VietinBank ráo riết rao bán hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản

Gần đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, trong đó có nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng giao dịch vẫn chưa thành công.

Mar 27, 2024 - 16:14
VietinBank ráo riết rao bán hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản

Cụ thể, VietinBank chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 12 khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tạm tính đến ngày 12/3/2024, dư nợ của khoản nợ tạm tính hơn 583 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn hơn 256 tỷ đồng.

VietinBank ráo riết rao bán hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản để thu hồi nợ xấu
Ảnh: Internet

Trong lần đấu giá này, giá khởi điểm của khoản nợ giảm còn hơn 92 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 1/2024 và giảm hơn 230 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 7/2023. Đáng chú ý, khoản nợ này đã được ngân hàng rao bán từ năm 2022.

Toàn bộ dư nợ của Descon tại ngân hàng này được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018.

Trong đó là toàn bộ là quyền đòi nợ hình thành từ hợp đồng thi công công trình được ký giữa Descon và các doanh nghiệp. Đơn cử như Hợp đồng thi công ngày 20/3/2015 với Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Công trình Nghi Sơn), Hợp đồng thi công ngày 28/8/2017 với Công ty TNHH Biển Ngọc - Hồ Tràm (Công trình Hamptons 1), Hợp đồng thi công với Công ty CP Sài Gòn Cam Ranh (Công trình Melia Cam Ranh), Hợp đồng thi với Công ty CP Milton (Công trình Pullman), Hợp đồng thi công với Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường (Công trình Alma),…

Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với Công ty CP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Trước đó, VietinBank đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với Descon. Tòa án nhân dân TP HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, tuyên buộc Descon phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho VietinBank.

Trong khi đó, VietinBank chi nhánh Thành An vừa có thông báo bán đấu giá (lần 3) khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, tổng dư nợ tính đến hết ngày 16/1/2024 là 646,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 496 tỷ đồng, nợ lãi hơn 160 tỷ đồng (lãi trong hạn hơn 155 tỷ đồng, lãi phạt hơn 5 tỷ đồng).

Khoản vay được thế chấp bằng 11 tải sản bảo đảm liên quan đến dự án nói trên. Cụ thể, tài sản thứ nhất là quyền sử dụng 5.965,5 m2 đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất (các căn hộ và toàn bộ diện tích các căn penhouse) tại Khu A, ô số 8, Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.

Tài sản thứ hai là toàn bộ bất động sản hình thành thuộc Khu A, bao gồm nhưng không giới hạn, như các máy móc, trang thiết bị, nội thất, công cụ dụng cụ, phương tiện vận tải và các động sản khác.

Các tài sản bảo đảm còn lại là quyền tài sản của Công ty Bến Du Thuyền phát sinh từ 291 hợp đồng mua bán căn hộ ký giữa Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền và người mua căn hộ. Tài sản này được Công ty thế chấp tại VietinBank Thành An từ năm 2018.

Tài sản bảo đảm và khoản nợ nói trên được ngân hàng này rao bán với giá khởi điểm hơn 628 tỷ đồng, giảm 70 tỷ đồng so với lần sao bán cách đây một tháng.

Trước đó vào năm 2018, VietinBank Thành An đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn 750 tỷ đồng cho Marina Hotel. Tháng 8/2022, nhà băng này rao bán khoản nợ có tài sản bảo đảm là Khu A thuộc dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia để xử lý thu hồi nợ, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

Thời gian gần đây, với việc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, để xử lý nợ xấu, các nhà băng đã liên tục công bố danh sách ngày càng nhiều bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cần xử lý để thu hồi nợ với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết: Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng vẫn khó thanh khoản.

TS. Nguyễn Văn Đính cho biết: “Mua bất động sản phát mãi có thể là cơ hội để sở hữu món hời, đồng thời cũng đầy rủi ro”.

Theo ông Đính, những rủi ro tiềm ẩn, người mua cần cẩn trọng, lưu ý: Thứ nhất, định giá lại BĐS, do nhiều tài sản bảo đảm được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Trong khi, giá trị phát mãi thường có xu hướng định giá theo khoản nợ và khoản lãi phát sinh mà không sát với thực tế thị trường.

Thứ hai, người mua cần nắm được lý do bị phát mãi, tránh trường hợp có tranh chấp với bên thứ ba; Thứ ba, người mua cần lên phương án tài chính, tính toán chi phí lãi vay và vốn đầu tư bỏ ra để tránh “ham rẻ” vô tình lại dính vào vòng xoáy “nợ nần”.

Không còn mức lãi suất 5%/năm tại nhóm big4

Sau lần điều chỉnh lãi suất tại Vietinbank. Hiện, trong nhóm các ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, BIDV và vietinBank) không còn xuất hiện ...

Nhiều ngân hàng lớn giảm thêm lãi suất tiền gửi

Lãi suất ngân hàng vẫn còn dư địa giảm thêm do cầu tín dụng phục hồi nhưng khó có đột biến vì khó khăn tồn ...

Doanh nghiệp xi măng ở Quảng Trị chia cổ tức, Vietinbank sắp bỏ túi 2,3 tỷ đồng

Công ty CP Minh Hưng Quảng Trị (HOSE: GMH) vừa chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2023 và tham dự ĐHCĐ 2024. Đáng chú ...

Thiên Ân