Phân cấp mạnh cho địa phương, minh bạch quản lý khoáng sản
Dự thảo Nghị định thi hành Luật Địa chất và khoáng sản hướng đến phân cấp mạnh mẽ, cải cách thủ tục, rõ trách nhiệm và minh bạch trong quản lý khoáng sản.

Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quản lý đất đai và khoáng sản ở Đồng Nai Phú Yên kiến nghị gì về quản lý khoáng sản? Bà Rịa – Vũng Tàu: “Siết” quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông |
Sáng 12/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và khoáng sản (Dự thảo Nghị định).
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nghị định phải chi tiết, rõ ràng những vấn đề cần hướng dẫn về thi hành mà doanh nghiệp, cơ quan quản lý thống nhất về cách hiểu, cách làm, không cần có thêm văn bản. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Nghị định phải đi vào chi tiết, rõ ràng những vấn đề cần hướng dẫn về thi hành mà doanh nghiệp, cơ quan quản lý thống nhất về cách hiểu, cách làm, không cần có thêm văn bản".
Cơ quan soạn thảo tiếp thu triệt để, giải trình rõ các ý kiến góp ý; rà soát kỹ các quy định để điều chỉnh bao quát toàn bộ phạm vi của Luật Địa chất và khoáng sản, nhất là công tác quản lý nhà nước về địa chất, vốn có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ mọi lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh cho đến việc phát triển kinh tế, đô thị, vấn đề an ninh, an toàn biến đổi khí hậu…
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. "Nếu phân cấp, phân quyền mà thủ tục hành chính cứ giấy tờ và đi lại nhiều lần thì rất là gay go, phải thực hiện một cửa, một đầu mối, một hồ sơ", Phó Thủ tướng nói.
Về định hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Phó Thủ tướng đề nghị bám sát quy định trong Luật Địa chất và khoáng sản, "một việc không giao cho hai người", vừa đơn giản hoá thủ tục nhưng rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng, tuỳ tiện.
Theo đó, cấp Trung ương quản lý về chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; có cơ chế đầu tư khảo sát, thăm dò, điều tra trữ lượng các khoáng sản chiến lược, thiết yếu, có quy mô và giá trị mang tầm quốc gia.
Các địa phương, ngoài việc được phân cấp quản lý khoáng sản nhóm IV, nhóm III, có thể thực hiện khảo sát, thăm dò, điều tra, đánh giá bổ sung, báo cáo cập nhật vào quy hoạch đối với khoáng sản nhóm I, nhóm II chưa thực hiện thăm dò, điều tra cơ bản, chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia.
Quy định về cấp phép, đánh giá trữ lượng khoáng sản từ kết quả thăm dò của doanh nghiệp phải bao gồm cả khoáng sản chính lẫn khoáng sản đi kèm; bảo đảm không thất thoát; khuyến khích đầu tư công nghệ khai thác khoáng sản đi kèm, "công khai, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm thực hiện".
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng tiếp thu cho cơ quan soạn thảo đối với một số nội dung quan trọng khác như: Khu vực khoanh định không đấu thầu, đấu giá khai thác khoáng sản; tiêu chí chế biến làm giàu khoáng sản khai thác trước khi xuất khẩu; bảo đảm an toàn và môi trường khi thực hiện khai thác đất, đá thải ở mỏ như khoáng sản đi kèm; thủ tục đóng cửa mỏ, thực hiện hoàn nguyên linh hoạt, phù hợp với môi trường, địa hình thực tế;…
Dự thảo Nghị định gồm 11 chương, 155 điều, quy định chi tiết 66 nội dung được giao trong Luật, đồng thời bổ sung 6 biện pháp thi hành. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, việc phân loại khoáng sản thành 4 nhóm đã giúp cơ quan soạn thảo xây dựng tiếp cận mới từ quy hoạch đến cấp phép, thăm dò, khai thác, thu hồi và đóng cửa mỏ. Đáng chú ý, UBND cấp tỉnh được phân cấp tối đa trong quản lý khoáng sản nhóm III và IV, vốn là những khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đối với trường hợp phát hiện khoáng sản đi kèm thuộc nhóm I, II (trừ khoáng sản dự trữ quốc gia), địa phương cũng được trao quyền cấp hoặc điều chỉnh giấy phép khai thác. |
Nguyễn Hạnh