Các lãnh đạo, chuyên gia phác họa 'hình hài' Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam ghi nhận những chia sẻ của các lãnh đạo, chuyên gia tại diễn đàn ‘Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Động lực mới phát triển ngành logistics Đà Nẵng’, tổ chức ngày 14/11/2024.

Nov 15, 2024 - 13:30
Các lãnh đạo, chuyên gia phác họa 'hình hài' Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Diễn đàn Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Động lực mới phát triển ngành logistics Đà Nẵng được Bộ Công thương phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức, với sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo bộ ngành, địa phương và các chuyên gia.

Thứ trưởng Bộ Công thương: Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi logistics toàn cầu

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Đây là một ngành dịch vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Hoài, năm 2023, chỉ số hiệu quả logisticS (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

“Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu”, ông Hoài nhấn mạnh.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường

Góp mặt và chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh cho rằng, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu TMTD. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do.

Cũng theo bà Minh, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu TMTD Đà Nẵng là yêu cầu quan trọng vì không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn cần đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, điểm mấu chốt được chuyên gia này nhắc đến là chuyển đổi số, số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Diễn đàn do Bộ Công thương phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức
Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức

TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Đà Nẵng sở Nằm ở vị trí trung tâm miền Trung nên sở hữu nhiều lợi thế để phát triển thành một khu thương mại tự do tiên phong, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành logistics và kinh tế khu vực. Đặc biệt, vị trí chiến lược của Đà Nẵng với hệ thống cảng biển và giao thông thuận lợi giúp kết nối dễ dàng với các khu vực kinh tế trọng điểm khác, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

Đây là điều kiện quan trọng giúp Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư, tận dụng tối đa tiềm năng thương mại và logistics.

Phó chủ tịch Đà Nẵng Trần Chí Cường: Hệ thống chính trị thành phố đang rất ‘khẩn trương’

Dịch vụ logistics được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn.

Thành phố cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển.

Ông Trần Chí Cường cho biết, Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Phó chủ tịch Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường chia sẻ tại diễn đàn
Phó chủ tịch Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường chia sẻ tại diễn đàn

Mới đây nhất là Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, chính sách đặc thù này áp dụng cho thành phố Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung.

Với chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành hiện đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024 sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm của chính sách.

Thạc sỹ Ngô Thị Sa Ly, giảng viên Trường ĐH Đông Á cho rằng, để phát triển bền vững, khu TMTD Đà Nẵng cần lực lượng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyên môn và hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp như kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm và quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ mới.

Theo bà Ly, thách thức hiện nay ở khu vực Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung là thiếu nguồn nhân lực kỹ năng cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, logistics và tài chính. Các cơ sở giáo dục hiện tại chưa đáp ứng đủ, chương trình đào tạo thiếu tính thực tiễn.

Do đó, cần phải ưu tiên đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực như tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, thiết lập chương trình đào tạo thực tế, hỗ trợ thực tập và định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ học bổng và cam kết việc làm…

Ngoài ra, để cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực, khu TMTD Đà Nẵng cũng cần có các chính sách hỗ trợ để thu hút và giữ chân nhân tài, chính sách hỗ trợ tuyển dụng và ưu đãi thuế…

Khu thương mại tự do (KTMTD) Đà Nẵng với diện tích hơn 1.700 ha tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, là khu kinh tế đặc biệt nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố và khu vực miền Trung.

KTMTD Đà Nẵng dự kiến sẽ thu hút khoảng 22.000 lao động vào năm 2030, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực du lịch, vận tải, kho bãi và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến năm 2040, nhu cầu lao động dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110.000, chủ yếu trong các ngành sản xuất bán dẫn, công nghệ thông tin và phát triển phần mềm. Đến năm 2050, lực lượng lao động có thể đạt 200.000 người, bao gồm cả lao động nước ngoài.

KTMTD đã trở thành động lực của thương mại toàn cầu, với hơn 3.500 khu vực tại 135 quốc gia. Dựa trên các kinh nghiệm quốc tế từ Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc và UAE, Đà Nẵng có thể áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng KTMTD hiệu quả và bền vững.

Cao Thái