Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM
TP.HCM chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng...cho chiến lược phát triển bền vững của TP.
Sáng 25/9, UBND TP.HCM khai mạc Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 - năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh".
Tham dự phiên khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; và khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị |
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ vừa là Chủ tịch Hội đồng vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa là Trưởng ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù TP, là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm hành động, đưa đầu tàu kinh tế của đất nước bứt phá trong thời gian tới.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, với vai trò của một trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ năng động sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, TP.HCM đang đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân và xây dựng một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, phát biểu khai mạc Hội nghị |
"Nghị quyết 31 đã giao nhiệm vụ cho TP.HCM đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại và năm 2045 là thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại, ngang tầm các nền kinh tế trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn, cụ thể để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược đã đề ra, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, Thành phố chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cho biết, trước mắt TP.HCM phải tập trung vượt qua khoảng cách lớn. Đó là cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ môi trường, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế, thủ tục hành chính. TP cũng cần có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Cùng với đó, TP mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư hoạt động và phát triển.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, thông qua các kỳ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe và nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi cùng những kinh nghiệm cũng như các kế sách đầy quý báu của các đại biểu trong nước và quốc tế. Với nguồn tài nguyên đó, chính quyền thành phố đã đưa vào từng giai đoạn, tiếp thu và đưa ra các chỉ đạo hiệu quả cho nền kinh tế.
“Thông qua diễn đàn lần này, TP sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm, hiến kế hay của đại biểu trong nước và quốc tế; đồng thời cam kết hành động của chính quyền TP cho từng lĩnh vực cụ thể, từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn. Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và thực hiện hiệu quả những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại các hoạt động tại diễn đàn này" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Toàn cảnh Hội nghị |
Diễn đàn HEF 2024 sẽ xoay quanh 6 nội dung chính gồm: Xu thế chủ đạo (Megatrend) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.
Tại phiên toàn thể của HEF 2024, các đại biểu nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP gắn liền với chuyển đổi công nghiệp; kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp của Trung Quốc; tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyển đổi công nghiệp phục vụ tăng trưởng và phát triển xanh, bền vững…
Đặc biệt, Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ sẽ diễn ra chiều cùng ngày (25/9) với nội dung phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương.
Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Minh Dung