NHNN hút ròng 130.000 tỷ đồng trong 9 phiên, tỷ giá vẫn chưa hết “nóng”

Tính đến phiên ngày hôm qua 21/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về 130.000 tỷ đồng sau 9 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp từ 11 - 21/3.

Mar 25, 2024 - 12:23
NHNN hút ròng 130.000 tỷ đồng trong 9 phiên, tỷ giá vẫn chưa hết “nóng”

Phiên giao dịch ngày 21/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, tổng cộng có 11 thành viên tham gia đấu thầu và trúng thầu. Lãi suất trúng thầu đã giảm 0,02 điểm phần trăm so với phiên trước, xuống 1,32%/năm.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hút ròng, tuy nhiên lãi suất vẫn liên tục giảm qua các phiên. Lãi suất các phiên đầu tiên duy trì ở mức 1,4%/năm, nhưng phiên ngày 21/3 chỉ còn 1,32%/năm.

NHNN hút ròng 130.000 tỷ đồng trong 9 phiên, tỷ giá vẫn chưa hết “nóng”
Hình minh họa.

Sáng nay 22/3, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục bật tăng khi chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,57%, vượt đạt mốc 104 điểm. USD bán ra tại các ngân hàng dao động quanh mức 24.960 đồng/USD, riêng giá bán USD bằng tiền mặt vượt 25.000 đồng/USD.

Từ đầu năm đến nay, giá USD niêm yết tại các ngân hàng tăng khoảng 1,8%, riêng USD trên thị trường tự do tăng gần 4%.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc phân tích cao cấp Khối xếp hạng và Nghiên cứu mảng kinh tế vĩ mô, VIS Ratings cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ giá tăng là do chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD. Sự chênh lệch này khó được rút ngắn một khi Fed chưa hạ lãi suất.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cũng chỉ ra một số nguyên nhân đẩy tỷ giá trong nước nóng lên gần đây. Thứ nhất, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao. Thứ hai, đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Thứ ba, có hiện tượng đầu cơ ngoại tệ khi tỷ giá có biến động.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, tỷ giá sẽ bớt nóng vào nửa cuối năm nay, khi Fed giảm lãi suất. Biên độ biến động tỷ giá năm nay dự báo sẽ không lớn.

Với diễn biến tỷ giá, tín dụng như hiện nay, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước không cần và không nên giảm tiếp lãi suất điều hành. Nếu giảm tiếp, mức độ chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giãn ra, lại càng gây áp lực tỷ giá.

Với thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cũng khẳng định rằng việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán bởi đây chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong điều hành và nhằm bình ổn tỷ giá chứ không tác động nhiều đến dòng tiền.

Cũng nhận định tương tự, ông Nguyễn Đình Duy cho rằng, biên độ biến động tỷ giá năm nay sẽ nằm trong mức an toàn và không tác động tới các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Hiện tại, cán cân thanh toán, cán cân ngoại tệ của Việt Nam vẫn an toàn nhờ xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, kiều hối… vẫn tăng trưởng tốt.

Theo nhận định của Chứng khoán SSI trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, dư địa về thanh khoản hệ thống khá dồi dào (tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023), có thể khiến nhà điều hành tiếp tục duy trì hoạt động hút tiền ít nhất trong vòng 2 tuần tới.

SSI ước tính rằng tổng khối lượng hút ròng là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, tương tự như như giai đoạn cuối năm 2023. Tuy nhiên, SSI cũng khuyến nghị với áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá cao, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.

Theo thống kê từ Chứng khoán BIDV (BSC), trong giai đoạn 2018-2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện động thái hút tiền nhiều lần trong năm. BSC cho biết nhà điều hành hút ròng trung bình 9,4 lần/năm và số ngày trung bình/đợt hút ròng là 13,4 ngày.

Giá trị hút ròng trung bình mỗi chu kỳ đạt 47.647 tỷ đồng, cho thấy các đợt hút ròng chủ yếu có quy mô nhỏ. Đợt hút ròng lớn nhất là vào năm ngoái, với quy mô gần 240.000 tỷ đồng (số liệu của BSC).

Theo BSC, đợt hút rồng lần này có những nét tương đồng và khác biệt với giai đoạn cuối năm 2023. Trong cả hai giai đoạn, tỷ giá đều tăng mạnh, tuy nhiên vào đầu năm 2024, những yếu tố tác động lên tỷ giá như USD Index hay quan điểm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dịu bớt.

Từ những yếu tố trên, về quy mô, các chuyên viên phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ hút ròng từ 100.000 đến 150.000 tỷ đồng, với lãi suất trung bình ở mức từ 1,1%/năm đến 1,3%/năm.

Bối cảnh tài chính khác nhau giữa 2 thời điểm bán tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục thực hiện liên tiếp các phiên đấu thầu bán tín phiếu, kéo dài hơn 1 tuần ...

NHNN hút ròng 100.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong 7 phiên, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt

Ngày 19/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút thêm 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu, theo đó ...

Thu Thảo