Nhận định chứng khoán phiên 16/9: Vận động đi ngang với thanh khoản thấp
Chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch tương đối ảm đạm trên nền thanh khoản thấp. KBSV cho rằng, nhiều khả năng kịch bản vận động đi ngang với thanh khoản thấp vẫn diễn ra trong những phiên tới...
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 9 tương đối ảm đạm với tuần dài trượt dốc. Sau khi áp sát lại vùng đỉnh cũ hồi cuối tháng 8, thị trường liên tiếp trượt dốc trong các phiên sau đó. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư là điều có thể nhận thấy rõ ràng. Lực cầu suy yếu rõ ràng khiến thanh khoản càng ngày càng sụt giảm và đạt đáy trong phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index gần như chỉ lình xình quanh vùng 1.250-1.270 điểm, thậm chí mức hỗ trợ 1.250 điểm được thử thách đến 2 lần. Áp lực bán phủ bóng trên thị trường với 4/5 phiên điều chỉnh trong tuần qua. Mặc dù vẫn có những nhóm ngành nổi bật luân phiên thu hút dòng tiền song lại không đủ sức mạnh để dẫn dắt thị trường. Quá trình hồi phục từ hỗ trợ cũng có sự phân hóa mạnh. Đóng cửa tuần giao dịch 09/09-13/09, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.251,71 điểm, giảm 22,25 điểm (-1,75%).
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với tuần trọn vẹn cuối tháng 8. Trong đó mức thanh khoản đặc biệt thấp trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 497 triệu cổ phiếu (-20,69%), tương đương 12.335 tỷ đồng (-21,16%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường tuần qua chìm sâu trong sắc đỏ với 18/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường trong tuần vừa qua là các nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng (-5,80%), Bảo hiểm (-4,23%), BĐS dân cư (-2,90%), Chứng khoán (-2,45%),... Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành nổi bật ngược dòng thành công gồm có: Nhựa (+3,41%), Đường (+3,22%), Phân bón (+0,40%),...
Khối ngoại bán ròng -1.133 tỷ đồng trên cả 3 sàn giao dịch. Đà bán ròng của nhóm nhà đầu tư ngoại có xu hướng giảm dần trong các phiên gần đây. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu: MSN (-317 tỷ đồng), HPG (-310 tỷ đồng), VPB (-249 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, khối ngoại tăng tỷ trọng một số cổ phiếu: FPT (+238 tỷ đồng), CTG (+129 tỷ đồng), VNM (+109 tỷ đồng),...
Nhận định chứng khoán phiên 16/9
Giao dịch quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm
Chứng khoán Đông Á (DAS)
Trong ngắn hạn, thanh khoản vẫn ở mức thấp, kỳ vọng VN-Index giao dịch quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Sau nhịp điều chỉnh, mức định giá cổ phiếu phù hợp với chiến lược nắm giữ trung dài hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trên các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và khu công nghiệp. Giao dịch ngắn hạn quan tâm cơ hội phục hồi của các cổ phiếu đã có mức chiết khấu hợp lý từ nhóm bất động sản, hàng tiêu dùng, tiện ích.
Vận động đi ngang với thanh khoản thấp
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Diễn biễn của phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục nghiêng về trạng thái giằng co với việc hình thành mẫu nến "spinning". Thị trường từ chối đóng cửa ở mức cao nhất/thấp nhất phiên cho thấy sự lưỡng lự trong việc xác định xu hướng chính.
Nhiều khả năng kịch bản vận động đi ngang với thanh khoản thấp vẫn diễn ra trong những phiên tới, tuy nhiên với xu hướng đi lên là chủ đạo. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ các vị thế đã mở và có thể gia tăng thêm 1 phần tỷ trọng gối đầu tại các vùng hỗ trợ.
Tiếp tục trạng thái thăm dò cung cầu
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường giảm điểm và có diễn biến thăm dò lại tín hiệu nến hỗ trợ trong ngày 11/09. Thanh khoản vẫn ở mức thấp, cho thấy dòng tiền hỗ trợ vẫn còn hạn chế nhưng nguồn cung cũng chưa gây áp lực lớn khi thị trường giảm điểm. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục trạng thái thăm dò cung cầu trong phiên giao dịch tiếp theo.
