HOSE – 25 năm một hành trình, Chủ tịch VASB Nguyễn Thanh Kỳ: "Khi những cổ phiếu đầu tiên được khớp lệnh, chúng tôi hiểu rằng một cánh cửa lớn đã mở ra cho nền kinh tế"
‘Có một nhà đầu tư nhỏ ở miền Trung từng nói với tôi rằng khoản lợi nhuận từ việc đầu tư vào cổ phiếu REE năm 2001 đã đủ để ông đóng học phí đại học cho con gái. Đó là một câu chuyện tôi không bao giờ quên’, ông Nguyễn Thanh Kỳ nhớ lại.

HOSE – 25 năm một hành trình, Chủ tịch VASB Nguyễn Thanh Kỳ: "Khi những cổ phiếu đầu tiên được khớp lệnh, chúng tôi hiểu rằng một cánh cửa lớn đã mở ra cho nền kinh tế"
‘Có một nhà đầu tư nhỏ ở miền Trung từng nói với tôi rằng khoản lợi nhuận từ việc đầu tư vào cổ phiếu REE năm 2001 đã đủ để ông đóng học phí đại học cho con gái. Đó là một câu chuyện tôi không bao giờ quên’, ông Nguyễn Thanh Kỳ nhớ lại.
Ngày 28/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam khai sinh với chỉ hai cổ phiếu REE và SAM. Từ một phiên giao dịch khiêm tốn với chưa đến 100 triệu đồng giá trị khớp lệnh, đến nay thị trường đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, có vốn hóa vượt 70% GDP.
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Kỳ – nguyên Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Chánh văn phòng UBCK Nhà nước, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) – để nhìn lại chặng đường đã qua và kỳ vọng cho tương lai phía trước.
“Tôi vẫn còn xúc động khi nhớ về phiên giao dịch đầu tiên”
Là người đồng hành từ thời sơ khai của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhìn lại phiên giao dịch ngày 28/7/2000, cảm xúc của ông ra sao?
Tôi vẫn nhớ rõ không khí buổi sáng hôm ấy – hồi hộp, bỡ ngỡ nhưng cũng rất tự hào. Thị trường mới, hành lang pháp lý còn chưa đồng bộ, công nghệ còn thô sơ, chỉ có hai mã cổ phiếu REE và SAM. Nhưng khi những lệnh đầu tiên được khớp, chúng tôi hiểu rằng một cánh cửa lớn vừa mở ra cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu chỉ được nói một câu về hành trình 25 năm này, tôi sẽ gọi đó là “một cuộc trưởng thành đầy kiên trì và bản lĩnh”.
Theo ông, thị trường đã trải qua những giai đoạn phát triển nào đáng ghi nhớ?
Có thể chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu (2000–2005) là bước đi thăm dò, quy mô rất nhỏ, giao dịch giới hạn, nhưng đặt nền móng đầu tiên về pháp lý và tổ chức. Giai đoạn tiếp theo (2006–2008) chứng kiến sự bùng nổ – VN-Index vượt 1.100 điểm, hàng loạt doanh nghiệp lên sàn, nhà đầu tư cá nhân tham gia đông đảo. Đến giai đoạn 2009–2015, thị trường bị tác động mạnh từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng cũng chính trong giai đoạn đó, sự yêu cầu về minh bạch, quản trị và pháp lý giúp thị trường “tái tạo” một cách lành mạnh hơn.
Cuối cùng, từ 2016 đến nay, chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững. Vốn hóa tăng mạnh, phái sinh ra đời, hàng triệu tài khoản cá nhân mới mở, và Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng.
Những bước ngoặt quan trọng đã tạo lực đẩy dài hạn
Theo ông, đâu là những bước ngoặt đã làm thay đổi quỹ đạo thị trường chứng khoán Việt Nam?
Có một số cột mốc tôi cho là then chốt.
Thứ nhất là việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2006 – văn bản pháp lý đầu tiên hoàn chỉnh, tạo khung vận hành rõ ràng. Tiếp theo là giai đoạn khủng hoảng năm 2008 – tưởng như là một cú sốc tiêu cực, nhưng thực ra là phép thử quan trọng, buộc cả nhà quản lý lẫn doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại và phát triển.
