Phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Đảng ta xác định “thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác thanh niên trong thời kì mới...

Mar 25, 2024 - 18:32
Phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Đảng ta xác định “thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác thanh niên trong thời kì mới nêu rõ: "Đảng đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc". 
 
Thấm nhuần quan điểm này với trọng trách là cánh tay nối dài của Chính phủ triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã vận dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện một ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ là giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên.
 
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính riêng giai đoạn thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đã có trên 3,7 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để chi phí học tập. Đến cuối năm 2023, dư nợ học sinh, sinh viên đạt gần 15.500 tỉ đồng; nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho học sinh, sinh viên nghèo không phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí mà ý nghĩa hơn là góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia. Trong 10 năm qua, gần 3 triệu thanh niên nhờ vốn tín dụng chính sách đã trở thành những tinh anh của xã hội, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.



Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên 
thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập
 
Đó chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh hỗ trợ thanh niên mà NHCSXH đã triển khai trong thời gian qua. Bởi bên cạnh chương trình cho vay học sinh, sinh viên, NHCSXH còn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để triển khai các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn ngân sách trung ương. Đồng thời, đề xuất địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp để huy động các nguồn lực, lồng ghép, gắn kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương; lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kĩ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn và hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, kĩ năng quản lí tài chính cá nhân, sử dụng vốn vay hiệu quả, khuyến khích người vay tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội. 
 
Báo cáo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, trong hành trình hơn 21 năm đồng hành, sát cánh cùng NHCSXH làm “cánh  tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có rất nhiều đoàn viên, thanh niên, hộ gia đình có thanh niên, trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng ưu đãi mà NHCSXH đang triển khai. Từ hai chương trình tín dụng ban đầu là chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, hệ thống Đoàn Thanh niên nhận ủy thác trên 20 chương trình cho vay từ NHCSXH. Thanh niên giờ đây không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn có thể vay vốn để mua trang thiết bị, đóng học phí, khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19... 
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào lập thân, lập nghiệp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khởi xướng và dẫn dắt. Có thể kể đến là phong trào “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; kêu gọi hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học - công nghệ; thi đua lao động sáng tạo để lập thân, lập nghiệp (năm 2002); hai phong trào: “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (năm 2007); hai phong trào: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (năm 2012) nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế… 
 
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (năm 2017), Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (năm 2022) triển khai ba chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập; Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” đã đề ra chỉ tiêu hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế, trong đó nguồn vốn vay ủy thác là kênh quan trọng để tổ chức Đoàn thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này. Việc đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo nhiều cơ hội cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận chế độ, chính sách, học hỏi được từ những mô hình hay, hiệu quả để áp dụng vào thực tế. Các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác “Thanh niên làm kinh tế”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” đều có sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Chỉ tính riêng giai đoạn từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến giữa năm 2023, số hộ gia đình chính sách được vay vốn tăng thêm 195.750 hộ.  Đến nay, dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức Đoàn Thanh niên đạt gần 50.000 tỉ đồng với hơn 1 triệu hộ vay đang thụ hưởng vốn phát triển sản xuất, cải thiện nguồn vốn.
 
Đặc biệt, từ sự tham mưu của NHCSXH với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố cùng các sở, ngành, nhiều tỉnh, thành phố bên cạnh nguồn vốn ủy thác hằng năm để NHCSXH cho vay người nghèo và đối tượng chính sách, đã có những đề án riêng hỗ trợ cho người dân trong đó có thanh niên tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Như UBND tỉnh Trà Vinh năm 2022 đã phê duyệt Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2022 - 2025 với tổng số vốn thực hiện là 600 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 200 tỉ đồng (mỗi năm 50 tỉ đồng) và có 9/9 đơn vị cấp huyện đã được UBND cấp huyện phê duyệt Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng số vốn chuyển sang mỗi đơn vị hằng năm là 2 tỉ đồng/năm. 
 
Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đưa giải pháp về bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển của Hà Nội trong từng giai đoạn như: Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch phát triển nhà ở cho hộ nghèo; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch giải quyết việc làm hằng năm; Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội… Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thành phố Hà Nội đã bố trí ngân sách 1.150 tỉ đồng chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giúp người lao động trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao thu nhập. Không chỉ vậy, phát huy sức trẻ sáng tạo trong lao động sản xuất, nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, từ đó phát triển mô hình sản xuất nhỏ lẻ thành các trang trại quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng đi vào thực tiễn đời sống, hỗ trợ cho các mô hình của đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế thành công, giúp hàng ngàn thanh niên có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân, giúp ích cộng đồng và xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên trên cả nước.
 
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/07/2021 đặt mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lí tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kĩ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
Để trợ lực cho thanh niên phát triển, thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn. Tiếp tục hoàn thiện triển khai đề án chuyển đổi số, quan tâm, ưu tiên nguồn vốn cho chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn nhằm tạo thêm việc làm cho thanh niên nông thôn. 
 
Trung ương Đoàn đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng chương trình cho vay thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, hỗ trợ thanh niên bị mất việc làm do Covid-19 trở về địa phương sinh sống, tìm việc làm, thực hiện chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022. Bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, ưu tiên nguồn vốn cho thanh niên có mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Đồng thời, xem xét, sửa đổi một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số, vùng khó khăn vay khởi nghiệp, lập nghiệp từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Mở rộng đối tượng cho vay, xem xét có chế độ cho vay đối với các hộ có mức sống trung bình, cho vay khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường kết nối việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
 
Ngọc Mai (NHNN)