Hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024

Cùng với sự phát triển kinh tế địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh.

Aug 5, 2024 - 17:58
Hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt đưa ra những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Hòa Bình đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.750 tỉ đồng; ước đến hết quý II/2024, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 40% kế hoạch vốn được giao… Cùng với sự phát triển kinh tế địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và UBND tỉnh.

Tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng

Trong 7 tháng đầu năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời các cơ chế, chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của Ngành đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn; xây dựng Kế hoạch số 82/KH-HBI ngày 31/01/2024 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2024 của UBND tỉnh Hòa Bình về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2024; xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024 bao gồm: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024; cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình chuẩn bị các điều kiện, nội dung tổ chức thành công Chương trình làm việc tại tỉnh Hòa Bình của Đoàn công tác Thống đốc NHNN về hoạt động tiền tệ, tín dụng trên địa bàn (bao gồm các chương trình Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024; Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Các TCTD năm 2024; Hội nghị phổ biến Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai Thông tư số 15/2023/TT-NHNN ngày 05/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN…)

Ngay từ đầu năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã tập trung thực hiện các văn bản điều hành của NHNN, bao gồm Văn bản số 3053/NHNN-VP ngày 12/4/2024 triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024; Văn bản số 4462/NHNN-CSTT ngày 29/5/2024 về giải pháp tín dụng, lãi suất… để tăng cường công tác tín dụng, nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã tổ chức 3 hội nghị làm việc với Cấp ủy, chính quyền huyện Lương Sơn, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình về việc phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Qua các buổi làm việc tạo điều kiện để triển khai kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp - Chính quyền địa phương nhằm chia sẻ những cơ hội và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ giữa khách hàng, ngân hàng và chính quyền; giải đáp những vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

Đối với các chương trình hỗ trợ chính sách, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; chương trình cho vay lâm sản, thủy sản. Các TCTD trên địa bàn đã chủ động tiếp cận các đối tượng khách hàng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giải ngân vốn vay theo quy định; theo dõi, nắm bắt tình hình công khai lãi suất bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác... của các TCTD trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN. Đồng thời, tổ chức buổi làm việc với Quỹ Bảo lãnh tín dụng tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; tham gia ý kiến dự thảo quy chế cấp bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cũng đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục chỉ đạo triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mĩ nghệ trên địa bàn, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vàng trên địa bàn theo Kế hoạch số 95/KH-BCĐ ngày 14/5/2024 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình về kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vàng trên địa bàn; ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thuộc các TCTD trên địa bàn theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2023/TT-NHNN ngày 31/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định về công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.

Những kết quả khả quan trong hoạt động 7 tháng đầu năm 2024

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã chấp hành nghiêm túc quy định về lãi suất của NHNN và chỉ đạo của Hội sở chính; áp dụng mức lãi suất trên cơ sở lãi suất bình quân đã được công bố trên website của từng hệ thống ngân hàng. Tính đến ngày 31/7/2024, tổng vốn huy động trong các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 35.151 tỉ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 3.120 tỉ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu vốn huy động phân theo loại tiền gồm: Tiền gửi VND ước đạt 34.801 tỉ đồng, tiền gửi ngoại tệ ước đạt 300 tỉ đồng; cơ cấu vốn huy động theo tiền gửi gồm: Tiền gửi tiết kiệm ước đạt 24.350 tỉ đồng, tiền gửi thanh toán ước đạt 10.751 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình biến động tỉ giá, giá vàng trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo NHNN theo quy định. Trong 7 tháng đầu năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính phát sinh trong lĩnh vực hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo 100% thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và cử cán bộ tham gia kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn toàn tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra 01 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng và 11 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mĩ nghệ trên địa bàn.

Hoạt động tín dụng được hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh triển khai. Tính đến ngày 31/7/2024, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn ước đạt 40.873 tỉ đồng, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 18.450 tỉ đồng; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 22.423 tỉ đồng. 

Chất lượng tín dụng của các TCTD trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng có sự cải thiện. Mặc dù nợ xấu nội bảng tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ lại giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2023 (chiếm 0,49% tổng dư nợ tín dụng). Ngoài ra, các TCTD cũng tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 của Thống đốc NHNN cho phép các TCTD kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2024. Theo đó, các TCTD trên địa bàn đã triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Hội sở chính, chủ động rà soát đối tượng khách hàng gặp khó khăn, đủ điều kiện cơ cấu lại nợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục, hồ sơ theo quy định.
 

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình giải ngân vốn vay cho khách hàng tại điểm giao dịch UBND thị trấn Mãn Đức (Nguồn:V.Đ/baohoabinh.com.vn)

Về công tác tiền tệ, kho quỹ, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức tốt công tác cung ứng tiền mặt đối với các ngân hàng, TCTD và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn; chấp hành nghiêm túc quy trình thu, chi, xuất, nhập tiền, tài sản kho quỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản; kiểm tra công tác tuyển chọn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của các NHTM nộp về NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình; xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn kho quỹ năm 2024 tại các NHTM; 7 tháng đầu năm 2024, kiểm tra việc tuyển chọn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của các NHTM nộp về NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình (95 lượt). Doanh số chi tiền mặt của NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho các NHTM, Kho bạc Nhà nước trong kỳ ước đạt trên 6 nghìn tỉ đồng; chỉ đạo các TCTD đảm bảo an toàn tài sản, kho quỹ, giao dịch tiền mặt; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm đột nhập cướp ngân hàng; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác an toàn kho quỹ năm 2024 đối với 3 chi nhánh Agribank huyện Tân Lạc, Cao Phong và Kim Bôi; thực hiện giám định tiền thu giữ của các vụ án theo đề nghị của Cơ quan an ninh, cảnh sát điều tra công an tỉnh.

