Thị trường chứng khoán tuần từ 30/9-4/10: Cơ hội tích lũy cổ phiếu dài hạn từ các nhịp điều chỉnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần cuối tháng 9/2024 đã chứng kiến nhiều biến động tích cực, với VN-Index liên tục thử thách ngưỡng 1.300 điểm. Mặc dù áp lực chốt lời tăng cao, đặc biệt vào những phiên cuối tuần, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu, đặc biệt là những ngành có tiềm năng tăng trưởng như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp.

Sep 29, 2024 - 18:11
Thị trường chứng khoán tuần từ 30/9-4/10: Cơ hội tích lũy cổ phiếu dài hạn từ các nhịp điều chỉnh

VN-Index thử thách ngưỡng 1.300 điểm, ngân hàng và khối ngoại là điểm sáng

Ngày 23/9, VN-Index mở cửa tăng nhẹ 5 điểm nhưng nhanh chóng suy yếu, đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.268,5 điểm. Toàn thị trường có 137 mã tăng và 261 mã giảm, với nhóm bảo hiểm dẫn đầu: BVH (+1,6%), PRE (+1,1%) và AIC (+1,8%). Thanh khoản giảm mạnh, thấp hơn gần 9.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước.

Ngày 24/9, VN-Index tăng 0,7% lên 1.277 điểm nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu viễn thông: CTR (+3,4%) và VGI (+1,8%). Các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng tăng, với BID, VHM, MBB và STB nổi bật. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng 2.500 tỷ đồng, tập trung vào VIB (-2.715,8 tỷ đồng).

Ngày 25/9, VN-Index tăng tiếp 0,8% lên 1.287,5 điểm, nhờ nhóm ngành dịch vụ tài chính (+2,4%), ngân hàng (+1,3%) và bất động sản (+0,5%). KBC tăng trần nhờ tin tức hợp tác với The Trump Organization. Khối ngoại quay lại mua ròng 525 tỷ đồng, tập trung vào VCI, MWG và TCB.

Phiên 26/9, VN-Index tăng 4 điểm lên 1.291,5 điểm dưới sự dẫn dắt của ngành ngân hàng. Thanh khoản tăng 6,3%, đạt 21,8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, TPB chạm trần với hơn 60 triệu cổ phiếu giao dịch.

Ngày 27/9, VN-Index tiến sát 1.300 điểm nhưng áp lực chốt lời khiến chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ. Khối ngoại mua ròng 228 tỷ đồng, tập trung vào FPT, TPB và VNM.

Kết tuần, VN-Index tăng 1,5% so với cuối tuần trước, lên 1.290,9 điểm; HNX-Index tăng 0,6% lên 235,7 điểm; và UPCOM-Index tăng 0,3% lên 93,9 điểm. Các mã VCB (+2,1%), VPB (+4,2%) và BID (+2,1%) hỗ trợ tích cực, dù FPT (-0,8%), VHM (-0,8%) và PLX (-2,3%) gây áp lực.

nguồn Tradingview)
Diễn biến VN-Index (nguồn Tradingview)

Nhịp điều chỉnh là cơ hội tích lũy dài hạn

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty CP chứng khoán VNDIRECT, cho biết: “Chỉ số VN-Index tiếp tục có một tuần bứt phá và thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần. Tuy vậy, áp lực bán gia tăng đã đẩy lùi chỉ số về lại sát mức 1.290 điểm. Đây không phải là điều bất ngờ, vì từ đầu năm đến nay, vùng trên 1.300 điểm luôn là vùng mà VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững.

Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm, nhà đầu tư cần điều chỉnh tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) và “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng”. Việc quản trị rủi ro danh mục đầu tư cần được ưu tiên, theo đó, nhà đầu tư nên chủ động chốt lời một phần những cổ phiếu đã tăng nhanh trên 15% trong 2 tuần gần đây và giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống mức an toàn (dưới 100%). Cần hạn chế việc giải ngân mới và sử dụng đòn bẩy tài chính, ít nhất là cho đến khi chỉ số VN-Index xác nhận rõ xu hướng sau khi thử thách lại vùng kháng cự 1.300 điểm. Việc giải ngân mới nên được thực hiện khi VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.300 điểm một cách chắc chắn và tin cậy, hoặc lùi về vùng hỗ trợ tại 1.260-1.270 điểm.

Về động thái cắt giảm lãi suất của Fed, ông Đinh Quang Hinh chia sẻ: “Điều này chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Cụ thể, ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, một động thái được thị trường chờ đợi từ lâu, với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành. Đây là một quyết định mạnh mẽ của Fed, dù gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế chỉ dự đoán mức giảm 0,25 điểm phần trăm ngay trước cuộc họp.

Một số ý kiến cho rằng việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo tôi, góc nhìn này không toàn diện. Trong bối cảnh lạm phát thấp hơn dự báo và thị trường lao động có những dấu hiệu đáng lo ngại, việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm là hợp lý. Chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ rằng “đây là lúc hỗ trợ thị trường lao động, ngay khi nó còn mạnh, thay vì chờ đợi đến khi sa thải diễn ra”.

Có thể thấy rằng, dù khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, Chủ tịch Fed đồng tình rằng các chính sách tiền tệ có độ trễ và việc doanh nghiệp giảm tốc độ tuyển dụng là lý do cần thiết để Fed hành động sớm nhằm tránh suy yếu mạnh hơn ở thị trường lao động. Do đó, cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm là “sự can thiệp sớm” thay vì “chữa cháy” khi mọi thứ đã quá muộn.

những nhịp điều chỉnh nếu có trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu
Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, những nhịp điều chỉnh nếu có trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu - Ảnh Tuệ An

Cùng với việc hạ lãi suất, Fed cũng điều chỉnh dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed - xuống mức 2,3% vào cuối năm nay (từ mức dự báo 2,6% trước đó) và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025. Về tỷ lệ thất nghiệp, Fed dự báo 4,4% vào cuối năm nay (từ mức 4,0% trước đó) và duy trì đến hết năm 2025.

Về tăng trưởng kinh tế, Fed dự báo tăng trưởng ở mức 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ sau động thái của Fed cũng củng cố kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.

Trong nước, xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, từ đó, tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của nước ta.

Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến đồng USD (DXY) suy yếu, giúp giảm áp lực tỷ giá và lạm phát, từ đó, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. OMO (nghiệp vụ thị trường mở) và mua dự trữ ngoại hối để bơm tiền đồng vào thị trường nhằm cải thiện cung tiền - vốn rất chậm từ đầu năm tới nay - cũng sẽ là giải pháp.

Với những kỳ vọng trên, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn, từ nay đến cuối năm. Kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi, nhờ vào (1) chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, (2) kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện, và (3) những tiến triển mới trong việc nâng hạng thị trường. Do đó, những nhịp điều chỉnh nếu có trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp."

Thị trường chứng khoán Việt sẽ đón nhận dòng vốn "khủng" từ các quỹ ETF

Quyết định hạ lãi suất của Fed cùng Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ tạo động lực tích cực cho ...

Chứng khoán chờ cú hích từ Thông tư 68

Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, tạo động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam bằng cách gỡ bỏ rào ...

Nhìn lại cổ phiếu khuyến nghị tuần qua: Ngân hàng dẫn đầu, nhiều mã lình xình

Tuần qua, thị trường chứng khoán ghi nhận sự phân hóa giữa các cổ phiếu được các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị. Mặc ...

Tân An