Tuy nhiên, nỗ lực duy trì điểm số trên ngưỡng 1.250 điểm cũng tạo yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng hồi phục của thị trường. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ, đồng thời nên ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến ổn định và thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Khả năng tăng trưởng của VN-Index là vẫn có
Chứng khoán TPBank (TPS)
Kết thúc tuần giao dịch, điểm số của VN-Index một lần nữa lùi về vùng giá 1.250 điểm với thanh khoản thấp. Như vậy, vùng hỗ trợ tiếp theo thị trường có thể tìm đến là vùng 1.220 – 1.240 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp cũng phần nào cho thấy người bán cũng đã không còn mạnh tay như trong các thời điểm bán tháo trước đó.
Việc này cho thấy khả năng tăng trưởng của VN-Index là vẫn có khi phe mua tham gia quyết liệt hơn. TPS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư có thể chờ vùng 1.220, 1.240 hoặc có thể giải ngân vùng 1.250 nếu khẩu vị rủi ro cao.
VN-Index về 1.220 - 1.230 điểm
Chứng khoán MAS
Sau phiên hồi phục thiếu thuyết phục với thanh khoản thấp ngày 12/9, VN-Index khởi đầu phiên 13/9 trong sắc đỏ khi mở cửa tại 1.253, giảm gần 3 điểm. Sắc đỏ đã bám theo thị trường suốt thời gian giao dịch. VN-Index trong phiên có 2 lần giảm xuống dưới vùng 1.250 điểm nhưng đều hồi phục trở lại. Chỉ số chốt phiên tại 1.251,71, giảm 4,64 điểm (-0,37%) so với phiên trước. Thanh khoản khớp lệnh duy trì ở mức thấp với hơn 380 triệu đơn vị, tương đương 9.000 tỷ đồng, ngang bằng với thanh khoản phiên trước và là mức thấp nhất từ đầu năm.
Trong 2 phiên hồi phục ngày 11 - 12/9, đà tăng của VN-Index có dấu hiệu chững lại tại vùng 1.260 điểm do thiếu lực cầu mua lên. Trong phiên hôm nay, thị trường giao dịch chậm và cũng xuất hiện dấu hiệu nôn nóng từ phía bên bán. MAS lo ngại khả năng giữ vững mốc 1.250 điểm trong ngắn hạn, với vùng hỗ trợ tiếp theo là 1.220 – 1.230 điểm. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -5 điểm (tiêu cực).
Tiếp tục sideway trong biên độ hẹp
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Trên biểu đồ tuần, chỉ số VN-Index hình thành cặp nến Bearish Engulfing nhấn chìm cây nến Doji trước đó cho thấy áp lực bán vẫn đang lấn áp. Chỉ số cũng đánh mất hầu hết các đường trung bình ngắn hạn trong tuần qua như MA10, MA20. Điểm tích cực là vùng hỗ trợ 1.250 điểm vẫn được giữ vững cho đến cuối tuần. Thanh khoản thị trường cũng là điểm đáng chú ý trong tuần qua khi sụt giảm đến 27,63% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.
Tâm lý thận trọng đang ngày một lớn khi chỉ số chưa thể chinh phục mức 1.300 trong lần thứ tư cố gắng. Với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục sideway trong biên độ hẹp, tìm kiếm điểm cân bằng. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế việc mua thêm, ưu tiên vị thế quan sát và chờ đợi cổ phiếu về tài khoản khi có lợi nhuận mới tiếp tục gia tăng thêm tỷ trọng.
Về xu hướng dài hạn, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm bứt phá ngưỡng 1,300 điểm trong thời gian tới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng vượt kỳ vọng và SBV đang có những tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán sẽ sớm tăng trở lại trong ngắn hạn nhờ 2 yếu tố này Theo chuyên gia, những thông tin tích cực như kết quả kinh doanh khả quan và lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán có ... |
Chứng khoán VIX muốn bán nốt gần 80 triệu cổ phiếu ế, quyết trở thành "ông lớn" của ngành Liên tiếp thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, Chứng khoán VIX đang thể hiện quyết tâm gia nhập nhóm những công ty chứng ... |
Chứng khoán HVS bị đình chỉ hoạt động: Ngỡ ngàng với doanh thu và khoản lỗ lũy kế! UBCKNN đình chỉ toàn bộ hoạt động của Chứng khoán HVS Việt Nam do không đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất theo Luật ... |
Nguyên Nam