Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ ở mặt hàng nông sản quan trọng: Giá tăng phi mã, nước ta xuất khẩu đứng đầu thế giới<br>
Giá loại ‘vàng đen’ này cũng liên tục tăng mạnh khi thế giới ngày càng thiếu hụt.

Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ ở mặt hàng nông sản quan trọng: Giá tăng phi mã, nước ta xuất khẩu đứng đầu thế giới
Giá loại ‘vàng đen’ này cũng liên tục tăng mạnh khi thế giới ngày càng thiếu hụt.
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), năm 2024, Mỹ là quốc gia nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới với tổng cộng 97.974 tấn, trị giá 540,45 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và 66% về trị giá so với năm 2023. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cũng cho biết Mỹ không sản xuất được hồ tiêu do điều kiện tự nhiên (đất, khí hậu) không phù hợp. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu,
Theo thống kê của VPSA, tháng 3/2025, Mỹ đã nhập khẩu 6.740 tấn hồ tiêu, tăng 13,4% so với tháng trước, trong đó Việt Nam là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Mỹ chiếm 59,2% đạt 3.991 tấn, tiếp theo là Indonesia chiếm 22,5% đạt 1.515 tấn.
Trước đó trong năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Mỹ đạt 5.338 USD/tấn, tăng 21,6% so với năm 2023; từ Ấn Độ đạt 5.500 USD/tấn, tăng 11,2%; riêng giá nhập khẩu từ Indonesia giảm 7,8%, xuống còn 5.444 USD/tấn.
Với sản lượng 170.000 tấn, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu; kế tiếp là Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên sau khi đạt mức kỷ lục 290.000 tấn vào năm 2019, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục giảm qua các năm. Năm 2023, sản lượng nhích một chút, lên 190.000 tấn (tăng hơn 3,8%) so với 183.000 tấn năm 2022.
Sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170.000 tấn và đây có thể là mức sản lượng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2015.
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 318,3 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Hiện nguồn cung hồ tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.
Trong thời gian qua, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sụt giảm trong khi nhu cầu tăng cao từ Mỹ và một số thị trường lớn khác đã đẩy giá mặt hàng này lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây.
Chủ tịch VPSA cho biết, sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2025 dự báo tiếp tục giảm so với 2024 do đây không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác cạnh tranh; chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu tăng cao.
Trong top các quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn thế giới, năm 2024, Indonesia đã nổi lên như một nhà cung cấp đáng kể, nhất là khi Việt Nam và Brazil gặp tình trạng mất mùa. Tuy nhiên trong năm 2025, sản lượng tiêu của Indonesia có thể giảm do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ngược lại sản lượng tiêu của của Brazil sẽ phục hồi.
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu khả quan, song việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế tối thiểu 10% lên toàn bộ hàng hoá nhập khẩu, và thuế đối ứng chưa biết sẽ bị Mỹ áp dụng ra sao (Hiện tại Mỹ đã tạm dừng thời gian áp dụng thuế đối ứng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong 3 tháng) đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lo ngại. Bởi hồ tiêu là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đang có thị phần tốt tại thị trường Mỹ.
Để giảm rủi ro từ các chính sách của Mỹ, VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu cần có những phương án ứng phó linh hoạt. Thay vì làm kế hoạch kinh doanh theo tháng, theo năm; chuyển sang làm kế hoạch xuất khẩu theo tuần, cần bám sát sự biến động của giá cả hàng hóa để phản ứng phù hợp.
Hoàng Anh