Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế: Tổng cục Thuế giải thích căn cứ pháp lý và cách triển khai

Ngành Thuế tích cực triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế từ cuối 2023, thu hồi được hơn 1.844 tỷ đồng. Tổng cục Thuế cũng làm rõ căn cứ pháp lý và cách thức thực hiện.

Oct 10, 2024 - 18:15
Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế: Tổng cục Thuế giải thích căn cứ pháp lý và cách triển khai

Trong thời gian gần đây, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh áp dụng đối với những người nợ thuế quá hạn, đặc biệt là những trường hợp đã bỏ địa chỉ kinh doanh, đã được ngành Thuế triển khai rộng rãi để cảnh báo nợ thuế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế (NNT) vẫn còn băn khoăn về quy định này. Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã thông tin làm rõ các căn cứ pháp lý và cách thức triển khai.

Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế: Tổng cục Thuế giải thích căn cứ pháp lý và cách triển khai

Với việc ngành Thuế thu nợ thuế đạt 1.844 tỷ đồng đã cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế và sự vào cuộc hết sức khẩn trương, hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí đã phối hợp với ngành Thuế trong công tác truyền thông về công tác quản lý nợ thuế.

Căn cứ pháp lý áp dụng tạm hoãn xuất cảnh

Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp nợ thuế đang được triển khai dựa trên các văn bản pháp luật sau:

Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 ngày 22/11/2019;

Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014;

Khoản 12 Điều 3; Điều 66; Khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

Khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Theo đó, các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm cá nhân và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có khoản nợ thuế quá hạn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cũng như người Việt Nam và người nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.

Từ cuối năm 2023, ngành Thuế đã tích cực triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt nhắm vào những trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh với tổng số nợ lên đến 15.602 tỷ đồng. Trước khi thực hiện biện pháp, cơ quan thuế đã rà soát và xác minh nghĩa vụ nộp thuế của người nợ, đồng thời gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nợ thuế.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan thuế đã tận dụng nhiều kênh thông tin như ứng dụng eTax Mobile, thông báo qua email và tin nhắn để nhắc nhở NNT. Điều này giúp đảm bảo người nợ thuế nhận được thông tin kịp thời và có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Hiệu quả của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024, ngành Thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng từ 2.873 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Con số này cho thấy hiệu quả của biện pháp cưỡng chế, đồng thời phản ánh sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thuế và các cơ quan liên quan như Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và chính quyền địa phương. Ngoài ra, nhiều cá nhân và doanh nghiệp khi biết thông tin về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã chủ động nộp các khoản thuế nợ, giúp giảm số lượng nợ thuế còn tồn đọng.

Để tăng cường quản lý nợ thuế, ngày 23/9/2024, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4216/TCT-QLN, yêu cầu các Cục Thuế địa phương triển khai 11 nhóm giải pháp nhằm thu hồi nợ thuế, đồng thời cập nhật dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh trên hệ thống để NNT có thể tra cứu thông tin dễ dàng qua các ứng dụng như eTax và eTax Mobile.

Ngành Thuế cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, khuyến khích DN và NNT nộp thuế điện tử qua cổng thông tin của Tổng cục Thuế để đảm bảo thuận tiện và nhanh chóng.

Một số phản ánh về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Trong quá trình thực hiện, có một số ý kiến phản ánh từ DN và NNT về những bất cập của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh:

Người đại diện pháp luật: Một số ý kiến cho rằng, người đại diện pháp luật chỉ là người lao động làm thuê, không phải chủ sở hữu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp, người đại diện pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động của DN.

Ngưỡng nợ áp dụng: Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thẩm quyền thuộc về Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế để quyết định.

Ảnh hưởng đến DN gặp khó khăn tài chính: Một số doanh nghiệp phản ánh, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khiến họ gặp khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt khi gặp khó khăn tài chính ngắn hạn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế và đảm bảo sự công bằng cho DN và NNT, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục công khai thông tin nợ thuế, đẩy mạnh cảnh báo và nhắc nhở NNT, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ DN nộp thuế dễ dàng hơn thông qua các kênh điện tử.

CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ TẠM HOÃN XUẤT CẢNH

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 ngày 22/11/2019

“Điều 36. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

5. NNT, người đại diện theo pháp luật của DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Điều 37. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh

5. Người đứng đầu cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 36 của Luật này.”

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014

“Điều 28. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh

1. Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

c) Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;”

Điều 29. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật này.”

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019

- Tại khoản 12 Điều 3 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2018 của Quốc hội quy định như sau:

“12. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.”

- Tại Điều 66 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau:

“1. NNT thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, NNT quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

- Tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:

“7. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của NNT phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.”

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020

- Tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“2. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh

a) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền quyết định gia hạn tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

c) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi NNT hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh

a) Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của DN thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản theo Mẫu số 01/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho NNT biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

b) Ngay trong ngày nhận được văn bản tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Ngành thuế siết chặt quản lý: Nợ thuế quá hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn là biện pháp mạnh tay của ngành thuế nhằm ngăn chặn tình trạng ...

Tổng cục Thuế tạm hoãn xuất cảnh gần 18.000 người, thu hàng nghìn tỷ đồng nợ thuế

Tổng cục Thuế đã áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với gần 18.000 người nợ thuế, giúp thu hồi hàng ngàn tỷ ...

Hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế đã được thu hồi nhờ biện pháp cưỡng chế

Tổng cục Thuế đã thu hồi 56.092 tỷ đồng tiền nợ thuế trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 30% so với cùng kỳ. Biện ...

Hồng Quân