Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam gây ra những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã phát hành báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh tác động của sàn thương mại điện tử Temu đối với thị trường Việt Nam.

Nov 6, 2024 - 17:59
Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam gây ra những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật

Temu - Sàn thương mại điện tử của Trung Quốc được Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhìn nhận, sự xuất hiện của sàn thương mại này gây ra những lo ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật.

Công nghiệp và thương mại Việt Nam chịu tác động

Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT) nêu rõ, về tình hình thế giới, - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố ngày 22/10, trong đó có một số điều chỉnh về dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. IMF dự báo trong năm 2025, kinh tế thế giới tăng 3,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ổn định, nhưng có nguy cơ suy yếu cùng sự gia tăng của các yếu tố rủi ro.

Ảnh minh họa
Những diễn biến trên thế giới tác động đến công nghiệp, thương mại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tình hình bán đảo Triều Tiên xuất hiện diễn biến căng thẳng khi vào ngày 15/10, Triều Tiên đã ngưng hoàn toàn hoạt động của các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc, vốn từng được coi là biểu tượng cho hợp tác liên Triều.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu cắt giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) tăng trưởng yếu đã cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong ngày 17/10, nhằm đối phó với sự suy giảm kép của lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Đây là lần đầu tiên ECB giảm lãi suất liên tiếp trong 13 năm, đánh dấu sự chuyển hướng khỏi chu kỳ tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát cao.

Cuộc đua giành phiếu giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định. Theo số liệu của trường Đại học Florida, tính tới ngày 17/10, đã có hơn 8,8 triệu cử tri bỏ phiếu sớm ở Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 05/11. Dữ liệu bầu cử cho thấy số cử trị lựa chọn bỏ phiếu sớm đã gia tăng nhanh chóng và lần đầu tiên vượt qua số người đi bầu trong ngày Tổng tuyển cử năm 2020.

Tình hình xung đột Trung Đông tiếp tục nóng lên với nhiều diễn biễn mới. Sau cuộc không kích bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel tối 01/10, đáp lại, rạng sáng 26/10, Israel đã tiến hành 3 đợt tấn công liên tiếp vào các mục tiêu quân sự trên khắp Iran. Các mục tiêu bao gồm căn cứ quân sự, nhà máy chế tạo tên lửa, hệ thống phòng không của Iran.

Ở trong nước, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1/7/2024)...

Sự xuất hiện của Temu gây ra những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh
Sự xuất hiện của Temu gây ra những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh. (Ảnh minh họa)

Những diễn biến trên thị trường thế giới đã và đang được nhận định sẽ có những tác động đến công nghiệp và thương mại trong nước.

Cụ thể, đối với công nghiệp, việc chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ vực giá dầu tăng lên.

Giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dự báo Fed sẽ cắt giảm thêm nhiều đợt lãi suất kéo dài đến năm 2026 do tăng trưởng việc làm vững chắc và sự mở rộng kinh tế của Mỹ cộng với các yếu tố như bất ổn địa chính trị gia tăng và lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương.

Sau 9 tháng năm 2024, việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam đạt được kết quả khá tích cực khi CPI bình quân mới tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4 – 4,5%. Tuy nhiên, những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới có thể sẽ các tác động tiêu cực đến tăng trưởng cũng như chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Tỷ lệ tư công chậm cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cũng như tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina và tại Trung Đông vẫn đang có những diễn biến khó lường, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về giá cả năng lượng, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và hoạt động vận tải toàn cầu.

Xung đột tại Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, bất ngờ sẽ tác động trực tiếp đến thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng như các tuyến giao thông huyết mạch trên thế giới. Điều này sẽ đẩy giá các mặt hàng năng lượng tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất và chi phí vận tải của các doanh nghiệp trong nước, ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hoặc giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm.

Các chuyến thăm và làm việc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước mở ra nhiều cơ hội cho việc hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam.

Đối với thương mại, Việt Nam là nền kinh tế mở nên về mặt xuất nhập khẩu, tác động chung của xu hướng hạ lãi suất của FED sẽ dẫn đến sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu khi nền kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt - điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Diễn biến tỷ giá trong nước nóng lên trong tháng 10 chịu tác động bởi cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Yếu tố bên ngoài có thể thấy rõ nhất là diễn biến tăng rất mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD đã tăng một mạch từ mức chỉ hơn 100 điểm hồi cuối tháng 9 lên mức trên 104 điểm hiện nay. Với yếu tố bên trong, đầu tháng 10 Tổng cục Thống kê công bố tình hình xuất nhập khẩu cho thấy trạng thái cán cân thương mại tuy vẫn xuất siêu, nhưng có tín hiệu về sụt giảm khá mạnh.

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina và tại Trung Đông trực tiếp tác động đến thương mại toàn cầu, trong trường hợp xung đột lan rộng sẽ tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng đối với vận tải toàn cầu. Điều này không những làm tăng thêm chi phí logistics mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị hoãn/ hủy các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường với Thủ tướng Phạm Minh Chính, với chủ đề "Tăng cường hợp tác cùng có lợi, chung tay kiến tạo tương lai", lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng tiêu biểu của hai nước dự tọa đàm đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, các cơ hội hợp tác nổi bật thời gian tới, tập trung vào 4 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, nhất là đường sắt; năng lượng xanh; kinh tế số; tài chính - ngân hàng. Theo thông tin tại tọa đàm, trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 22%, nếu tính cả tiểu ngạch thì con số này còn cao hơn nhiều. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam trong hai năm vừa qua.

Sự bất ổn trong việc tiếp tục tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã tác động tới triển vọng thương mại. Xuất nhập khẩu có thể tăng hơn 10% trong năm nay và cao hơn một chút vào năm tới, với sự phục hồi dần của nhu cầu bên ngoài.

Theo cam kết trong Hiệp định CEPA, UAE sẽ cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu sang thị trường UAE và từ đó sang các nước Trung Đông. Theo cam kết, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc) tại thị trường Việt Nam cũng làm gây ra những lo ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật về thương mại điện tử. Theo đó, dù chưa được cấp phép hoạt động, Temu đã triển khai bán hàng rầm rộ với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Giải pháp hoá giải thách thức

Để hoá giải những thách thức kể trên, theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, cần bám sát những diễn biến, tình hình thế giới và trong nước để có thể đề xuất những giải pháp ứng phó phù hợp và kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa bị tác động lớn bởi cơn bão Yagi và bão Trà Mi, cần rà soát, nắm bắt kịp thời và có giải pháp để đảm bảo chủ động nguồn cung hàng hóa cho hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Tiếp tục nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của Quý 4 và cả năm 2024.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước; giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ.

Tích cực trong công tác ngoại gia và hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tranh thủ các ưu đãi từ những FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Hiệp định CEPA mới được ký kết giữa Việt Nam và UAE.

Tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ. Tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển.

Ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực có tính động lực như: kinh tế số, kinh tế xanh,...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng. Trong đó, cần tập trung tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,…

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp hạng 70/190 về chỉ số dễ dàng kinh doanh năm 2024, tăng 2 bậc so với năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Điểm nóng bầu cử Mỹ 2024: Donald Trump và Kamala Harris - người nắm giữ vận mệnh nước Mỹ dần lộ diện

Cuộc đua tổng thống Mỹ giữa Donald Trump và Kamala Harris đã đến giai đoạn quyết định với hàng triệu người dân Mỹ xếp hàng ...

Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đến ba nước Trung Đông ...

Hoàng Nguyễn