Tập đoàn Sơn Hải đề xuất làm cao tốc Nha Trang – Đà Lạt hơn 25.000 tỷ đồng
Tập đoàn Sơn Hải đề xuất làm cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, trong đó vốn ngân sách chiếm 70%.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký văn bản số 5535/UBND-XDNĐ gửi Sở GTVT tỉnh này, về việc xem xét nội dung đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan tờ trình của Tập đoàn Sơn Hải |
Văn bản nêu, UBND tỉnh Khánh Hòa mới nhận được tờ trình của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng). UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, báo cáo, tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh đúng quy định.
Đề xuất của Sơn Hải
Trong tờ trình gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Tập đoàn Sơn Hải nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư cao tốc đường bộ Nha Trang – Đà Lạt. Doanh nghiệp này cho rằng, hiện QL27C là tuyến đường độc đạo nối 2 thành phố này, với đèo Khánh Lê hơn 30km hiểm trở cùng nhiều đoạn thường xuyên sạt lở vào mùa mưa, tiềm ẩn tai nạn. Ngoài ra, QL27C quy mô đường cấp IV-III được dự báo sẽ mãn tải trước năm 2030.
Tập đoàn Sơn Hải đề xuất làm cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Dự án có tổng chiều dài 80,8km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/h với điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa, thuộc phường 12, TP. Đà Lạt.
Dự án có tổng mức đầu tư 25.058 tỷ đồng, gồm 1.171 tỷ đồng chi phí GPMB, 18.889 tỷ đồng chi phí xây lắp, thiết bị; 1.511 tỷ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn; 427 tỷ đồng chi phí lãi vay và 3.060 tỷ đồng chi phí dự phòng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, Sơn Hải đề xuất vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án chiếm 70% (17.540 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vay…) chiếm 30% (7.517 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án từ 2024 – 2028, trong đó giai đoạn đầu tư xây dựng sẽ triển khai từ 2026 – 2028.
Sơ bộ về dự án theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải |
Cũng trong tờ trình, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa (đại diện cho hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng) kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng dự án trước năm 2030; kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện dự án.
Doanh nghiệp ày cũng đề nghị tỉnh kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù với tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 70%; cho phép dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Kiến nghị bổ sung dự án vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm Quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Lizen (LCG) sắp đầu tư cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng Lizen đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, thay ... |
Phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên có chiều dài tuyến khoảng 65km, sẽ góp ... |
Cao Thái