Việt Nam đi ngược với xu hướng tăng trưởng kinh tế yếu ở châu Á

Triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi ngược với xu hướng suy thoái ở những quốc gia khác tại châu Á. Lạm phát cũng ở mức tương đối thấp và đây cũng là một ngoại lệ đối với xu hướng chung trong khu vực.

Sep 13, 2022 - 06:50
Việt Nam đi ngược với xu hướng tăng trưởng kinh tế yếu ở châu Á
 

Đây là những nhận xét đáng chú ý của Trưởng phái đoàn tại Việt Nam và đồng thời là trợ lý Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng cộng sự đưa ra mới đây.

Theo đó, đại diện IMF đánh giá, nửa đầu năm nay, Việt Nam chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau khi triển khai một đợt tiêm chủng hiệu quả và cả nước áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19. Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, cũng giúp sản lượng sản xuất trong nước tăng mạnh mẽ, đồng thời hoạt động bán lẻ và du lịch cũng được phục hồi.

Dựa vào những yếu tố trên, gần đây, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo 3 tháng trước đó. Đây là lần điều chỉnh chỉ số tăng trưởng đáng chú ý và duy nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt ở châu Á. IMF đã hạ dự báo cho năm tới 0,5 điểm phần trăm xuống 6,7%, nhưng mức này vẫn lạc quan hơn so với mức tăng trưởng mờ nhạt ở các quốc gia khác, và Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á. Ngược với dự báo đối với Việt Nam, theo báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF ước tính tăng trưởng kinh tế châu Á nói chung giảm xuống mức 4,2% trong năm nay và ở mức 4,6% vào năm sau.

Thay đổi về dự báo tăng trưởng của các quốc gia châu Á (Khác biệt về dự báo giữa tháng 4 và tháng 7, điểm phần trăm). Nguồn: Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu và tính toán của chuyên gia IMF

Áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu đến từ giá một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Còn người tiêu dùng phần lớn không bị ảnh hưởng từ việc giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu nhờ nguồn cung trong nước dồi dào; giá thịt gia súc, gia cầm giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Bên cạnh đó, giá các dịch vụ y tế và giáo dục cũng chỉ tăng ở mức rất nhẹ.

Giá tiêu dùng tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm tăng tuy nhiên vẫn thấp hơn mục tiêu 4% trong cả năm của Ngân hàng Nhà nước. Sự phục hồi chậm của nền kinh tế vào năm ngoái đã giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp, giúp chi phí lương thực và năng lượng biến động thấp hơn so với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên khi hoạt động kinh tế phục hồi. Chi phí vận chuyển và chi phí các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi cao hơn cũng có thể làm tăng giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, gây thêm áp lực lạm phát.

Tăng trưởng kinh tế và xu hướng di chuyển của cộng đồng (Tăng trưởng GDP hàng quý so với cùng kỳ năm trước được hiệu chỉnh theo mùa vụ; chỉ số di chuyển theo tỷ lệ phần trăm thay đổi so với dữ liệu chuẩn, trung bình động 7 ngày trong lĩnh vực bán lẻ, giao thông và làm việc). Nguồn: Báo cáo xu hướng di chuyển của cộng đồng trong đại dịch COVID-19 của Google, các cơ quan chức năng của Việt Nam và tính toán của chuyên gia, IMF

Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc từ mức 6,1% vào năm ngoái. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm sau trong bối cảnh tác động của xung đột Nga - Ukraine cũng như sự suy thoái ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn. Sự suy giảm này khiến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm, đặc biệt là nhu cầu từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, các điều kiện tài chính đang bị thắt chặt khi Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác tăng lãi suất nhiều đợt nhằm kiềm chế lạm phát. Nhưng điều này lại làm tăng chi phí tài chính và có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra như đã thấy ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực.

Cuối cùng, sự bất ổn gia tăng trong thương mại toàn cầu và các thị trường tài chính có thể cản trở sự phục hồi, đặc biệt là một số ngành có thể mất khả năng tiếp cận với hàng hóa trung gian cần thiết do chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn. Điều này có thể làm hạn chế đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm tăng trưởng sản xuất và công nghệ giảm tốc. Tất cả những yếu tố này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và thực hiện những thay đổi kịp thời. Theo đó, chính sách tài khóa cần đi đầu trong việc hỗ trợ phục hồi, nhưng cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các điều kiện kinh tế đang phát triển. Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vào các rủi ro lạm phát gia tăng, đồng thời truyền tải thông điệp sẵn sàng hành động khi cần thiết trong khi vẫn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát. Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức và cần phải có những cải cách kinh tế sâu rộng để đạt được các mục tiêu phát triển.

Ví dụ, tiềm năng tăng trưởng kinh tế bị suy giảm do chênh lệch hiệu suất giữa các doanh nghiệp có năng suất cao nhờ nguồn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp khác kém năng suất hơn. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn gặp nhiều rào cản, gánh nặng từ các quy định, thủ tục hành chính rườm rà, quản trị doanh nghiệp yếu kém, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và khoảng cách kết nối kỹ thuật số.

Thị trường lao động sẽ được hưởng lợi nếu giảm thiểu được những khoảng cách ảnh hưởng tới việc người lao động thiếu các kỹ năng phù hợp với công việc, các lao động ở khu vực chính thức cũng cần được khuyến khích nâng cao kỹ năng và giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần thực hiện hiệu quả hơn và mở rộng độ phủ mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài ra, các rủi ro liên quan đến khí hậu có thể được giải quyết thông qua các hành động chính sách cụ thể như đầu tư vào các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và hoàn thành mục tiêu của các chương trình nghị sự về môi trường.

Giải quyết những thách thức này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát huy tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tiến lên trên con đường phát triển bền vững để hướng tới vị thế thu nhập cao hơn. Điều quan trọng là, chiến lược phát triển và chương trình cải cách cần thực hiện một cách quyết đoán nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, bao trùm và toàn diện.

Minh Ngọc