NCB bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát mới
NCB vừa công bố quyết định bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc là ông Tạ Kiều Hưng, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc. NCB cũng kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB; mã chứng khoán: NVB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc là ông Tạ Kiều Hưng, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc của NCB. Ông Tạ Kiều Hưng sinh năm 1980, là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Trung tâm Đào tạo về Quản lý Pháp-Việt (CFVG), Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam Techcombank. Tháng 12/2022, ông Hưng gia nhập NCB với vai trò Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối KHCN.
Ông Tạ Kiều Hưng vừa được bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc NCB. |
Trước đó, ĐHĐCĐ năm 2023 của NCB ngày 8/4 cũng đã thông qua việc kiện toàn Ban Kiểm soát ngân hàng, bầu bổ sung bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang làm thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025, thay cho bà Trần Thị Hà Giang và bà Trần Thị Minh Huệ, đều có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Đồng thời, Ban Kiểm soát đã họp và bầu bà Đỗ Thị Đức Minh giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bà Đỗ Thị Đức Minh sinh năm 1975, là Thạc sỹ Kinh tế, Học viện Ngân hàng. Bà có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp lớn như: PG Bank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Đức Minh - Trưởng Ban Kiểm soát NCB. |
Bên cạnh đó, ngân hàng NCB còn bổ nhiệm ông Nguyễn Vịnh đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Khối Công nghệ vào tháng 3 vừa qua.
Ông Nguyễn Vịnh sinh năm 1984, là Cử nhân Công nghệ Thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội; Thạc sỹ MBA Trung tâm Đào tạo về Quản lý Pháp-Việt (CFVG), Đại học Kinh tế Quốc dân. Với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các ngân hàng lớn, ông Vịnh sẽ cùng Khối Công nghệ có các đóng góp hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số, tăng cường giải pháp, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và trải nghiệm khách hàng của NCB.
Ngân hàng NCB cũng đồng thời thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực theo nguyện vọng cá nhân của ông Nguyễn Đình Tuấn.
ĐHĐCĐ mới đây của NCB cũng thông qua mục tiêu năm 2023 tổng tài sản 94.500 tỷ đồng (tăng 5,18%); huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng (tăng 6,34%); riêng cho vay khách hàng dự kiến đạt tới 57.700 tỷ đồng (tăng 20,9%). Đặc biệt, năm nay, mục tiêu lợi nhuận trước trích lập theo Phương án cơ cấu lại được NCB đặt ra khá khiêm tốn so với năm ngoái: chỉ 16 tỷ đồng.
Năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro của NCB đạt 309 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cam kết của NCB với NHNN, NCB đã dùng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, khiến nguồn lợi nhuận còn lại không đáng kể.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của NCB tăng lên gần 90.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt hơn 73.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt hơn 47.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch đã đề ra. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, tỷ lệ thanh khoản của NCB luôn được giám sát chặt chẽ, tuân thủ quy định NHNN.
Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ dự trữ thanh khoản duy trì ở mức 24,09%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn 18,10% - tốt hơn so với yêu cầu của NHNN.
Năm 2023, ngân hàng tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ, đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ có vấn đề nhằm đảm bảo
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 21/4 cổ phiếu NVB đóng cửa ở mức 13.900 đồng/CP, vốn hoá thị trường hơn 7.700 tỷ đồng.
Phúc Lâm