Tín dụng vẫn là mảng đóng góp chính trong bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng
Tín dụng toàn ngành ngân hàng đi lùi trong hai tháng đầu năm và chỉ nhích nhẹ về cuối tháng 3, song đây vẫn là nguồn thu chính của các nhà băng, thu nhập ngoài lãi đang tỏ ra lép vế hoàn toàn.
Chuyển dịch mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030.
Vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc thu nhập vào hoạt động tín dụng, tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng thương mại đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2012. Nếu như hoạt động tín dụng chứa nhiều rủi ro như thanh khoản, nợ xấu…thì hoạt động phi tín dụng chứa rất ít rủi ro và mang lại nguồn thu ổn định cho ngân hàng.
Hình minh họa. |
Mặc dù vậy, trên thực tế thu nhập từ tín dụng vẫn đang là mảng đóng góp chính trong bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của toàn hệ thống ngân hàng (trừ Agibank chưa công bố báo cáo tài chính), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang là “quán quân” lợi nhuận ngành ngân hàng với 10.718 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả các mảng kinh doanh của Vietcombank đều ghi nhận kết quả đi lùi so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng giảm gần 1%, xuống 14.078 tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo Vietcombank tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 vừa được tổ chức ngày 27/4 vừa qua, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đi xuống là do tác động từ việc lãi suất giảm sâu. Tính đến thời điểm cuối quý 1, tổng giá trị huy động vốn trên thị trường 1 của Vietcombank đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31% so với hồi cuối năm 2023. Huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM, hiệu quả sử dụng vốn. Tăng trưởng tín dụng giảm 0,42%, khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi tín dụng bán buôn tăng trưởng.
Techcombank đứng vị trí “á quân” về lợi nhuận với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chính của Ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 30% so với cùng kỳ, đạt gần 8.500 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 1, tổng tài sản của Techcombank tăng 4,3% so với cuối năm 2023, lên mức 885.700 tỷ đồng. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 6,4% so với đầu năm, lên ngưỡng 563.900 tỷ đồng.
Kết quả lợi nhuận của Techcombank cũng bỏ khá xa các ngân hàng tư nhân trên thị trường. Các ngân hàng còn lại trong Top 5 lợi nhuận lần lượt là BIDV (7.390 tỷ đồng, tăng trưởng 7%), VietinBank (6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 4%), MB (5.795 tỷ đồng, giảm 11%). Các vị trí tiếp theo thuộc về ACB, VPBank, HDBank, SHB, LPBank. Trong nhóm này, ngoại trừ MB và ACB ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ thì các ngân hàng còn lại đều tăng trưởng dương.
Đến nay, trong số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, ngoại trừ 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ và một ngân hàng bị lỗ, hầu hết nhà băng đều tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế, cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ đạt khoảng 10%.
Theo các chuyên gia của VCBS, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có bộ “đệm” mạnh, hay các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng lợi nhuận từ 18 - 20%.
Rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái Việc ngân hàng cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái đang tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, mức ... |
Cuộc đua hút tiền gửi “nóng” trở lại tại các ngân hàng Lãi suất tiết kiệm liên tục "dò đáy" trong thời gian dài khiến lượng tiền gửi tại nhiều ngân hàng sụt giảm. Trong bối cảnh ... |
Thu Thảo