Chính phủ họp chuyên đề pháp luật, thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Ngày 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 - là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 của năm 2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Jun 26, 2024 - 18:05
Chính phủ họp chuyên đề pháp luật, thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Theo chương trình, phiên họp dự kiến xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 6 nội dung, trong đó có 3 dự án luật: Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; 3 đề nghị xây dựng luật, gồm: Luật Dữ liệu, Luật Phòng bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chào mừng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang lần đầu tham dự phiên họp Chính phủ trên cương vị mới, trọng trách mới.

Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục triển khai đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; ưu tiên nguồn lực cho công tác pháp chế, xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ nào, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nhắc lại những yêu cầu với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tế; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục luật hóa thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định, hoặc đã có quy định, nhưng chưa theo kịp thực tiễn, thì phải xây dựng quy định để tạo hành lang pháp lý cho phát triển, mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 26 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế (9/2021); cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 350 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 85 quyết định quy phạm. Riêng trong năm 2024, 5 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 20 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật.

Thủ tướng nêu rõ, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần này, với thời gian ít, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung phong phú, đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.