Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên: Phát huy vai trò trụ cột giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương

Xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên hôm nay đã là địa danh nổi tiếng với nhiều loại cây ăn quả, nơi cung cấp cây giống, cây cảnh ra toàn quốc và xuất khẩu sang nhiều nước láng giềng.

Apr 9, 2024 - 14:13
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên: Phát huy vai trò trụ cột giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương
Điểm tựa cho người dân vươn lên
 
Xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên hôm nay đã là địa danh nổi tiếng với nhiều loại cây ăn quả, nơi cung cấp cây giống, cây cảnh ra toàn quốc và xuất khẩu sang nhiều nước láng giềng. Song ít ai biết rằng, mảnh đất này những năm trước đổi mới, hằng năm có khoảng 70% gia đình thiếu ăn bởi toàn xã Tân Châu chỉ có 200 mẫu lúa mùa, còn lại là đất bãi ở cốt cao nên thường thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vụ đông xuân và vụ hè thu, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp nhất toàn huyện, chưa đến 300m2/người.
 
Hơn chục năm trước, với việc trồng màu và trồng ngô, câu chuyện mưu sinh của người dân nơi đây vô cùng nhọc nhằn và gian khó. Nhiều người dân đã phải li nông, li hương mưu sinh. Song hiện nay, nhiều gia đình đã có thể an tâm ở lại quê nhà phát triển với hai trợ lực, đó là chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ người dân về kĩ thuật, công nghệ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang các cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao; ngân hàng thì tận dụng mọi nguồn vốn hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế thành công. 

 
Nhờ vốn tín dụng chính sách, chị Đỗ Thị Hòa, thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, 
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi trồng cây giống tạo thu nhập ổn định
 
Như hộ chị Đỗ Thị Hòa, thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu chỉ có 04 sào đất, trong đó 03 sào là đất thuê, song mỗi năm, chị Hòa cũng để ra được cả trăm triệu đồng từ nghề trồng cây giống. Chị Hòa kể, những năm trước, nhà chị có một sào trồng ngô, lo ăn cũng chẳng đủ chưa nói đến chuyện cho con ăn học. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu và thấy nhu cầu thị trường cây giống ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và trên toàn quốc, thậm chí cả xuất khẩu, gia đình chị quyết tâm chuyển đổi cây trồng. Kinh nghiệm để sản xuất không phải là câu chuyện lớn khi các chị em trong thôn, trong xã sẵn sàng chia sẻ, giúp nhau sản xuất. Bài toán vốn tưởng khó, song, khi biết chị có nhu cầu chuyển đổi sản xuất, Hội Phụ nữ xã Tân Châu cùng NHCSXH đã tạo điều kiện cho gia đình chị vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mua thêm đất, cải tạo đất trồng, mua cây giống. Với khoản vay lần đầu 20 triệu đồng rồi thêm các vòng vốn 30 triệu đồng, 40 triệu đồng và nay là 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Khoái Châu, đến nay, chị Hòa đã có vườn với 03 vạn cây giống đa dạng từ cây ăn quả như hồng xiêm, ổi, nhãn, bưởi, đến cây cảnh như đào, cau… mỗi tháng xuất khoảng 4.000 cây. Chị Hòa cho biết, một vài năm gần đây giá xuống thấp nên lãi trung bình là 2.000 đồng/cây; những năm về trước, có thời điểm lãi lên tới 8.000 đồng/cây. Nhờ vào nguồn thu từ mảnh đất nho nhỏ này, lại cộng thêm được NHCSXH cho vay vốn học sinh, sinh viên, đến nay, hai con của chị Hòa đều đã tốt nghiệp đại học Y Hà Nội, trong đó, người con đầu đã mở phòng khám bệnh tư nhân và con thứ hai làm bác sĩ một bệnh viện ở Hà Nội.
 
Không chỉ hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế, NHCSXH còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra, gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa cho người dân thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản vật địa phương, đồng thời, mở rộng việc làm cho người dân địa phương. 
 
Như ở xã thuần nông ven sông Hồng - Chí Tân, đất đai phần lớn là pha cát không phù hợp với nghề trồng lúa, những năm qua, NHCSXH đã hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách chuyển sang trồng nghệ, đồng thời đầu tư vốn cho các hộ sản xuất nghệ của địa phương. Như hộ anh Nguyễn Văn Thiêm, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là một điển hình. Anh Thiêm kể, đầu tư sản xuất tinh bột nghệ, đòi hỏi đầu tư nhà xưởng, máy móc lớn, chưa kể nguồn vốn mua nguyên vật liệu. Chính bởi vậy, việc tiếp cận được 100 triệu đồng vốn cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH và 100 triệu đồng vay từ Quỹ hội Nông dân là rất quý, giúp anh thu mua tinh bột nghệ chỉ có thời vụ từ tháng 10 âm lịch đến đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, tích lũy nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tạo việc làm không chỉ cho chính anh mà còn tạo việc làm mùa vụ từ 6 - 7 tháng cho từ  08 đến 10 lao động và 03 lao động làm việc cả năm. Đặc biệt, những lao động này phần lớn là người có tuổi, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
 
