Tạo lập nguồn vốn qua kênh tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An

Tỉnh Long An là địa phương có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ đi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên của tỉnh Long An cũng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp.

Apr 19, 2024 - 14:42
Tạo lập nguồn vốn qua kênh tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An
Tóm tắt: Tỉnh Long An là địa phương có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ đi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên của tỉnh Long An cũng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh Long An đã có một số chính sách và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế và hằng năm đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung của cả nước cũng như bình quân chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng tạo lập nguồn vốn qua kênh tín dụng ngân hàng - nguồn vốn đóng vai trò chủ lực cho đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Từ khóa: Tạo lập nguồn vốn, kênh tín dụng ngân hàng, tỉnh Long An

 
ESTABLISHING CAPITAL THROUGH BANK CREDIT CHANNELS
CONTRIBUTING TO THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF LONG AN PROVINCE

 
Abstract: Long An province is a strategically located region, belongs to the key economic zone in the South, bordering Ho Chi Minh City and considered as a gateway to the provinces of the Mekong Delta. Additionally, its natural conditions are favorable for the development of agriculture and industry. In recent years, Long An province has implemented various policies and measures to leverage its potential and advantages, resulting in economic growth rates significantly higher than the national average and the average of the key economic region in the South. This article focuses on clarifing the current situation of capital creation through bank credit channels which plays a vital role in local economic development investment.

Keywords: Capital establish, bank credit channel, Long An province.  


1.Đặt vấn đề
 
Hiện nay, trên cả nước nói chung cũng như tỉnh Long An nói riêng, vốn đầu tư công được giới hạn bởi cân đối thu chi ngân sách hằng năm và được thực hiện theo Luật Đầu tư công. Vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hộ kinh doanh hầu hết là vay các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả vay các ngân hàng nước ngoài và vay các ngân hàng trong nước nhưng đầu tư tại Long An. Hoạt động ngân hàng trong những năm gần đây tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như tại tỉnh Long An có sự cạnh tranh sôi động, từ hoạt động huy động vốn tại chỗ đến hoạt động thu hút vốn điều chuyển trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) về đầu tư tại Long An. Theo Cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Long An, vốn tín dụng ngân hàng chính là nguồn vốn đầu tư lớn nhất phục vụ cho phát triển kinh tế hằng năm tại địa phương.

2. Tổng quan phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư của tỉnh Long An

Trong những năm gần đây, tỉnh Long An đều đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, thu hút vốn đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Long An (GRDP) đạt 5,77%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn ở mức khá so với cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 96,42 triệu đồng (tăng 6,28 triệu đồng so với năm 2022); thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.159 tỉ đồng, đạt 100% dự toán tỉnh giao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp (khu vực II) khá cao, đạt 14,2% (kế hoạch là 13%). Bước đầu, tỉnh Long An đã hình thành những vùng chuyên canh như: Vùng lúa chất lượng cao 40.000 ha ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng thanh long 6.000 ha ở huyện Châu Thành, vùng rau 2.000 ha ở huyện Cần Giuộc… Đáng chú ý là phát triển công nghiệp của tỉnh Long An đạt kết quả khá nổi bật, chỉ số phát triển công nghiệp (IPP) năm 2023 tăng 19,6% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 196.600 tỉ đồng, tăng 16,75% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh Long An hiện nay có 16 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp đang hoạt động. Việc thực hiện hai chương trình đột phá (Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp) và 03 công trình trọng điểm (đường tỉnh 830; đường vành đai thành phố Tân An; trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối tỉnh Tiền Giang - Long An - Thành phố Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ  X cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả là, kinh tế tỉnh tăng trưởng khá cao và tương đối đồng đều cả 03 khu vực, đạt mức cao nhất trong các năm từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần X đến nay; trong đó, khu vực I tăng 5,76%, khu vực II tăng 16,78% và khu vực III tăng 8,78%.

