Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024: Triển vọng tích cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy biến động, tuy nhiên, vẫn kết thúc với những dấu hiệu tích cực. Năm 2024 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm đầy triển vọng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ.

Mar 26, 2024 - 18:41
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024: Triển vọng tích cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy biến động, tuy nhiên, vẫn kết thúc với những dấu hiệu tích cực. Năm 2024 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm đầy triển vọng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ.

1. Năm 2023 là năm vượt khó của thị trường chứng khoán và triển vọng tăng trưởng hứa hẹn năm 2024

Trong một năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới cùng với những ảnh hưởng địa chính trị, Việt Nam đã thể hiện sự ổn định, duy trì mức tăng trưởng GDP ấn tượng ở mức 5,05%. Trong đó, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đến hết năm 2023 đạt hơn 240 tỉ USD, tương đương 56,4% GDP, riêng sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) là 186 tỉ USD. Quan trọng hơn là những giải pháp quyết liệt từ các cơ quan quản lí nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực, không để ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí các nhà đầu tư.



Ảnh minh họa, nguồn ảnh: Internet


 
Theo dữ liệu của HOSE, trong 12 tháng của năm 2023, khối ngoại đã bán ròng hơn 985,8 triệu cổ phiếu, tương ứng rút ròng 24.830,9 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD). Trước đó, trong năm 2022, khối ngoại đã mua ròng 26.674 tỉ đồng trên sàn HOSE. Như vậy, sau khi mua ròng mạnh trong năm 2022, khối ngoại đã đẩy mạnh bán ròng trong năm 2023.

Ba tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán cũng đã có những khởi đầu tích cực khi kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.267,9 điểm, với giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HOSE đạt 27,2 nghìn tỉ đồng. 

Trong năm 2024, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6 - 6,5% và lạm phát kiểm soát trong ngưỡng 4 - 4,5%. Những động lực cho nền kinh tế trong nước như kế hoạch thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, cắt giảm thuế, tăng lương ở cả khu vực công và tư nhân. Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua một số dự án luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở… sẽ tạo ra cơ sở pháp lí ổn định, làm nền cho đà tăng trưởng của giai đoạn mới.

Cùng với động lực trong nước, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một mắt xích quan trọng trong việc duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu, vai trò của các ngành sản xuất tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khẳng định. Thêm vào đó, việc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cam kết tăng trưởng xanh và bền vững, nỗ lực đưa phát thải ròng bằng 0, xu hướng điện khí hóa, hay ngành công nghiệp bán dẫn… đưa Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Ngân hàng MUFG đánh giá cao Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 với mục tiêu: "Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với thị trường chứng khoán các nước phát triển". Đồng thời, Ngân hàng MUFG cho rằng, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025 theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế là rất khả thi. Hiện tại, Việt Nam đã đạt được 7/9 tiêu chí bắt buộc để nâng hạng thị trường. Việt Nam phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán trước cuối năm 2025, từ đó hướng tới mục tiêu giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 100% GDP trước năm 2025 và 120% GDP trước năm 2030.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút thêm 25 tỉ USD từ nhà đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sau khi thị trường được nâng hạng. Đối với nền kinh tế, sự phát triển của thị trường tài chính góp phần giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng ngân hàng, do đó giảm thiểu rủi ro tín dụng tiềm ẩn. Ngoài ra, khi nâng hạng thành công thị trường chứng khoán, vai trò và cơ hội kinh doanh đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được mở rộng ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được hưởng lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan đến phát hành, đầu tư trực tiếp, phân phối và phát hành bảo lãnh cũng như những sản phẩm như kinh doanh trái phiếu, phái sinh, cho vay, tiền gửi, lưu kí chứng khoán, ngoại hối... Do vậy, năm 2024 sẽ là năm bản lề cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trung và dài hạn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút dòng vốn quỹ ngoại một cách bền vững hơn.

