Siêu bão Yagi đi qua, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp nhôm kính, tôn mạ và ống thép đắt hàng

Phiên giao dịch sáng đầu tuần, giữa lúc thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhôm, tôn mạ, ống thép bất ngờ bật tăng mạnh mẽ.

Sep 9, 2024 - 20:12
Siêu bão Yagi đi qua, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp nhôm kính, tôn mạ và ống thép đắt hàng

Trên HNX, cổ phiếu NSH của Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi tăng kịch trần10% lên 5.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt gần nửa triệu đơn vị và đang trong trạng thái trắng bên bán. Đây là doanh nghiệp làm nhôm hiếm hoi được niêm yết trên sàn chứng khoán. NSH sở hữu nhà máy rộng 7ha tại Việt Trì, Phú Thọ với khoảng 550 lao động. Sản phẩm đầu ra là nhôm hệ cửa, tủ, vách, lan can kính cường lực... Doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nhóm doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cũng chứng kiến đà bứt phá ấn tượng ngay từ khi mở cửa. Dòng tiền ồ ạt chảy mạnh giúp các cổ phiếu tăng điểm nhanh chóng, trong đó nổi bật có thể kể tới TIS (+9,52%) áp sát giá trần, HSG (+4%), TVN (+4,4%), HPG (+2,4%), TLH và NKG cùng tăng khoảng 3% giá trị,…

Siêu bão Yagi đi qua, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp nhôm kính, tôn mạ và ống thép đắt hàng
Nhóm doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cũng chứng kiến đà bứt phá ấn tượng ngay từ khi mở cửa

Trước đó, siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam cuối tuần qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến 26 tỉnh, thành từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội. Trận bão này đã khiến tôn bay, tường kính rơi hàng loạt tại nhiều công trình, từ nhà dân, cửa hàng, chung cư đến các nhà xưởng.

Trước khi vào Việt Nam, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ Trung Quốc trong vòng 75 năm. Đến chiều 7/9, tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, tổng thiệt hại kinh tế ước tính hơn 26 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 90.355 tỷ VNĐ), với hơn 400 căn nhà bị phá hủy và 32.000 nhà khác bị hư hại.

Siêu bão Yagi đi qua, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp nhôm kính, tôn mạ và ống thép đắt hàng
Ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, gió thổi bay mái tôn tại công ty Giày Thượng Đình

Trở lại với nội tại của ngành tôn mạ, thép, đà tăng mạnh của cổ phiếu ngành này diễn ra ngay sau khi các cơ quan chức năng có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép tôn mạ đến từ nước ngoài. Cụ thể, Bộ Công thương đã quyết định tiến hành điều tra biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 26/7. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

Thời hạn ra quyết định áp thuế cuối cùng là 1 năm kể từ ngày có quyết định điều tra (26/07/2025). Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng (chậm nhất quý 1/2026). Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá HRC vào cuối năm 2025 hoặc chậm nhất là quý 1/2026.

Mặt khác, tiêu thụ thép trong 7 tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhiều khởi sắc. Theo VSA, sản lượng sản xuất thép nói chung đạt gần 17 triệu tấn (+9,4% so với cùng kỳ). Tiêu thụ thép (xuất khẩu + nội địa) đạt 16,75 triệu tấn (+14,3% so với cùng kỳ), trong đó, xuất khẩu đạt 4,9 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, theo số liệu của VSA, thép xây dựng là điểm sáng đầu tiên khi tăng trưởng tốt cả về sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu khi tăng lần lượt khoảng 9%, 13% và 27% so với mức 7 tháng đầu năm 2023. Mảng tôn thép mạ cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh: sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lần lượt tăng trưởng 29%, 35% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Thép cán nguội (CRC) cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 7 tháng đầu 2024 với mức tăng khoảng 40% và 13%, trong khi sản lượng sản xuất giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi nửa cuối năm 2024.

Chứng khoán KBSV kỳ vọng rằng sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2024 nhờ lĩnh vực Bất động sản nhà ở dần hồi phục và số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng. Trong trung và dài hạn, luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 01/08/2024 được kỳ vọng sẽ gián tiếp kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Tính tới thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép ống T4-05/2024 đạt 191/184 nghìn tấn, tăng 26%/14% so với cùng kỳ (90% sản lượng thép ống được tiêu thụ tới từ thị trường trong nước). KBSV kỳ vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong 2024/2025 tăng 15%/8% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, KBSV nhận định khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất thép nội địa sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán để đảm bảo sản lượng tiêu thụ.

Nhận định chứng khoán phiên 9/9: Duy trì trạng thái tích luỹ chờ dòng tiền kích hoạt

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch ngắn và mất điểm nhẹ. TPS cho rằng, thị trường vẫn duy trì trạng thái tích ...

Nguyên Nam