Liên tiếp các tin kém vui về Novaland (NVL)
Gửi nội dung công bố thông tin không đúng kỳ hạn về tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, 06 tháng năm 2021, công ty con của Novaland lĩnh án phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 9/9 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty TNHH Nova Lucky Palace.
Theo quyết định, Nova Lucky Palace bị phạt hành chính 92,5 triệu đồng vì hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định. Cụ thể, Công ty không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với BCTC 6 tháng năm 2021.
Đồng thời, Công ty cũng gửi nội dung công bố thông tin không đúng kỳ hạn cho HNX các tài liệu: Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 06 tháng năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 06 tháng năm 2021.
Nova Lucky Palace bị phạt hành chính 92,5 triệu đồng vì hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định |
Nova Lucky Palace là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) với tỷ lệ sở hữu 100% vốn. Công ty được thành lập năm 2014, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Trụ sở chính của Công ty tại phường 11, quận Phú Nhuận, TPHCM. Người đại diện pháp luật là Phan Ngọc Bảo Ân.
Người đại diện theo pháp luật của công ty là Phan Ngọc Bảo Ân. Hiện người này cũng làm đại diện pháp luật cho hàng loạt công ty có liên quan đến Novaland (Công ty CP Đầu tư Địa ốc No Va – Novaland). Cụ thể, người này là đại diện các công ty như: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên; Công ty CP Nova Festival; Công ty TNHH Nova Rivergate; Công ty CP Nova Princess Residence; Công ty TNHH Merufa-Nova; Công ty TNHH Nova Nam Á…
Một công ty con khác vừa báo lỗ chồng lỗ
Theo thông tin công bố từ HNX, Công ty TNHH Thành phố Aqua, cũng là công ty con của Novaland - chủ đầu tư dự án Aqua City - đã ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã kéo dài đà thua lỗ liên tiếp từ khi công bố thông tin năm 2022 đến nay, với tổng lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng. Tuy vậy, mức thâm hụt lợi nhuận trong nửa đầu năm nay đã giảm hơn một nửa so với khoản lỗ 204 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái.
Tại thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Thành phố Aqua chỉ còn 1.030 tỷ đồng, trong khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 10,95 lần, tương ứng với khoản nợ phải trả lên tới 11.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu của công ty chiếm khoảng 2.400 tỷ đồng, không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin từ HNX, Thành phố Aqua đã phát hành tổng cộng 8 lô trái phiếu với giá trị 4.600 tỷ đồng. Hiện tại, chỉ còn 2.400 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành, tất cả đều có lãi suất 10%/năm. Trong nửa đầu năm, công ty đã phải chi trả hơn 132 tỷ đồng tiền lãi cho các trái chủ.
Công ty TNHH Thành phố Aqua, tiền thân là Công ty CP Thành phố Aqua, được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 1.765 tỷ đồng nhằm phát triển dự án Aqua City. Qua nhiều lần thay đổi cơ cấu cổ đông, hiện Novaland nắm giữ 69,98% vốn điều lệ của công ty này.
Dự án Aqua City vẫn gặp khó về pháp lý
Aqua City là dự án trọng điểm của Novaland, tọa lạc tại phường Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với quy mô lên đến 1.000 ha và được triển khai từ năm 2008. Dự án được chia thành 7 phân khu nhưng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự không đồng bộ trong quy hoạch giữa các cấp, khiến tiến độ bị đình trệ trong thời gian dài.
Aqua City là dự án trọng điểm của Novaland, tọa lạc tại phường Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai |
Cuối năm 2023, Chính phủ đã có cuộc họp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến dự án Aqua City và nhiều dự án khác trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay, Aqua City mới chỉ hoàn thiện phần thô của phân khu The Suite và The Elite, trong khi các phân khu còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoặc chỉ mới thực hiện san lấp mặt bằng.
Phần lớn khách hàng của Aqua City mua nhà với mục đích đầu tư và sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Do đó, khi dự án gặp vướng mắc pháp lý, nhiều người đã rơi vào tình trạng nợ xấu, và một số doanh nhân khó khăn trong việc huy động vốn. Điều này dẫn đến làn sóng bán tháo các sản phẩm của Aqua City trên thị trường thứ cấp, với mức giảm giá 30-50% so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng việc tìm người mua vẫn rất khó khăn.
Tại cuộc họp báo cáo tình hình tái cấu trúc cuối tháng 7, Novaland cho biết tính đến cuối tháng 6/2024, doanh nghiệp đã bàn giao khoảng 516 sản phẩm tại dự án Aqua City. 891 sản phẩm khác dự kiến sẽ được bàn giao trong 6 tháng cuối năm khi nhiều phân khu được tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng pháp lý và thị trường bất động sản gặp khó khăn vẫn là thách thức lớn đối với Novaland và dự án Aqua City.
Dự án Aqua City vẫn đang là tâm điểm chú ý của thị trường bất động sản Đồng Nai, với tiềm năng phát triển lớn, nhưng việc hoàn thiện pháp lý và giải quyết khó khăn về tài chính sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của dự án trong tương lai.
Cổ phiếu nông nghiệp tạo sóng, chứng khoán phiên sáng 10/9 vẫn đánh mất sắc xanh Mặc dù nhận được sự hậu thuẫn khá lớn từ nhóm cổ phiếu nông nghiệp, nhưng như vậy là chưa đủ để chỉ số chính ... |
Thanh khoản dù cải thiện, chứng khoán chiều 10/9 vẫn mất mốc 1.260 Thị trường chứng khoán phiên chiều 10/9, dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt nhưng lực còn khá yếu, khiến chỉ số chính VN-Index ... |
Nhận định chứng khoán phiên 11/9: Đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu hơn Chứng khoán Việt đón nhận thêm một phiên giảm khá mạnh, áp lực bán vẫn chi phối và thị trường tiếp tục đối mặt với ... |
Nguyên Nam