Tín dụng ngân hàng tăng trưởng tích cực, góp phần phát triển kinh tế tỉnh An Giang

Trong 7 tháng đầu năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đã thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với thực tế địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong nước...

Jul 31, 2024 - 10:11
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng tích cực, góp phần phát triển kinh tế tỉnh An Giang
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện sát sao, kịp thời các chính sách tiền tệ, thu được những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng tỉnh An Giang đã góp phần hỗ trợ tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 6,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước là 6,5%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,84%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,13%, khu vực dịch vụ tăng 7,61%, thuế sản phẩm tăng 5,32%.  
 

NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn
thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh
 
Tín dụng tăng trưởng tích cực

Nhờ làm tốt công tác truyền thông chính sách và chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, qua đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kích cầu tăng trưởng tín dụng, đồng hành cùng sự phát triển của kinh tế An Giang, trong 7 tháng đầu năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đã thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với thực tế địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong nước, đặc biệt về lãi suất, tỉ giá và tăng trưởng tín dụng.

NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia và những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Kết quả, tính đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 120.848 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm 2023, gồm dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 78,52%; dư nợ trung, dài hạn chiếm 21,48%. Dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 72.750 tỉ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2023, chiếm 60,2% tổng dư nợ toàn địa bàn, gồm dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 18.190 tỉ đồng, tăng 9,39%; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 15.600 tỉ đồng, tăng 4,20% so với cuối năm 2023.

Có ba chi nhánh ngân hàng thương mại gồm: BIDV An Giang; BIDV Bắc An Giang; Sacombank An Giang đã tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Qua hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng và doanh nghiệp đã cùng nhau tìm giải pháp khắc phục khó khăn, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế địa phương.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được kiểm soát, chỉ chiếm 1,43%/tổng dư nợ.

Về tín dụng chính sách xã hội, đến cuối tháng 7/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh An Giang đã cho vay đạt tổng dư nợ là 5.281,80 tỉ đồng, với hơn 155 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 291,87 tỉ đồng so cuối năm 2023, tỉ lệ tăng là 5,86%.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 34 doanh nghiệp và 211 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.624,09 tỉ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 75,25 tỉ đồng.

Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ, giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đây là những kết quả tích cực, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2024

Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra trong những tháng cuối năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN; đặc biệt là chính sách lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng và quy định về mức lãi suất cho vay tối đa ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xuất khẩu và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn), sẽ là cơ sở đảm bảo để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã.

Hai là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, trong đó có chương trình tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt các chương trình tín dụng chuyên đề cho vay bình ổn thị trường, kích cầu đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cho vay nông thôn mới và các chương trình tín dụng chính sách khác đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp và tạo ra hiệu ứng tích cực đến thị trường, kích thích, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.

Ba là, tích cực giải ngân các gói tín dụng ưu đãi lãi suất mà các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đăng ký và triển khai theo kế hoạch năm 2024. Thực hiện tốt chính sách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn theo quy định và hướng dẫn của NHNN. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của các tổ chức tín dụng trong thực hiện hiệu quả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với tần suất nhiều hơn và thiết thực theo hướng kết nối về vốn, tín dụng và dịch vụ. Đồng thời, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách.

Năm là, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về định hướng điều hành, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với việc tham gia tích cực thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mang lại hiệu ứng tích cực, trực tiếp đối với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục đoàn kết phấn đấu hoàn thành Kế hoạch năm 2024, trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng, phát triển theo định hướng điều hành của NHNN; nâng cao chất lượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp; đặc biệt, tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024.
 

ThS. Trần Trọng Triết
Trưởng phòng Tổng hợp - Kế toán, NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang