Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội: Vì sao vẫn chậm giải ngân?

Dù đã có nhiều chính sách ưu đãi và nguồn vốn hỗ trợ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải ngân. Bộ Xây dựng đã chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, tâm lý chờ đợi các quy định mới và sự chậm trễ trong triển khai khiến nguồn vốn này chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Jan 11, 2025 - 20:01
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội: Vì sao vẫn chậm giải ngân?

Bộ Xây dựng vừa trả lời kiến nghị của cử tri Khánh Hòa về chính sách phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân, người lao động với mức giá hợp lý để tạo điều kiện cho công nhân lao động thuê hoặc mua nhằm ổn định cuộc sống.

Theo Bộ Xây dựng, các quy định pháp lý mới, bao gồm Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100/2024 của Chính phủ đã được ban hành nhằm tạo động lực cho việc phát triển NOXH.

Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 và Nghị định 100/2024 đã đưa ra nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NOXH. Các ưu đãi bao gồm miễn tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng. Ngoài ra, các chủ đầu tư được quyền vay vốn với lãi suất ưu đãi và được hỗ trợ đấu nối hạ tầng kỹ thuật từ UBND cấp tỉnh.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà NOXH vẫn chậm được giải ngân
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà NOXH vẫn chậm được giải ngân

Bên cạnh đó, giá bán, giá thuê mua và giá thuê NOXH được quy định rõ ràng, đảm bảo không tính các ưu đãi vào giá nhà nhằm phù hợp với khả năng chi trả của người dân đô thị. Bộ Xây dựng cũng khẳng định các chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng nguồn cung NOXH, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, được thiết lập theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, đang gặp khó khăn trong việc giải ngân. Theo thống kê, chỉ có 16 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, nhưng dư nợ thực tế chỉ đạt 1.727 tỷ đồng. Đối với người mua nhà, số tiền giải ngân hiện nay mới chỉ đạt 150 tỷ đồng, áp dụng cho 12 dự án trên cả nước.

Theo Bộ Xây dựng, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng là do các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý trong việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại, chờ đợi các quy định pháp luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với các quy định thông thoáng hơn có hiệu lực thi hành mới triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.

Ngân hàng duy nhất nhận giải Báo cáo phát triển bền vững tại Hội nghị Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã nhận giải Báo cáo phát triển bền vững (PTBV) trong cuộc bình chọn Doanh nghiệp Niêm ...

Chủ tịch Hoàng Quân gợi ý 3 việc cần làm để mua nhà ở xã hội giá 1 tỷ đồng

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân chia sẻ ba việc cần làm để sở hữu nhà ở xã hội giá 1 ...

Triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 9 ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ...

Sơn Tùng