2. Vai trò quan trọng của các cơ quan quản lí trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế nói chung và mục tiêu phát triển thị trường tài chính nói riêng

Trải qua hơn 25 năm phát triển, với những kết quả đạt được, thị trường chứng khoán đã dần khẳng định được vai trò của mình trong hệ thống tài chính Việt Nam. Sản phẩm mới đưa vào giao dịch góp phần tạo nên sự đa dạng cho nhà đầu tư. Giá trị vốn hóa thị trường không ngừng được cải thiện, quy mô số lượng công ty niêm yết cũng tăng lên. Để đảm bảo mục tiêu duy trì sự ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán, Ngân hàng MUFG đánh giá cao vai trò của các cơ quan quản lí đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Điểm đáng chú ý trong đó là quyết định của Bộ Tài chính về việc đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đầu tiên của Việt Nam vào ngày 19/7/2023; Thông tư số 69/2023/TT-BTC ngày 15/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. Sự ra đời của hệ thống TPDN riêng lẻ cũng như ban hành Thông tư số 69/2023/TT-BTC được kì vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lí, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp, đồng thời, tăng cường quản lí đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. “Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính" tại Tokyo được tổ chức ngày 12/3/2024 do Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì đã cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra kênh đối thoại giúp nhà đầu tư Nhật Bản có thể hiểu hơn về thị trường tài chính tại Việt Nam. Từ đó, tạo động lực thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.   

Cùng với đó, trong năm 2023, NHNN đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng và neo ở mức cao. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN là động lực lớn nhất dẫn dắt các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, cũng như giúp thị trường chứng khoán phục hồi đáng kể trong năm 2023. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ ban hành gần đây như: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN.

Đây là những yếu tố quan trọng trong điều tiết về thanh khoản, giúp bảo vệ sự ổn định của thị trường chứng khoán. Cùng với đó, các biện pháp giám sát chặt chẽ cũng đã giúp ngăn chặn các rủi ro và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường. Đối với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối năm 2025, sự tham gia quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lí, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… trong việc sớm ban hành những quy định để hoàn thiện 2 tiêu chí còn lại trong số 9 tiêu chí sẽ quyết định thành công của việc nâng hạng thị trường tài chính đúng thời hạn mà Chính phủ Việt Nam đề ra. 

3. Một số đề xuất, khuyến nghị

Thứ nhất, tăng cường quản lí và giám sát: Đẩy nhanh quá trình rà soát sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Đồng thời, bằng cách tăng cường giám sát, kiểm soát và áp dụng các biện pháp chống gian lận và giao dịch thông tin nội bộ, Chính phủ có thể tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch, công bằng và an toàn hơn cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư nước ngoài: Chính phủ có thể thúc đẩy việc đầu tư từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán bằng cách cung cấp những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng cách này, thị trường chứng khoán có thể hấp dẫn được nhiều vốn đầu tư mới, từ đó, tăng cường thanh khoản và sự phát triển của thị trường.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển bền vững: Chính phủ cần đảm bảo rằng sự phát triển của thị trường chứng khoán là bền vững và mang lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, giảm thiểu rủi ro và tăng cường trách nhiệm xã hội của các công ty cũng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn nhằm đa dạng hóa các ngành nghề niêm yết; tăng tỉ lệ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức để giúp thị trường ổn định hơn.

Thứ tư, tiếp tục nâng cấp hệ thống thông tin: Xây dựng và hình thành hạ tầng công nghệ hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật, làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng cốt lõi trong toàn ngành. Đầu tư vào cải thiện hạ tầng và quy trình giao dịch là một yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu suất và tính linh hoạt của thị trường. Việc áp dụng công nghệ mới, cải thiện hệ thống thanh toán và giao dịch sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

Nhìn chung, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 là tích cực, các nhà đầu tư cần nhìn nhận và tận dụng cơ hội từ sự phát triển này để đạt được lợi ích cao nhất.

Ngân hàng MUFG