Đồng thời, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học; tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công. Do vậy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD trên địa bàn năm 2024, trong đó đã thực hiện 04 cuộc thanh tra; tiếp tục đôn đốc các đơn vị được thanh tra thực hiện nghiêm các kiến nghị, kết luận thanh tra của các kỳ trước, tổng hợp báo cáo Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện giám sát từ xa đối với 18 ngân hàng, TCTD trên địa bàn gồm: 9 NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội, 4 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; 4 chương trình tài chính vi mô; giám sát việc triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, theo dõi, nắm bắt tình hình áp dụng mức lãi suất bình quân của các NHTM trên địa bàn theo chỉ đạo của Hội sở chính. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định tại Thông tư số 17/2023/TT-NHNN ngày 25/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.

Có thể thấy, sau 7 tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng, chỉ đạo của NHNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2024 để triển khai thực hiện và cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của từng đơn vị; tập trung triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù bối cảnh chung của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi… tuy nhiên, dư nợ tín dụng 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đã thể hiện quyết tâm lớn của toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn. Vượt qua những khó khăn chung, hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình phấn đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 theo sự chỉ đạo, điều hành của NHNN và UBND tỉnh.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2024, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
 


Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng tỉnh Hòa Bình Quý III/2024
 (Nguồn: Phương Anh/nhnn.hoabinh.gov.vn)

 
Về phía NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình

NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các TCTD thực hiện các quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, hệ thống văn bản dưới Luật ngay sau khi Luật Các TCTD năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Triển khai kế hoạch thanh tra các TCTD theo kế hoạch năm 2024; thực hiện giám sát các ngân hàng, TCTD trong việc chấp hành quy định về công bố lãi suất cho vay bình quân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; các chương trình tín dụng ưu đãi.

Đối với kế hoạch làm việc với các cấp ủy, chính quyền địa phương về việc phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai theo các kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình thường xuyên phối hợp với các đơn vị ký quy chế, chương trình phối hợp công tác trên địa bàn tỉnh để trao đổi, cung cấp thông tin về định hướng chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN. Đặc biệt là quy chế phối hợp công tác giữa NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình để kịp thời nắm bắt thông tin và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hằng tháng, hai đơn vị thường xuyên gửi báo cáo để kịp thời thông tin, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình chủ động cung ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn các nhu cầu thanh toán; cung ứng, điều hòa tiền mặt cho các TCTD, Kho bạc Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy trình vận chuyển, giao dịch tiền mặt tại quầy; tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Triển khai kế hoạch công tác an sinh, xã hội của ngành Ngân hàng tỉnh năm 2024 và chấp hành chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

Về phía các TCTD

Các TCTD trên địa bàn chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, ngoại hối; thực hiện kế hoạch kinh doanh được giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN; thực hiện nghiêm các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô và các văn bản chỉ đạo của NHNN.

Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất cho vay (giảm từ 1 - 2%), chia sẻ khó khăn với khách hàng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN; chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng, phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn. Chủ động triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản và các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của NHNN và Hội sở chính; có các giải pháp phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.

Chủ động nghiên cứu các quy định mới tại Luật Các TCTD năm 2024 và các văn bản hướng dẫn Luật để tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định nội bộ của hệ thống. Tiếp tục triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tăng cường tuyên truyền các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến... Ngoài ra, cần phối hợp các cơ quan liên quan phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ biến tài chính toàn diện, khai thác thông tin người dân trực tuyến qua tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc các quy định, quy trình của NHNN về giao nhận, bảo quản tiền mặt, giấy tờ có giá và thực hiện tốt công tác phòng, chống khủng bố, đột nhập cướp ngân hàng.

Phát huy trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, các TCTD trên địa bàn cần tích cực chuẩn bị nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội năm 2024. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông về các chương trình, chính sách tín dụng và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo số 512/BC-HBI ngày 23/7/2024 của NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình về kết quả thực hiện công tác tháng 7 năm 2024.
2. Báo cáo số 161/HBI-TH ngày 12/4/2024 của NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình về Kết quả triển khai Chương trình cho vay 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP.
3. Báo cáo số 438/BC-HBI ngày 24/6/2024 của NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình về Kết quả triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Quyết định số 83/QĐ-NHNN, Thông báo số 81/TB-NHNN, Công văn số 3053/NHNN-TD.
4. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình, Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 6 năm 2024, https://hoabinh.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-6-nam-2024-52274-1170.html
5. NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh 6 tháng cuối năm 2024, https://nhnn.hoabinh.gov.vn/hoi-nghi-trien-khia-nhiem-vu-ngan-hang-quy-iii-2024/


Ngọc Linh