Năm 2024, tỉnh Long An phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP từ 8,0 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 105-110 triệu đồng; tỉ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân đạt 31 - 33%; thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với năm 2023, đồng thời tỉnh sẽ có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%…

Đến nay, các khu công nghiệp tại tỉnh Long An thu hút 1.457 dự án (667 dự án FDI và 790 dự án đầu tư trực tiếp trong nước - DDI) với tổng vốn đầu tư (đầu tư mới và tăng vốn) đạt 3.906 triệu USD và 76.987 tỉ đồng. Năm 2023, diện tích lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt 78,63%. Các khu công nghiệp có 885 dự án/doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 388 doanh nghiệp/dự án với tổng số vốn đầu tư thực hiện lũy kế 22.867 tỉ đồng. Ngoài ra, có 38 dự án xây dựng kho chứa hàng, 53 dự án cho thuê nhà xưởng đang hoạt động. Doanh nghiệp đầu tư tập trung các lĩnh vực: May mặc, da giày, dệt nhuộm, nhựa,... Về địa bàn đầu tư, doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa.

Về thu hút vốn FDI, Long An là địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 12 của cả nước. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 667 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 7,1 tỉ USD. Thực hiện thu hút vốn FDI cũng có tác động thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và vốn tín dụng ngân hàng nhằm đầu tư cho các dự án vệ tinh, dự án thuộc chuỗi liên kết, dự án thi công công trình cũng như thúc đẩy việc tạo vốn qua kênh tín dụng ngân hàng tại tỉnh Long An phát triển thuận lợi, đặc biệt là thu hút tiền gửi của doanh nghiệp, tiền gửi thanh toán của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI.

3. Hoạt động tạo lập nguồn vốn qua kênh tín dụng ngân hàng đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh Long An

Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, khá nhiều TCTD đã mở chi nhánh và phòng giao dịch tại tỉnh Long An. Tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Long An có đa dạng các loại hình TCTD, bao gồm 01 Hội sở chính NHTM, 33 chi nhánh cấp I của NHTM, 19 quỹ tín dụng nhân dân, 04 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 187 điểm giao dịch ngân hàng. Về dịch vụ ngân hàng, có 262 ATM đang hoạt động, 470 máy POS phục vụ nhu cầu thanh toán giá trị mua hàng hóa cho khách hàng. Về cạnh tạo lập nguồn vốn của các TCTD, tính đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn tỉnh Long An đạt 92.790 tỉ đồng, tăng 25,9% so với năm trước; trong đó, vốn huy động đạt 67.175 tỉ đồng, tăng 25,5% so với năm trước, cao hơn rất nhiều so với mức tăng chung của hệ thống TCTD trong cả nước, cho vay bằng VND chiếm tỉ trọng 97,6%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 2,4%. Ngoài ra, các TCTD cạnh tranh thông qua việc đa dạng hóa đối tượng khách hàng, đa dạng hóa phương thức huy động, linh hoạt lãi suất và đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng.

Với mạng lưới TCTD đông đảo, có sự cạnh tranh mạnh mẽ, việc mở rộng cho vay các dự án phát triển kinh tế tại tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, các TCTD trên địa bàn tỉnh Long An có quy mô tổng dư nợ cho vay đạt 63.532 tỉ đồng, tăng 22,07% so với năm trước. Về cơ cấu dư nợ cho vay chia theo loại hình: Cho vay doanh nghiệp chiếm tỉ trọng 65%, cho vay cá nhân và đối tượng khác chiếm tỉ trọng 35%. Về thị phần cạnh tranh giữa các khối TCTD trong tổng dư nợ cho vay: Các NHTM Nhà nước cho vay chiếm tỉ trọng 66% dư nợ toàn địa bàn, tăng 18,67% so với đầu năm; các NHTM cổ phần và Quỹ tín dụng nhân dân cho vay chiếm 35% dư nợ cho vay toàn địa bàn, tăng 19,67% so với đầu năm 2023. Các TCTD trên địa bàn tỉnh Long An đã chủ động mở rộng vốn cho vay ưu đãi lãi suất với các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình kinh tế của địa phương, tính đến cuối năm 2023 quy mô dư nợ đạt 27.763 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 43,7% dư nợ cho vay toàn địa bàn tỉnh Long An trong năm 2023 (Bảng 01).

