Thừa Thiên Huế: Chấn chỉnh việc xây dựng trái phép của Nhà máy Kanglongda Huế
Khi phát hiện xây dựng trái phép (giai đoạn 2) tại Nhà máy Kanglongda Huế, các ngành chức năng Thừa Thiên Huế tiến hành xử phạt, buộc tháo dỡ các hạng mục.
Xây dựng trái phép nhiều hạng mục, công trình
Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp (Ban Quản lý KKT, CN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Dự án Nhà máy Kanglongda Huế được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 8786928795, chứng nhận lần đầu ngày 26/9/2019, chứng nhận thay đổi lần 1 ngày 09/8/2022.
Một số hạng mục, công trình thuộc dự án Nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 2) được xây dựng khi chưa được cấp phép (Ảnh: N.T) |
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất găng tay sử dụng 1 lần (găng tay bảo hộ trong ngành điện tử, găng tay y tế); găng tay bảo hộ lao động đa chức năng; sản xuất sợi polyethylen; xây dựng trung tâm nghiên cứu các sản phẩm; tổng vốn đầu tư dự án là 4.812 tỷ VND (tương đương 207 triệu USD). Thời gian hoạt động của Dự án là kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu đến hết ngày 27/10/2064; quy mô sử dụng đất khoảng 35,6 ha; Dự án đang có 1.224 lao động (trong đó có 49 lao động nước ngoài).
Dự án được khởi công từ Quý I/2020 và hoàn thành đưa vào vận hành vào Quý IV/2024, chia làm 3 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn 1 dự án Nhà máy Kanglongda Huế đã xây dựng hoàn thành và đang cho chạy thử nghiệm để chờ khắc phục một số vướng mắc về hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) (thẩm duyệt bổ sung về PCCC) và sẽ đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 12/2024.
Đối với giai đoạn 2, Ban quản lý KKT, CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chủ đầu tư đã thi công xây dựng một số hạng mục, công trình. Sau khi phát hiện việc xây dựng trái phép, UBND huyện Phong Điền đã phối hợp với Ban Quản lý KKT, CN và các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra và xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại Quyết định số 4164/QĐ-XPHC ngày 08/7/2022 và Chủ đầu tư đã dừng triển khai các hạng mục công trình.
Ngày 29/8, trao đổi với Phóng viên Báo Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, liên quan đến các công trình xây dựng trái phép của giai đoạn 2, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh sẽ rà soát, kiểm tra nếu các công trình phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/500, phù hợp với Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thì sẽ ghi nhận và cấp Giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; trường hợp không phù hợp thì sẽ chỉ đạo tháo dỡ. Đến nay, giai đoạn 1 chậm hoàn thành đưa vào hoạt động 17 tháng, giai đoạn II chậm hoạt động 06 tháng; giai đoạn III chậm khởi công hơn 6 tháng.
“Thời gian tới, Ban Quản lý KKT, CN sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, lập biên bản và đề xuất xử phạt về lĩnh vực đầu tư. Sau khi xử phạt xong, Ban Quản lý mới xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư; cấp giấy phép xây dựng”, đại diện Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Chưa đảm bảo các quy chuẩn về PCCC thì chưa vận hành nhà máy
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương tại buổi làm việc tại Dự án Nhà máy Kanglongda Huế (Khu công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền) vào ngày 27/8.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc tại Nhà máy Kanglongda Huế (Ảnh: H.M) |
Tại buổi làm việc, đại diện phía Nhà máy Kanglongda Huế cho biết, hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị PCCC. Tuy nhiên vướng mắc về thủ tục nghiệm thu PCCC Công ty đã ký hợp đồng với đơn vị mới để tiếp tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thiết kế điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án để tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu giai đoạn 1 của dự án. Công ty đang phối hợp với các đơn vị hoàn thành các thủ tục để đưa nhà máy vào hoạt động. Về các hạng mục chưa đủ điều kiện cũng như giấy phép xây dựng, công ty đã cho dừng thi công để tiếp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, xác định đây là một trong những dự án FDI lớn trên địa bàn, đóng góp vào tăng trưởng, giải quyết lao động cho địa phương. Ngay từ khi dự án mới bắt đầu triển khai, tỉnh đã quan tâm cũng như chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ công ty trong việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, công ty còn khá nhiều các tồn tại, vướng mắc cần sớm được xử lý giải quyết.
Kiểm tra việc hoàn thành, lắp đặt các thiết bị PCCC tại nhà máy (Ảnh: H.M) |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị phía công ty tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế PCCC theo hiện trạng và theo yêu cầu kiểm tra của Cục PCCC; nếu chưa đảm bảo các quy chuẩn bắt buộc của PCCC thì chưa đi vào vận hành, chạy thử; phía công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cố ý làm sai quy định.
“Riêng các vi phạm của công ty đã được các cơ quan phát hiện, xử phạt, đề nghị phía công ty chấp hành nghiêm túc. Đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường giám sát công tác khắc phục cũng như chấp hành xử phạt của công ty”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị công ty chấp hành nghiêm các quy định về thủ tục môi trường, xây dựng và lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải, nước thải; đảm bảo việc khai báo, quản lý lao động người nước ngoài tại công ty; chấp hành nghiêm pháp luật về lao động. Hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân...
“Công ty chủ động phối hợp với địa phương, các ban ngành liên quan chặt chẽ hơn trong việc tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trên tinh thần “tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.
KCN Phong Điền hiện có 26 dự án, trong đó 12 dư án đã đi vào hoạt động, 14 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 19.547 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt khoảng 38,8%. Trong năm 2023, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại KCN Phong Điền đạt khoảng 7.000 tỷ đồng doanh thu; đóng góp khoảng 200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động. |
Nguyễn Tuấn