Nhu cầu nhân lực khổng lồ để thực hiện "siêu dự án" đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam 70 tỷ USD
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trị giá 70 tỷ USD hứa hẹn sẽ mang lại bước ngoặt lớn cho hệ thống giao thông và kinh tế của Việt Nam. Với nhu cầu lao động lên tới hàng trăm nghìn người trong quá trình xây dựng và vận hành, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành một thách thức lớn. Kinh phí đào tạo cũng được ước tính ở mức khổng lồ, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9/2024), Trung ương và Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Dự án này được xem là nhiệm vụ chính trị trọng điểm, với mục tiêu ưu tiên nguồn lực để thực hiện sớm nhất có thể.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trị giá 70 tỷ USD. (ảnh minh họa) |
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các cơ quan liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, nhằm chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Cần hơn 300.000 lao động tay nghề cao thực hiện dự án trọng điểm
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, mục tiêu chính của dự án là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn, đồng thời tái cơ cấu thị phần vận tải Bắc-Nam một cách bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Cùng với quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT giao các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt để phục vụ nhu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong quá trình xây dựng, dự án cần khoảng 263.700 đến 332.300 nhân lực. Đặc biệt, từ năm 2025 đến 2030, con số lao động cần thiết dao động từ 111.280 đến 160.020 người, với yêu cầu phần lớn là lao động có tay nghề cao. Từ năm 2030 đến 2040, nhu cầu lao động tăng lên 152.420 đến 186.280 người. Các vị trí kỹ thuật chuyên sâu như hệ thống ray, thông tin tín hiệu và các chuyên ngành liên quan đều cần đến các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Chi phí đào tạo khổng lồ cho nhân lực chất lượng cao
Bộ GTVT đã được Thường trực Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động trong quá trình xây dựng và vận hành tuyến đường sắt huyết mạnh của quốc gia.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc phát triển nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao cần được bắt đầu 5-7 năm trước khi khởi công, nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
Không chỉ trong giai đoạn xây dựng, quá trình khai thác và vận hành dự án cũng cần khoảng 13.880 lao động, trong đó có 11.050 là lao động trực tiếp và 2.349 là kỹ sư đại học. Chi phí đào tạo cho giai đoạn xây dựng được ước tính từ 19.718 đến 24.096 tỷ đồng, còn chi phí đào tạo cho giai đoạn vận hành dự kiến khoảng 9.715 tỷ đồng.
Việc đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ giúp dự án đạt hiệu quả mà còn giảm thiểu các rủi ro trong quá trình vận hành và bảo trì. Mặc dù Việt Nam hiện đã có khoảng 80% nhân lực đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản, nhưng vẫn cần đẩy mạnh đào tạo cho các vị trí yêu cầu kỹ năng chuyên sâu trong ngành đường sắt tốc độ cao.
Hoàng Nguyễn