Làn gió mới trong thực thi tín dụng chính sách
 
Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Khoái Châu đã có thêm luồng gió mới kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ góp phần cho vay đúng và đủ các đối tượng là hộ nghèo và gia đình chính sách, nâng cao năng lực triển khai tín dụng chính sách cho NHCSXH tỉnh Hưng Yên thông qua việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc. Mà hơn thế, việc gia tăng nguồn vốn ủy thác địa phương qua NHCSXH đã làm tăng độ phủ và chiều sâu của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình phát triển kinh tế địa phương. Mà đỉnh cao của việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW được kết tinh trong Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2026 được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 19/4/2023, với tổng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH từ ngân sách tỉnh là 220 tỉ đồng, từ ngân sách huyện là 110 tỉ đồng. Đặc biệt, Đề án còn giao kế hoạch ủy thác vốn từ ngân sách xã là 15 tỉ đồng cho cả giai đoạn. 
 
Hiệu ứng của đề án này đã đưa nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của tỉnh Hưng Yên đến cuối năm 2023 đạt 210.785 triệu đồng (trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 151.215 triệu đồng; ngân sách cấp huyện, cấp xã là 59.570 triệu đồng), tăng 69.529 triệu đồng, tỉ lệ tăng 49,2% so với ngày 31/12/2022, chiếm 5,1% tổng nguồn vốn, thực hiện 126,8% kế hoạch năm 2024. Đặc biệt, hai tháng đầu năm 2024, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng mạnh với ủy thác từ ngân sách tỉnh tăng từ 50 tỉ đồng lên 201 tỉ đồng, ủy thác từ ngân sách huyện tăng từ 29 tỉ đồng lên 88 tỉ đồng. 127/161 xã, phường cũng đã ủy thác được 600 triệu đồng qua NHCSXH để cho vay người nghèo và đối tượng chính sách khác. Những nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương qua NHCSXH đạt 290 tỉ đồng.
 
Cùng với nguồn vốn tín dụng từ Trung ương, tín dụng chính sách xã hội năm 2023 đã có bước tăng trưởng mạnh, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đạt 1.078.421 triệu đồng, trong đó riêng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chiếm hơn 50% với 520.862 triệu đồng. Bên cạnh đó là cho vay hộ mới thoát nghèo 89.464 triệu đồng; cho vay hộ nghèo 46.198 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo 44.478 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đạt 4.111.791 triệu đồng, tăng 594.693 triệu đồng, tỉ lệ tăng 16,9% so với ngày 31/12/2022.
 
Cùng với việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch xã, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội, nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đến cuối năm 2023 chỉ chiếm 0,016%/tổng dư nợ. Dòng vốn tín dụng phủ rộng và sâu trong đời sống đã giúp 21.640 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giúp 5.292 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 7.579 lao động; 47 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng dân cư.
 
Trong 2 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Hưng Yên  đạt 231 tỉ đồng với 4.249 hộ tiếp cận vốn vay; tổng dư nợ đến ngày 29/02/2024 đạt 4.216 tỉ đồng.
 
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Hưng Yên Chu Thị Bích Lan cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người nghèo đa chiều ở tỉnh Hưng Yên giảm mạnh chỉ còn 0,86%. Toàn tỉnh Hưng Yên có thêm 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 102/139 xã, 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu có từ một đến hai huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Hưng Yên cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 195 khu dân cư kiểu mẫu, có ít nhất ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,5%. 



Anh Nguyễn Văn Thiêm, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên 
đầu tư sản xuất tinh bột nghệ, tạo việc làm cho gia đình và người dân địa phương
 
Để tiếp tục phát huy vai trò của dòng vốn tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, góp phần giải quyết bài toán tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Hưng Yên Chu Thị Bích Lan cho biết, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, NHCSXH tỉnh Hưng Yên sẽ tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW… đặc biệt là Quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, trong đó, trọng tâm là tham mưu chuyển ngân sách năm 2024 bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, NHCSXH tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm đến việc củng cố nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh người cán bộ NHCSXH luôn gần dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nỗ lực thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng tuyên truyền đi vào chiều sâu để hộ vay hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn NHCSXH.

Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương hữu hạn tập trung giảm nghèo bền vững, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hạn chế, NHCSXH tỉnh Hưng Yên mong muốn Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí trong dự toán hằng năm từ nguồn đầu tư phát triển chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi; thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận vốn tín dụng chính sách kịp thời, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong đời sống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy nhanh tiến trình phát triển bền vững của tỉnh Hưng Yên.
 
Nhất Thanh (NHNN)