Thúc đẩy quản trị rủi ro định lượng trong ngành tài chính
Quản trị rủi ro định lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành tài chính và bảo hiểm, để giảm thiểu các loại rủi ro, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động đồng thời cảnh báo sớm tác động trong các tình huống khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Vào sáng nay (2/11), tại Hà Nội, trường Công nghệ đã phối hợp với Khoa Toán Kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Quản trị rủi ro định lượng trong thời đại 4.0: Đổi mới và ứng dụng”.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 60 chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị rủi ro từ các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm và các trường đại học, cùng với sự tham gia của sinh viên và học viên ngành Định phí bảo hiểm và Quản trị rủi ro (Actuary) tại Khoa Toán kinh tế.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh: “Quản trị rủi ro định lượng là một lĩnh vực quan trọng, đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhà trường cam kết tạo điều kiện tối đa để phát triển năng lực nghiên cứu và thực hành cho người học trong lĩnh vực này, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và nền kinh tế số hóa.”
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá cao tầm quan trọng và tính ứng dụng ngành Quản trị rủi ro định lượng. |
Quản trị rủi ro định lượng trong thời đại số
Quản trị rủi ro định lượng là một ngành phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng các phương pháp toán học và mô hình định lượng để nhận diện, đánh giá và phân tích rủi ro. Đây là công cụ thiết yếu giúp các tổ chức phòng ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra. Khi các tổ chức triển khai quản lý rủi ro hiệu quả, họ không chỉ bảo vệ lợi nhuận mà còn duy trì sự ổn định, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Trong bối cảnh dữ liệu lớn ngày càng phát triển, các phương pháp quản trị rủi ro định lượng cũng không ngừng được cải tiến với độ chính xác và hiệu quả cao hơn. Những tiến bộ này giúp các doanh nghiệp và tổ chức tài chính nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với các biến động phức tạp của thị trường, từ đó tăng cường khả năng chống chịu trong các tình huống khủng hoảng.
Buổi tạo đàm khoa học “Quản trị rủi ro định lượng trong thời đại 4.0” của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, ngân hàng, công ty bảo hiểm lớn tại Hà Nội. |
Thị trường ứng dụng rộng mở
Ngành quản trị rủi ro định lượng có phạm vi ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài chính và bảo hiểm. Các tổ chức như ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư đều cần sử dụng các phương pháp định lượng để quản lý các loại rủi ro, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động.
Các phương pháp này còn giúp các tổ chức đánh giá sức chịu đựng trong các tình huống khủng hoảng, đảm bảo họ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cơ quan quản lý và bảo vệ tài sản trước những biến động không mong muốn.
Trình bày tổng quan về hệ thống quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chuyên gia cao cấp Khối Pháp chế và Quản lý rủi ro tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt nhận định, việc xây dựng và phát triển các hệ thống quản lý rủi ro đang giúp các ngân hàng Việt Nam ngày càng hoàn thiện, củng cố niềm tin của khách hàng và cơ quan quản lý.
Bà Linh cũng chia sẻ về định hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hệ thống đánh giá rủi ro, xây dựng văn hóa quản trị rủi ro bền vững, cũng như việc tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị để tạo dựng hình ảnh ngân hàng tích cực và đáng tin cậy.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ về xu hướng quản trị rủi ro hiện đại với sự tích hợp của nhiều công nghệ như AI và các yếu tố văn hoá, xã hội. |
Trong bài tham luận thứ hai, ông Vương Minh Giang, Trưởng phòng Mô hình và Công cụ Quản trị rủi ro tại Ngân hàng Vietcombank, đã chia sẻ về quá trình áp dụng các mô hình rủi ro định lượng trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Ông Giang nhấn mạnh rằng, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng các ngân hàng áp dụng chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn Basel II, và nhiều tổ chức đã hoàn thành việc xây dựng mô hình quản trị rủi ro Basel II, A-IRB. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Vương Minh Giang chia sẻ về việc áp dụng các mô hình rủi ro định lượng trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như Basel II. |
Buổi tọa đàm “Quản trị rủi ro định lượng trong thời đại 4.0: Đổi mới và ứng dụng” được tổ chức nhằm tham khảo ý kiến của các chuyên gia, đồng thời là cơ hội để sinh viên và học viên cao học tìm hiểu thêm về công tác đào tạo trong lĩnh vực này.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 60 chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị rủi ro từ các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm và các trường đại học, cùng với sự tham gia của sinh viên và học viên ngành Định phí bảo hiểm và Quản trị rủi ro (Actuary) tại Khoa Toán kinh tế. |
Đặc biệt, tọa đàm là cơ hội quý báu cho những sinh viên Trường Công nghệ nói chung và sinh viên các ngành Toán Kinh tế, Định phí Bảo hiểm & Quản trị Rủi ro (Actuary) tại Khoa Toán Kinh tế nói riêng có dịp tiếp cận sâu hơn với lĩnh vực Quản trị rủi ro định lượng, một ngành đòi hỏi kỹ năng toán học, khả năng phân tích dữ liệu và kiến thức tài chính - kinh tế chuyên sâu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giúp ngành Quản trị rủi ro định lượng nhận được đánh giá tương xứng, trở thành một phần thiết yếu giúp các doanh nghiệp và tổ chức phát triển bền vững trong thời đại số hóa.
PV