Đại biểu Phạm Văn Hòa: Phải tăng mức xử phạt đối với người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm vi phạm và trao quyền linh hoạt cho Chính phủ để quản lý hiệu quả thị trường quảng cáo đang biến động.

May 10, 2025 - 14:28
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Phải tăng mức xử phạt đối với người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai
Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo mới: Gọi tên trách nhiệm người có ảnh hưởng Gỡ bỏ rào cản hợp quy, truy cứu trách nhiệm công bố tiêu chuẩn sai lệch Đại biểu Nguyễn Duy Thanh: Công bố hợp quy tạo gánh nặng cho người tiêu dùng

Phải quy rõ trách nhiệm

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo ngày 10/5 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã thẳng thắn góp ý, bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về thực trạng quảng cáo bẩn, quảng cáo phản cảm. Đồng thời, đề xuất những giải pháp điều chỉnh pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đã bày tỏ sự đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan quản lý, từ Bộ chuyên ngành đến Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của các chủ thể quảng cáo.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, hiện nay một số cá nhân, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến xã hội, được thuê để thực hiện quảng cáo nhưng lại không rõ hoặc không quan tâm đến nội dung quảng cáo mà mình truyền tải. Khi nội dung đã xuất hiện trên truyền hình hoặc các nền tảng báo chí, dư luận mới phát hiện nội dung phản cảm, không đúng sự thật. Ông đặt vấn đề: “Anh muốn lên quảng cáo, anh muốn nói gì thì nói mà không thông qua chủ thể của quảng cáo là không đúng”. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ thể quảng cáo, tránh tình trạng buông lỏng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tăng chế tài, yêu cầu người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm liên đới

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quyền và nghĩa vụ của người truyền tải quảng cáo là một nội dung vô cùng quan trọng. Người thực hiện quảng cáo phải đảm bảo nội dung đúng sự thật, rõ ràng, trung thực, có căn cứ. Nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng dẫn chứng việc sử dụng hình ảnh phản cảm trong quảng cáo gây khó chịu và tổn thương nhận thức xã hội, đặc biệt với giới trẻ. “Phải tăng mức xử phạt hành chính đối với người quảng cáo sai, nhất là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến xã hội vì người dân rất tin tưởng họ”, ông nói.

Về quảng cáo trên báo chí, ông đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến đại biểu về việc quy định khung thời gian, không gian, vị trí đặt quảng cáo trên báo in. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, điều chỉnh mới đã tạo điều kiện để báo in phát triển hài hòa giữa chức năng tuyên truyền và hoạt động quảng cáo, đồng thời thống nhất với các loại hình báo nói, báo hình.

Luật phải đủ linh hoạt để kiểm soát quảng cáo trực tuyến

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) nhìn nhận, môi trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển quá nhanh, tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng nảy sinh hàng loạt bất cập.

Đại biểu Trình Lam Sinh chỉ rõ, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo độc hại, sử dụng dữ liệu người dùng không minh bạch, gây hiểu lầm... đang ngày càng phổ biến, trong khi khung pháp lý chưa đủ mạnh và linh hoạt để kiểm soát kịp thời. Bản thân ông cũng rất khó chịu khi bị quảng cáo trực tuyến xen ngang khi đang làm việc hoặc theo dõi tin tức.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang)
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang). Ảnh: VPQH

Về quy định cụ thể tại dự thảo luật, ông Sinh cho rằng có điểm chưa hợp lý. Cụ thể, tại khoản 8 Điều 1, tức điểm b khoản 2 Điều 15a, dự thảo quy định người truyền tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp tài liệu khi có yêu cầu từ cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo ông, đây là trách nhiệm chính của người quảng cáo, không phải của đơn vị truyền tải. Việc quy trách nhiệm chưa rõ ràng như vậy có thể dẫn đến việc né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giao Chính phủ quản lý chi tiết

Tại khoản 10 Điều 1 của dự thảo, liên quan đến quy định về việc sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo, ông Sinh cho rằng cần có quy định chi tiết hơn để đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hiện nay, nhiều quảng cáo sử dụng từ ngữ nhạy cảm, thậm chí lệch chuẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, nhất là giới trẻ.

Từ thực tiễn đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất nên giao Chính phủ hoặc các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định chi tiết về các từ ngữ không được sử dụng trong quảng cáo. Cách làm này vừa linh hoạt trong điều chỉnh, vừa tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan cấp phép, thẩm định nội dung quảng cáo.

Tương tự, đại biểu Trình Lam Sinh cũng đề nghị tại khoản 14 Điều 1 (liên quan đến thời lượng quảng cáo) nên giao quyền cho Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu để quy định chi tiết thay vì đưa cứng vào luật. Lý do là vì thị trường quảng cáo thay đổi rất nhanh, nếu luật quy định quá cứng sẽ không bắt kịp thực tế và khó điều chỉnh.

Kết thúc phần phát biểu, ông Sinh khẳng định: “Thị trường quảng cáo rất đa dạng và sáng tạo, đổi mới liên tục. Nếu quy định quá chi tiết trong luật sẽ gặp khó khăn trong quản lý, điều chỉnh hay xử lý. Luật phải mở để kịp thời cập nhật và thích ứng”.

Theo đánh giá của các đại biểu, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo phản cảm và lạm dụng hình ảnh người nổi tiếng đang gây hậu quả nghiêm trọng tới nhận thức xã hội. Việc thiếu kiểm duyệt chặt chẽ trong hoạt động quảng cáo trực tuyến đã để lọt nhiều nội dung độc hại, xuyên tạc, gây hiểu nhầm. Bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới và trao quyền linh hoạt cho Chính phủ là điều kiện tiên quyết để thị trường quảng cáo phát triển lành mạnh.

Hoàng Nhưỡng