiền cho tiến độ thi công không bị ảnh hưởng.

Phần cơ sở hạ tầng dùng chung Cảng Liên Chiểu đã thi công được khoảng 70% giá trị hợp đồng
Phần cơ sở hạ tầng dùng chung Cảng Liên Chiểu đã thi công được khoảng 70% giá trị hợp đồng

Ngoài khó khăn về vật liệu san lấp, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cũng gặp nhiều thách thức. Đặc biệt, dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, một phần quan trọng để kết nối hạ tầng cảng, vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dù đã đạt 34,44% khối lượng thi công.

BQL các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư) và UBND quận Liên Chiểu đang tích cực phối hợp với Hội đồng GPMB để thúc đẩy việc đền bù, giải tỏa và cưỡng chế thu hồi đất trong những trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo tiến độ của toàn dự án.

Giai đoạn hai: Cuộc đua của nhiều ứng viên

Song song với phần cơ sở hạ tầng dùng chung, phần bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Giai đoạn này bao gồm nhiều hạng mục quan trọng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế và nội địa.

Cụ thể gồm 8 bến container với tổng chiều dài neo đậu lên tới 2.750 mét, phục vụ cho tàu có trọng tải từ 50.000 đến 200.000 DWT; 6 bến hàng tổng hợp có tổng chiều dài neo đậu 1.550 mét, dành cho tàu có trọng tải từ 50.000 đến 100.000 DWT.

Bến cho tàu pha sông biển và khu vực hậu phương cảng cũng được phát triển để hỗ trợ các hoạt động logistics và dịch vụ liên quan. Quy mô này sẽ giúp cảng Liên Chiểu đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn và trở thành một trung tâm vận tải biển quan trọng của Việt Nam.

Liên danh APM Terminals - Hateco là một trong những cái tên mới nhất nộp hồ sơ tham gia dự án, với cam kết đầu tư vào cảng Liên Chiểu lên tới 48.304 tỷ đồng.

Trong đó, APM Terminals là một trong những nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới, thuộc tập đoàn AP Moller-Maersk; còn Hateco là một tập đoàn đa ngành lớn của Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển hạ tầng cảng biển.

Liên danh này không chỉ cam kết xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành một trong những cảng container lớn nhất khu vực mà còn biến nơi đây trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam, với dịch vụ logistics thân thiện với môi trường và các tiêu chuẩn cao về quản trị, trách nhiệm xã hội.

Máy móc của nhà thầu đang triển khai thi công tại Cảng Liên Chiểu
Máy móc của nhà thầu đang triển khai thi công tại Cảng Liên Chiểu

Ngoài APM Terminals và Hateco, một số nhà đầu tư quốc tế khác như Adani (Ấn Độ) và Sumitomo (Nhật Bản) cũng đang bày tỏ sự quan tâm tới dự án này.

Ở trong nước, như Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã nêu, Công ty CP Cảng Đà Nẵng (CDN) cũng không rời mắt khỏi đại dự án này. Tại ĐHCĐ thường niên 2024, CDN nêu nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2024 – 2029 là xin được quyền xây dựng và khai thác Cảng Liên Chiểu.

Đặc biệt, ‘ông lớn’ cảng biển miền Trung còn đặt kế hoạch đưa vào khai thác bến 1,2 dự án cảng Liên Chiểu trong giai đoạn 2024 – 2029.

CDN lên kế hoạch đảm bảo an toàn tài chính Công ty qua việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, lợi nhuận được ĐHCĐ giao, tối ưu lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Hoàn thiện kế hoạch vốn cho công tác đầu tư phát triển trong giai đoạn sắp đến, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện Dự án đầu tư Cảng Liên Chiểu.

Trước đó, CDN đã thông qua chủ trương để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, kinh phí khoảng 7.400 tỷ đồng từ nguồn vốn tự huy động và vốn vay.

Kiều Linh