Giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt tăng, vì sao?
Giá cà phê liên tục biến động. Nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm từ Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, là yếu tố tăng giá chính.
Giá cà phê Robusta tăng, thị trường cà phê diễn biến ra sao? Giá cà phê Robusta và Arabica liệu có bước vào chu kỳ tăng giá mới? |
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 73 USD/tấn, ở mức 3.892 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 67 USD/tấn, ở mức 3.806 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 2,6 cent/lb, ở mức 218,25 cent/lb, giao tháng 9/2024 tăng 2,55 cent/lb, ở mức 217,35 cent/lb.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 374 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 tăng 11,65 cent. Giá cà phê nội địa tăng thêm trung bình 11.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước tăng theo thị trường thế giới, đồng loạt cao hơn 1.500 đồng/kg so với ngày hôm trước, hiện giá giao dịch 114.400 - 116.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước sáng nay 26/5/2024 tăng 1.500 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 115.700 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 116.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá 115.000 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 116.000 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 114.500 đồng/kg.
Phân tích tính hình thị trường, chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình đánh giá, cà phê tuần qua diễn biến "lạ". Kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất, mối lo nguồn cung tiếp tục là những nguyên nhân giúp cà phê phục hồi.
Giá cà phê nội địa thêm trung bình 11.000 đồng/kg |
Một lý do khác xuất hiện từ giữa tháng 5/2024. Các trở ngại thương mại toàn cầu cùng ập tới một lúc, gây ra tình trạng thiếu container rỗng, đẩy giá cước vận tải biển tăng trung bình khoảng 30% trong những tuần qua và dự kiến còn tăng tiếp.
Các hãng vận tải biển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng do tắc nghẽn kéo dài, các chuyến tàu bị hủy… Rất nhiều lô hàng bị trì hoãn vận chuyển do thiếu hụt container rỗng dẫn đến tình trạng tồn đọng lớn. Đợt tăng cước mới được ấn định vào ngày 1/6 sẽ khiến chi phí vận chuyễn mỗi container tăng thêm 1.000 USD. Đây được dự đoán là yếu tố tiếp tục giúp cà phê tăng hơn nữa.
Trên thị trường, ông Nguyễn Quang Bình nhận định, vị thế kinh doanh vẫn thuận lợi cho đà tăng. Các nhóm đầu cơ đã tranh thủ mua nhiều hơn, nhất là trong phiên kết thúc tuần.
Năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Brazil ghi nhận mức tăng về sản lượng. Dữ liệu trong đợt khảo sát lần thứ 2 về thu hoạch cà phê năm 2024 của Công ty Cung ứng quốc gia Brazil đã điều chỉnh ước tính sản lượng cà phê Brazil năm 2024 lên tới 58,8 triệu bao so với dự báo tháng 1 là 58,1 triệu bao.
Sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi sau khi giảm từ mức kỷ lục 63,1 triệu bao trong năm 2020 xuống còn 50,9 triệu bao trong năm 2021. Năm 2022, sản lượng cà phê tại Brazil tăng lên 53,4 triệu bao và năm 2023 đạt tổng cộng 55,31 triệu bao.
Theo Cơ quan Thống kê nông nghiệp Brazil, Brazil sẽ thu hoạch 42,11 triệu bao cà phê Arabica trong năm nay, với năng suất trung bình đạt năng suất đạt 27,7 bao/ha, tăng 5,9% so với năm ngoái. Sản lượng cà phê Robusta cũng tăng 3,3% lên 16,71 triệu bao, do điều kiện khí hậu thuận lợi tại bang Espírito Santo, địa phương sản xuất cà phê Robusta lớn nhất Brazil.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Brazil đã xuất khẩu 16,4 triệu bao cà phê, tăng tới 46,5% so với lượng xuất xưởng cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn này ước đạt 3,4 tỷ USD.
Quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này cũng được hưởng lợi từ việc cà phê trên thị trường quốc tế tăng giá cũng như sự phục hồi của đồng USD so với đồng nội tệ real.
Đến năm 2024 tổng diện tích trồng cà phê của Brazil là 2,25 triệu ha, tăng 0,5% so với vụ trước.Tháng 4, Indonesia, quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ ba thế giới cũng bước vào vụ cà phê mới.
Trái ngược với sự khởi sắc tại Brazil, El Nino vẫn đeo bám tại các vùng sản xuất cà phê chính Indonesia, khiến cho sản lượng Robusta thu hoạch trong năm 2024 được dự báo vẫn ở mức thấp.
Trước tình hình sản lượng còn nhiều hạn chế, kết hợp cùng nguồn cung các vụ trước ở mức thấp, khả năng cao hoạt động xuất khẩu cà phê của Indonesia trong thời gian tới chưa thể cải thiện đáng kể. Trong năm 2023, quốc gia Đông Nam Á này chỉ xuất đi khoảng 2,5 triệu bao dạng hạt, giảm khoảng một nửa so cùng kỳ năm trước.
Ngọc Ngân