 
Bảng 1: Cơ cấu dư nợ theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình kinh tế của địa phương
năm 2022 và 2023

Nguồn: NHNN Chi nhánh tỉnh Long An
 
Kết quả cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ đối với các chương trình kinh tế của địa phương đến cuối năm 2023 có số liệu thống kê cụ thể như sau: Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 17.037 tỉ đồng, tăng 35,45% so với cùng kỳ năm 2022; cho vay xuất khẩu đạt 2.935 tỉ đồng, tăng 6,64%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.736 tỉ đồng, tăng 5,65%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 2.673 tỉ đồng, tăng 5,31%; cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 1.382 tỉ đồng, tăng 5,65%. Cho vay các chương trình tín dụng chính sách, sản phẩm chủ lực của vùng nông nghiệp, nông thôn: Gồm lúa gạo, thủy sản, trái cây, cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, cho vay theo chương trình nông thôn mới tính đến ngày 31/12/2023 có dư nợ đạt 314.988 tỉ đồng tăng 26,59% so với cùng kỳ năm 2022.
 



Nguồn vốn tín dụng hỗ trợ tích cực trong việc phát triển ngành nông nghiệp tại tỉnh Long An ( Nguồn ảnh: Internet)

4. Đánh giá thực trạng tạo lập nguồn vốn qua kênh tín dụng ngân hàng đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh Long An

4.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, hệ thống TCTD trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng loại hình, các TCTD có sự cạnh tranh mạnh trong việc huy động vốn và đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và NHNN Chi nhánh tỉnh Long An đã tạo nền tảng vững chắc cho các TCTD trên địa bàn xây dựng kế hoạch kinh doanh, từ đó tạo lập được nguồn vốn đầu tư hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thứ hai, các TCTD trên địa bàn luôn quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của ngành Ngân hàng, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Long An trong đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Tuân thủ các quy định, quy trình trong hoạt động và cơ bản đạt được các chỉ tiêu của Hội sở giao, đảm bảo thanh khoản, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng. Trong năm 2023, tỉnh Long An đã thu hút được 35.635 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài tỉnh để đưa về địa phương. Đây là con số rất quan trọng xét trên góc độ thu hút vốn đầu tư vào địa phương.

Thứ ba, cùng với việc mở rộng đầu tư vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, hiệu quả vốn đầu tư cũng được các TCTD không ngừng nâng cao bằng tổng thể các biện pháp như: Tư vấn, thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính và hiệu quả dự án trước khi cho vay; thực hiện chặt chẽ quy trình tín dụng; phối hợp với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, trong giải quyết công nợ; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra trước và trong khi cho vay. Tính đến hết tháng 12/2023, chất lượng tín dụng của các TCTD ở Long An tiếp tục được đảm bảo, nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 463 tỉ đồng, giảm 15 tỉ đồng so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu bình quân là 0,85%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và thấp hơn rất nhiều so với nhiều địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

4.2. Một số tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An vẫn còn thấp. Mặc dù các TCTD chủ động tiếp cận, chào mời doanh nghiệp và khách hàng nhưng việc cho vay mới thật sự còn khó khăn vì một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay do báo cáo tài chính không rõ ràng, minh bạch, không có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, thị trường tiêu thụ chưa ổn định...

Thứ hai, việc thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN tại tỉnh Long An chưa thực sự đồng bộ nên việc xử lý nợ xấu ở tỉnh Long An vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc xét quyền ưu tiên thu hồi nợ xấu của TCTD. Số lượng hồ sơ xử lý nợ xấu còn tồn đọng tại Tòa án, Cục Thi hành án khá nhiều, ảnh hưởng đến tình hình thu nợ xấu của TCTD cũng như mở rộng đầu tư cho vay tại tỉnh Long An.

Thứ ba, việc cho vay nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Long An theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 25/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn. Đặc biệt, việc xác định đối tượng cho vay theo hợp tác xã, tổ sản xuất... kém hiệu quả do đối tượng muốn vay vốn chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, trách nhiệm pháp lý chưa rõ ràng… Ngoài ra, đối với cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, số liệu cho vay của các TCTD trên địa bàn còn thấp. Do còn một số khó khăn, vướng mắc như người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp... nên việc giải ngân khoản tín dụng cũng chưa được triển khai nhanh chóng, kịp thời.

