Vietcombank lập kỷ lục lợi nhuận, chuẩn bị tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường
Vietcombank ghi dấu ấn năm 2024 với lợi nhuận kỷ lục, tổng tài sản lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành ngân hàng. Ngân hàng cũng chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào tháng 3/2025, dự kiến thông qua các quyết định quan trọng về nhân sự và chiến lược phát triển.
Sáng ngày 10/1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, đồng thời đề ra những mục tiêu chiến lược cho năm 2025.
Năm 2025, Vietcombank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng thêm tối thiểu 5% |
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết ngân hàng đã xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng được giao bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại hội đồng cổ đông trong năm 2024. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đạt 13,7%, tương ứng quy mô hơn 1,44 triệu tỷ đồng; tổng tài sản tăng 12,9%, lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng. Đây là những con số khẳng định vị thế dẫn đầu của Vietcombank trong ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt mức kỷ lục mới, cao nhất trong ngành ngân hàng, với đóng góp ngân sách gần 11.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp 0,97%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 223%, cao nhất trong hệ thống.
Trong báo cáo thường niên 2023, ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu 5% cho năm 2024. Thực tế, sau 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank đã đạt gần 30.700 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Nếu giữ vững đà tăng trưởng này, lợi nhuận cả năm được dự đoán có thể vượt 43.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, Vietcombank tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng. Tổng tài sản dự kiến tăng tối thiểu 10%, tín dụng tăng 16,28% và tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức dưới 1,5%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng thêm tối thiểu 5%, đảm bảo duy trì các tỷ lệ an toàn và hiệu quả hoạt động cao.
Vào cuối năm 2024, Vietcombank nhận được sự chấp thuận từ Quốc hội về chủ trương bổ sung vốn nhà nước, với hơn 20.695 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến cuối năm 2018 và năm 2021. Đây là bước tiến quan trọng giúp ngân hàng phát hành cổ phiếu trả cổ tức, dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên 83.557 tỷ đồng – mức cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Việc tăng vốn không chỉ giúp Vietcombank củng cố vị thế dẫn đầu, mà còn hỗ trợ ngân hàng thực hiện vai trò trụ cột trong việc triển khai các chính sách kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, đặc thù quy trình phê duyệt vốn của ngân hàng cần sự thông qua từ nhiều cấp, dẫn đến thời gian kéo dài. Thực tế, sau đợt phát hành hơn 857 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019-2020 vào tháng 8/2023, Vietcombank vẫn chưa thực hiện đợt trả cổ tức nào trong năm 2024 dù quỹ lợi nhuận chưa phân phối ngày càng mở rộng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, quỹ lợi nhuận chưa phân phối của Vietcombank đạt 102.068 tỷ đồng, tăng 25.310 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chiếm gần 1/4 tổng lợi nhuận chưa phân phối của 27 ngân hàng trên sàn. Tuy vậy, ngân hàng vẫn đang bị một số đối thủ như VPBank và Techcombank vượt qua về vốn điều lệ.
Ở một diễn biến khác, ngày 7/1 vừa qua, Vietcombank đã ban hành Nghị quyết chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 7/3/2025 tại Hà Nội. Nội dung họp dự kiến xoay quanh việc bầu bổ sung và miễn nhiệm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023-2028, cùng các nội dung khác theo thẩm quyền. Đặc biệt, ngân hàng đã chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Mỹ Hào – Thành viên HĐQT – để nghỉ hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/11/2024.
SSI Research: FPT Retail bước vào chu kỳ lợi nhuận mới, Long Châu sẽ là "hạt nhân" Theo SSI Research, FPT Retail (FRT) đang bước vào đầu chu kỳ lợi nhuận mới. Trong đó, Long Châu dẫn đầu tăng trưởng với doanh ... |
TNH tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, đề cử doanh nhân người Philippines vào HĐQT Tập đoàn Bệnh viện TNH (HOSE: TNH) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 27/12/2024 tại Bắc Giang. Đại hội dự kiến thông qua ... |
Thu Hà