Bộ Công Thương kiểm tra đảm bảo hàng hoá phục vụ Tết tại Hà Nội và TP HCM

Tại các địa phương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng đã được triển khai từ rất sớm

Feb 12, 2024 - 07:30
Bộ Công Thương kiểm tra đảm bảo hàng hoá phục vụ Tết tại Hà Nội và TP HCM

Bộ Công Thương vừa cho biết, trong các ngày 5 và 6/2, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa và các hoạt động triển khai phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM.

Bộ Công Thương kiểm tra đảm bảo hàng hoá phục vụ Tết tại Hà Nội và TP HCM
Thứ trưởng Phan Thị Thắng (thứ hai từ trái qua, hàng trên) kiểm tra công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Hà Nội

Tại Hà Nội ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại Siêu thị Co.op Mart Hà Đông và Siêu thị Aeon Mall Hà Đông.

Tại Hà Nội, tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 32 đơn vị, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỉ đồng (tăng 10% so với thực hiện Tết 2023).

Ngày 6/2, tại TP HCM, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại Siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt và Chợ Bến Thành. Năm nay TP HCM thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.

Chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán

Bộ Công Thương cho biết thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa.

Đồng thời, triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Theo báo cáo của các địa phương (đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2024), công tác chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.

Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu...

Theo Bộ Công Thương, phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình. Một số địa phương như: Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Tại các địa phương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng đã được triển khai từ rất sớm. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tình hình hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động bất thường.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo triển khai cơ chế, chính sách đặc thù với TPHCM

Sáng 3/2, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí ...

Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 135/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền ...

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang hoàn tất lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số ...

PV