5. Một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư, phát triển kinh tế tại tỉnh Long An

5.1. Về phía UBND và NHNN Chi nhánh tỉnh Long An

Thứ nhất, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan Tư pháp (Tòa án, Thi hành án) hỗ trợ các TCTD thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng vòng quay vốn đầu tư và thu hút vốn trong hệ thống NHTM để mở rộng đầu tư tại tỉnh Long An, tiếp tục chỉ đạo, đảm bảo việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ngành trong tỉnh để hỗ trợ cho các hợp tác xã trong việc tìm kiếm thị trường, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm… qua đó, giúp cho hoạt động của hợp tác xã an toàn, hiệu quả, dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An xem xét kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có cơ chế phối hợp thực hiện, cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và giải quyết nợ xấu ở địa phương. Cụ thể, khi Tòa án tuyên bản án dân sự có liên quan đến cưỡng chế, thi hành tài sản (như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), phải thông báo cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường. Bởi vì, việc TCTD cho vay có đảm bảo bằng tài sản đối với cá nhân còn khó khăn do nhiều trường hợp tài sản bảo đảm đang thế chấp tại ngân hàng (có công chứng, chứng thực; có đăng ký giao dịch đảm bảo) nhưng liên quan đến án dân sự khác. Do đó, gây rất nhiều khó khăn, rủi ro cho ngân hàng trong quá trình thu hồi nợ vay vì tranh chấp dân sự. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát chặt chẽ đối với từng TCTD trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của NHNN về lãi suất, chất lượng tín dụng, khả năng thanh khoản…

Thứ ba, tỉnh Long An cần phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh Long An để xét báo cáo, tham mưu Chính phủ, NHNN để có hướng dẫn thống nhất, đồng bộ đối với Tổng cục Thuế đúng theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 để đảm bảo quyền ưu tiên thu hồi nợ của TCTD khi xử lý nợ xấu, đặc biệt là khi xử lý được tài sản thế chấp ngân hàng.

5.2 Về phía các TCTD

Thứ nhất, tuân thủ nghiêm túc trần lãi suất quy định của NHNN trong từng thời kỳ, đối với nghiệp vụ đầu tư cho vay cần tuân thủ quy định của Ngành và pháp luật có liên quan. Ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/07/2015 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, cần ưu tiên giải ngân đối với các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ngành cho vay chăn nuôi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cần chú ý đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại các huyện có tỉ trọng dư nợ cho vay thấp như huyện Đức Huệ, huyện Tân Hưng…

Thứ hai, các TCTD tiếp tục thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí quản lý quảng cáo, khuyến mại và chi phí hoạt động để giảm chi phí giá vốn, từng bước giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và cá nhân. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, các TCTD được chỉ định cho vay nhà ở xã hội, phải nghiêm túc triển khai, tuyên truyền để nhân dân được biết chủ trương của Chính phủ, các chính sách và giải pháp của Ngành để người dân dễ dàng tiếp cận các vay vốn. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Cục Thi hành án để xử lý tài sản bảo đảm và các hình thức xử lý nợ xấu khác theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không được lợi dụng các quy định về cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng.

6. Kết luận

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Long An năm 2024, trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo các nghị quyết chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Long An. Trong đó, việc việc tập trung ưu tiên khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng là một trong những chìa khóa quan trọng góp phần tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế tại địa phương.

Tài liệu tham khảo:

1. Chỉ thị số 58-CT/TU ngày 07/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Cục Thống kê tỉnh Long An. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế -  xã hội tỉnh Long An  năm 2022; 2023.
3. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh ủy Long An năm 2024.  
4. NHNN Chi nhánh tỉnh Long An. Báo cáo hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Long An năm 2023.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An. Báo cáo tình hình thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Long An năm 2022; 2023.


TS. Nguyễn Văn Tuấn
Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh