Bộ Tài chính lên tiếng về kiến nghị tái cấu trúc nợ trái phiếu của Novaland
Novaland kiến nghị cho phép kéo dài thời hạn trái phiếu và tái cấu trúc nợ vay để giảm áp lực tài chính. Tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản của Novaland giảm còn 238.800 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 200.000 tỷ đồng.
Theo nguồn tin từ Báo Tuổi Trẻ, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng - đơn vị đầu mối Tổ công tác của Thủ tướng chuyên giải quyết khó khăn cho các dự án bất động sản, Bộ Tài chính đã đề nghị cơ quan này làm việc với Ngân hàng Nhà nước để xử lý 2 kiến nghị từ Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL).
Dự án Aqua City, Đồng Nai của Novaland |
Kiến nghị đầu tiên là cho phép các ngân hàng thương mại hỗ trợ kéo dài thời hạn thanh toán trái phiếu và nợ vay mà không phải chuyển nhóm nợ hoặc trích lập dự phòng. Điều này sẽ giúp Novaland duy trì nguồn vốn, tránh tình trạng nợ xấu và giảm bớt gánh nặng tài chính. Đồng thời, Novaland cũng đề xuất các ngân hàng thương mại tạo điều kiện vay vốn để tái cấu trúc nợ trái phiếu và triển khai các phương án linh hoạt nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản.
Về kiến nghị thứ hai, Novaland đề xuất điều chỉnh Nghị định 08/2023 của Chính phủ để cho phép gia hạn kỳ hạn trái phiếu tối đa 4 năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết quy định này đã được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và đảm bảo tính minh bạch thị trường. Hiện tại, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến từ các chủ thể thị trường, các bộ ngành liên quan để nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc xem xét kiến nghị của Novaland phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu. Nguyên tắc được đặt ra là lợi ích hài hòa và chia sẻ khó khăn một cách công bằng giữa các bên.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Novaland giảm 2.700 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 238.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền mặt của tập đoàn này giảm mạnh chỉ còn gần 850 tỷ đồng, trong khi các khoản tương đương tiền giảm còn 1.300 tỷ đồng.
Novaland hiện đang chịu áp lực lớn từ các khoản nợ phải trả vượt mốc 200.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu ngắn hạn đạt hơn 15.868 tỷ đồng và dư nợ trái phiếu dài hạn khoảng 22.791 tỷ đồng. Những con số này phản ánh gánh nặng tài chính đáng kể, đặc biệt khi công ty liên tục gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn.
Trong thời gian gần đây, Novaland đã nhiều lần thông báo chậm trả lãi và xin gia hạn thời gian thanh toán nợ gốc do chưa thu xếp được nguồn tiền cần thiết. Việc tập đoàn phải đối mặt với khó khăn thanh khoản đã gây ra áp lực lớn lên các kế hoạch tái cấu trúc tài chính của công ty.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu NVL tăng nhẹ 0,49%, đưa thị giá lên mức 10.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thị giá hiện tại của cổ phiếu NVL cũng đang ở vùng đáy lịch sử kể từ khi niêm yết.
Bất chấp cổ phiếu giảm sâu, NVL kiên định kế hoạch phát hành 1,170 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu Cổ phiếu NVL của Novaland tiếp tục giảm xuống mức 10.350 đồng/cổ phiếu trong phiên 18/10, chỉ cách đáy lịch sử khoảng 150 đồng. Thanh ... |
Cổ phiếu thép SMC tăng dựng đứng dù bài toán công nợ với Novaland, Hòa Bình vẫn còn Sau chuỗi ngày dài giảm giá, cổ phiếu của đại gia buôn thép SMC bất ngờ có cho mình 2 phiên tăng mạnh, thanh khoản ... |
SMC đang "vật lộn" với nợ xấu và lỗ lũy kế, số phận Nhà máy Gia công cơ khí SMC ra sao? Kinh doanh thua lỗ, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) tiếp tục có động thái tái cơ cấu khi chấm dứt ... |
Lưu Lâm