Tuyến đường Tây Thăng Long 1.300 tỷ đồng: Cú hích lớn cho vùng ven Hà Nội
Dự án đường Tây Thăng Long tại Đan Phượng, Hà Nội, với vốn đầu tư 1.298 tỷ đồng, sẽ tạo tuyến giao thông chiến lược, kết nối Vành đai 3,5 và Vành đai 4, giảm tải Quốc lộ 32, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án chiến lược với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến kênh Đan Hoài, tại địa phận huyện Đan Phượng, Hà Nội, được đánh giá là công trình giao thông quan trọng trong việc kết nối các tuyến đường huyết mạch của thủ đô. Dự án có chiều dài 5,8 km, đi qua các xã Tân Lập, Tân Hội và Đan Phượng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bản đồ vị trí tuyến đường Tây Thăng Long |
Theo quy hoạch chi tiết, đoạn đường từ Vành đai 3,5 đến nút giao với Vành đai 4 (khoảng 4,6 km) được thiết kế với mặt cắt ngang rộng 60,5 m, bao gồm hai làn đường chính rộng 2x19,25 m, dải phân cách giữa rộng 6 m và vỉa hè mỗi bên rộng 8 m. Phần còn lại, từ nút giao Vành đai 4 đến kênh Đan Hoài dài 1,2 km, sẽ có mặt cắt ngang rộng 40 m với đường chính rộng 2x10,5 m, dải phân cách giữa rộng 7 m và vỉa hè hai bên rộng 6 m. Đây là tuyến đường trục chính đô thị với tốc độ thiết kế lên đến 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 1.298 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách TP. Hà Nội. Trong đó, phần lớn chi phí được dành cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư, với số tiền hơn 496 tỷ đồng; chi phí xây dựng khoảng 694,6 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác phục vụ công tác xây lắp và quản lý dự án.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng đánh giá, tuyến đường Tây Thăng Long là trục đường huyết mạch nối phía Nam sông Hồng với các tuyến đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4. Khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối khu vực Tây Hồ Tây với huyện Đan Phượng, tạo thành tuyến giao thông thông suốt, giảm tải cho Quốc lộ 32, góp phần cải thiện khả năng di chuyển và giao thương giữa các khu vực, đồng thời nâng cao năng lực giao thông toàn thành phố.
Dự án còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tuyến đường đã và đang được quy hoạch của huyện Đan Phượng, giúp gia tăng tính liên kết vùng và thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Cụ thể, tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc di chuyển và hoạt động thương mại, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Gói thầu số 7 và tiến độ thi công dự án
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng hiện đang phát hành hồ sơ mời thầu cho gói thầu số 7 của dự án. Đây là gói thầu quan trọng với giá trị phê duyệt lên tới hơn 775 tỷ đồng, bao gồm thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian thực hiện hợp đồng được ấn định trong 450 ngày theo hình thức đấu thầu rộng rãi, mở thầu vào ngày 18/11/2024.
Một đoạn của dự án |
Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 7.2024, Ban Quản lý dự án đã triển khai thành công bốn gói thầu liên quan đến công tác chuẩn bị và khảo sát hiện trường. Cụ thể, các hạng mục bao gồm: tư vấn khảo sát và lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tư vấn đo đạc bản đồ địa chính, giải phóng mặt bằng công trình; thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công; và rà phá bom mìn, vật nổ.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, để thực hiện dự án, tổng diện tích đất cần thu hồi là 326.300 m². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn với khoảng 307.800 m², tiếp đến là đất ở khoảng 9.125 m² và đất khác khoảng 9.375 m². Công tác giải phóng mặt bằng sẽ bao gồm bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành và tạo điều kiện ổn định đời sống cho người dân tại khu vực dự án.
Thời gian thực hiện toàn bộ dự án dự kiến kéo dài khoảng 48 tháng, bắt đầu sau năm 2025. Tiến độ thi công nhanh chóng và hiệu quả của các gói thầu sẽ góp phần đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và người dân Thủ đô.
6.400 tỷ đồng cho tuyến đường 40 km vượt đầm lầy, vùng ngập nước tại Quảng Ninh sẽ hoàn thành vào quý III/2025 Dự án đường ven sông Quảng Ninh đang đối mặt với khó khăn trong việc thi công và nguồn cung vật liệu, nhưng tiến độ ... |
Dự án đường ven biển hơn 2.000 tỷ ở Quảng Nam: Loạt doanh nghiệp chờ mặt bằng thi công Khởi công từ tháng 5/2023, Dự án hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công của tỉnh Quảng Nam có quy mô đầu tư hơn ... |
Đường sắt nhẹ (LRT) mà Sun Group đề xuất tại TPHCM: “Đáp án xanh” cho giao thông đô thị và kết nối liên vùng 3 thập kỷ trước Philippines, Singapore, Malaysia… đã có đường sắt nhẹ (LRT). Tại Việt Nam, đề xuất của Sun Group về tuyến đường sắt ... |
Ngọc Nhi