Đừng coi chứng khoán là chỗ để “đánh nhanh thắng nhanh”, mà hãy xem đó là một kênh tích lũy tài sản và góp phần xây dựng một nền kinh tế minh bạch, hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch VASB
Thứ ba là sự ra đời của thị trường phái sinh năm 2017 – lần đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam có công cụ phòng ngừa rủi ro, đầu tư chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, không thể không kể đến việc sửa đổi Luật Chứng khoán năm 2019 và việc Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ 2018. Cả hai đều tạo ra lực đẩy cải cách về cơ chế, sản phẩm, công nghệ và tiêu chuẩn quản trị.
Có câu chuyện cá nhân nào trong hành trình ấy khiến ông ghi nhớ sâu sắc?
Có một nhà đầu tư nhỏ ở miền Trung, từng nói với tôi rằng khoản lợi nhuận từ việc đầu tư vào REE năm 2001 đã đủ để ông đóng học phí đại học cho con gái. Đó là một câu chuyện tôi không bao giờ quên. Nó nhắc tôi rằng, thị trường chứng khoán không chỉ là nơi doanh nghiệp huy động vốn hay nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, mà còn là công cụ tạo ra thay đổi thực sự trong đời sống của người dân.
Nền tảng cho tương lai đã được xây dựng kỹ lưỡng
Theo ông, điều gì đã giúp thị trường chứng khoán phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua?
Tôi cho rằng có nhiều yếu tố. Một là nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đều đặn 6–7% mỗi năm, tạo nền cho doanh nghiệp niêm yết phát triển. Hai là cải cách pháp lý liên tục, giúp nâng cao chuẩn mực và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Ba là ứng dụng công nghệ sâu rộng, giúp nhà đầu tư – nhất là thế hệ trẻ – dễ dàng tiếp cận thị trường hơn bao giờ hết. Bốn là sự đa dạng hóa sản phẩm: từ cổ phiếu, trái phiếu đến ETF, phái sinh. Và cuối cùng là dòng tiền cá nhân – hàng triệu tài khoản mới mở từ 2020 đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ về thanh khoản.
Vậy còn vai trò của các công ty chứng khoán và Hiệp hội trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Các công ty chứng khoán như SSI, VNDirect, HSC, VND, VPS... đã đầu tư rất mạnh cho công nghệ, nâng cấp dịch vụ và đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thị trường đến gần nhà đầu tư đại chúng.
Về phần Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, chúng tôi vừa là tổ chức đại diện tiếng nói của các công ty thành viên, vừa là đơn vị kết nối doanh nghiệp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chúng tôi tham mưu chính sách, tổ chức đào tạo, khuyến nghị cải cách hệ thống thanh toán, hỗ trợ các công ty chuẩn bị điều kiện nâng hạng. Ngoài ra, Hiệp hội cũng tham gia phổ cập kiến thức đầu tư cho cộng đồng, để hạn chế đầu cơ và khuyến khích tư duy đầu tư dài hạn.
Trong quá trình tham mưu, đóng góp chính sách, có quyết định nào từng khiến ông trăn trở?
Có, đó là vào giai đoạn thị trường tăng nóng 2006–2007. Lúc ấy, thanh khoản tăng mạnh nhưng rủi ro đầu cơ rất cao. Chúng tôi đề xuất siết lại hoạt động margin để giảm đòn bẩy, nhưng đồng thời cũng lo ngại sẽ khiến thị trường mất động lực. Đó là bài toán rất khó: làm sao vừa kiểm soát rủi ro, vừa không kìm hãm sự phát triển. Đến giờ tôi vẫn xem đó là một trong những quyết định nhiều suy tư nhất.
Việt Nam đang kỳ vọng được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Ông đánh giá thế nào về cột mốc này?
Đây là đích đến lớn sau 25 năm nỗ lực. Nâng hạng không chỉ giúp thu hút hàng tỷ USD từ các quỹ quốc tế, mà còn buộc toàn bộ thị trường phải cải thiện – từ hệ thống hạ tầng, thanh toán đến quản trị doanh nghiệp và quyền lợi cổ đông. Đây sẽ là một bước ngoặt để chúng ta bước vào sân chơi toàn cầu với tư thế tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn.
Ông có thông điệp gì gửi tới nhà đầu tư ở thời điểm đặc biệt này?
Các nhà đầu tư hãy đầu tư bằng tri thức, kỷ luật và niềm tin vào tương lai. Đừng coi chứng khoán là chỗ để “đánh nhanh thắng nhanh”, mà hãy xem đó là một kênh tích lũy tài sản và góp phần xây dựng một nền kinh tế minh bạch, hiệu quả. Thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, và chính các bạn sẽ là người định hình nó trong giai đoạn tới.
Xin cám ơn ông!
Cao Thái