Nhận thưởng Tết bị trừ 10% thuế, khi nào người lao động được hoàn lại?
Mỗi dịp Tết đến, tiền thưởng luôn là khoản được người lao động mong chờ, nhưng không ít người bất ngờ khi bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo quy định, thưởng Tết thuộc diện chịu thuế và thường bị tạm khấu trừ 10%. Vậy khoản thuế này có thể được hoàn lại không, và ai là người đủ điều kiện?
Chuyên gia thuế khẳng định, việc tạm khấu trừ thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế TNCN và khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, các khoản thưởng Tết dưới mọi hình thức, bao gồm tiền mặt, hiện vật hay các loại giá trị khác, đều được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để làm cơ sở tính thuế.
Do tiền thưởng Tết được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động, khoản này được coi là thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công và thuộc diện chịu thuế TNCN. Số tiền thưởng sẽ được cộng dồn vào tổng thu nhập trong năm và tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Theo quy định, thưởng Tết thuộc diện chịu thuế và thường bị tạm khấu trừ 10% |
Trong thực tế, khi chi trả tiền thưởng Tết, các tổ chức, doanh nghiệp thường tạm khấu trừ 10% thuế TNCN của người lao động. Trong một số trường hợp, mức khấu trừ có thể cao hơn nếu người lao động thuộc diện đóng thuế theo bậc thuế suất cao hơn dựa trên thu nhập trước đó. Đối với người lao động làm việc ngắn hạn, theo thời vụ hoặc chưa đủ một năm, nếu nhận thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì cũng bị khấu trừ 10% theo quy định về thu nhập vãng lai.
Sau khi tổng hợp thu nhập cả năm, nếu người lao động có tổng thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế TNCN sau khi tính các khoản giảm trừ gia cảnh, bảo hiểm bắt buộc..., họ có thể thực hiện thủ tục hoàn thuế đối với phần thuế đã tạm khấu trừ từ tiền thưởng Tết.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết được tính theo thu nhập tháng và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần. Ví dụ, một người lao động có mức lương 12 triệu đồng/tháng, nếu nhận thưởng Tết 20 triệu đồng thì tổng thu nhập trong tháng đạt 32 triệu đồng. Điều này có thể khiến họ phải chịu thuế TNCN ở bậc cao hơn so với mức thu nhập thông thường, dẫn đến số tiền thuế phải nộp có thể lên tới hơn 3 triệu đồng.
Ngoài tiền mặt, nếu doanh nghiệp tặng quà Tết dưới dạng hiện vật cho người lao động, họ phải lập hóa đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 4 và ghi đầy đủ nội dung theo Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù xuất theo kỳ phát sinh, doanh nghiệp có thể sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn theo khoản 6 Điều 10 của nghị định này.
Bên cạnh đó, một số khoản tiền thưởng được miễn thuế TNCN theo quy định hiện hành, bao gồm tiền thưởng kèm theo danh hiệu thi đua do Nhà nước phong tặng như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Lao động tiên tiến; các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế được Nhà nước công nhận như Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng về khoa học, văn hóa cấp quốc gia hoặc quốc tế.
Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 bình quân đạt 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 là 6,85 triệu đồng/người. Sự gia tăng này phản ánh tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực, tạo động lực cho doanh nghiệp duy trì chính sách thưởng Tết nhằm khuyến khích người lao động.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam cần nộp bao nhiêu thuế khi nhận 'mưa' tiền thưởng sau chức vô địch AFF Cup? Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ khi xuất sắc giành chức vô địch AFF Cup 2024. Cùng với ... |
Mã số thuế thay bằng mã định danh cá nhân từ 1/7/2025, người nộp thuế được hưởng lợi gì? Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 6/2/2025 của Bộ Tài chính quy định về đăng ký thuế, mã số thuế do cơ ... |
Minh Đức