Nâng cao kĩ năng cho người tiêu dùng trong sử dụng thẻ tín dụng

Ngày nay, với nhiều tiện ích, thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến trong chi tiêu, mua sắm của người dân. Tuy nhiên, thực tế không ít người do chưa hiểu rõ về tính năng của thẻ, số ngày miễn lãi, nguyên tắc trả nợ và cách tính lãi suất nếu thanh toán không đủ hoặc không đúng hạn mà có thể trở thành những “con nợ” lớn của ngân hàng.

Mar 22, 2024 - 18:16
Nâng cao kĩ năng cho người tiêu dùng trong sử dụng thẻ tín dụng
Ngày nay, với nhiều tiện ích, thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến trong chi tiêu, mua sắm của người dân. Tuy nhiên, thực tế không ít người do chưa hiểu rõ về tính năng của thẻ, số ngày miễn lãi, nguyên tắc trả nợ và cách tính lãi suất nếu thanh toán không đủ hoặc không đúng hạn mà có thể trở thành những “con nợ” lớn của ngân hàng. Do đó, ngành Ngân hàng cần tiếp tục truyền thông nâng cao kiến thức, kĩ năng cho công chúng trong sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thẻ nói riêng.

1. Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng là một loại thẻ ngân hàng cho phép chủ sở hữu “mượn” một khoản tiền trước để chi tiêu không tính lãi. Sau 45 - 55 ngày, khách hàng sẽ cần trả lại khoản tiền đã “mượn” cho ngân hàng. Với tính năng “chi tiêu trước trả tiền sau”, thẻ tín dụng là lựa chọn hợp lí cho khách hàng để phân phối nguồn tiền tốt hơn và có thêm một khoản ngân sách dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp, giúp khách hàng có thể tránh xa được tín dụng đen.

Bên cạnh quẹt thẻ tại POS được đặt tại các cửa hàng, siêu thị, điểm du lịch, dịch vụ…, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến qua thẻ thông qua các trang web, ứng dụng có chức năng thanh toán online. Người dùng chỉ cần nhập thông tin thẻ vào các trang web, ứng dụng là có thể thực hiện giao dịch. Vì thế, nếu nắm được thông tin thẻ, kẻ gian có thể "thay" chủ thẻ mua sắm, thanh toán hóa đơn, dịch vụ.

 
 
2. Những lưu ý khi dùng thẻ tín dụng

Để tránh nguy cơ bị mất tiền trong tài khoản, đồng thời để tránh bị nợ xấu, phải chịu lãi suất, phí phạt khi trả nợ không đúng hạn, khách hàng cần lưu ý một số kĩ năng trong sử dụng thẻ tín dụng.

Đảm bảo trả dư nợ đủ và đúng hạn

Tất cả mọi người đều có thể quên ngày thanh toán. Trong ngắn hạn thì mức phạt không đáng lo nhưng với dài hạn thì đó là một vấn đề lớn thậm chí có thể đưa bạn vào vòng luẩn quẩn của nợ nần. Vì vậy, hãy cố gắng ghi nhớ ngày đến hạn của thẻ tín dụng để đảm bảo thanh toán đúng hạn.

Chu kì thanh toán bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này tới ngày chốt sao kê của tháng sau. Hay chính là khoảng thời gian giữa hai lần sao kê của ngân hàng. Khoảng thời gian này thường là 30 ngày.

Ngày chốt sao kê thẻ tín dụng là thời điểm ngân hàng thực hiện chốt các giao dịch của khách hàng và thường cố định vào một ngày trong tháng.

Ngày đến hạn thanh toán là thời điểm mà khách hàng cần nhanh chóng thực hiện việc chi trả tổng số dư nợ của kì trước. Nếu bạn thanh toán trước thời điểm này thì sẽ không bị tính lãi. Nếu chi trả dư nợ sau ngày hết hạn thanh toán, bạn sẽ phải trả thêm các khoản lãi tín dụng.

Thời gian ân hạn là khoảng thời gian mà ngân hàng gia hạn thêm để bạn thu xếp tài chính nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tùy thuộc vào từng ngân hàng mà khoảng thời gian ân hạn có thể là 15 - 20 ngày.

Nắm được các thông tin trên, chủ thẻ cần nắm nguyên tắc trả nợ thẻ tín dụng (với thời gian 45 ngày miễn lãi). Bởi điều quan trọng là khách hàng cần hoàn thành nghĩa vụ chi trả dư nợ đủ và đúng hạn cho ngân hàng. Khi bạn trả thiếu số tiền đã nợ, bạn sẽ phải trả lãi cho ngân hàng. Cụ thể: Khi trả đúng thời hạn, trả đủ, bạn sẽ không mất lãi, không chịu phí phạt; khi trả đúng nhưng trả thiếu (trên mức tối thiểu cần trả), bạn sẽ bị tính lãi hay khi trả sau hạn thanh toán hoặc đúng hạn nhưng dưới mức thanh toán tối thiểu, bạn sẽ vừa phải trả lãi vừa phải chịu phí phạt trả chậm.

Trong đó: Khoản (mức) thanh toán tối thiểu phụ thuộc vào quy định của mỗi ngân hàng. Số tiền này thường chiếm khoảng 1 - 5% tổng dư nợ trong kì. Nếu không thể thanh toán toàn bộ dư nợ, bạn cần thanh toán đủ số tiền tối thiểu này để không bị phạt phí trả chậm. Phí trả chậm là khoản lãi suất hay phần phí phạt do chủ thẻ không thực hiện việc chi trả ở mức tối thiểu. Mức phí trả chậm sẽ khoảng từ 4 - 6% của khoản dư nợ tối thiểu tùy từng ngân hàng.

Tạm khóa chức năng thanh toán online và đặt hạn mức giao dịch nhỏ

Thực tế, không ít trường hợp khách hàng đang nắm giữ thẻ trong ví nhưng “tiền vẫn không cánh mà bay”. Do đó, để phòng tránh rủi ro, chủ thẻ nên chủ động tạm khóa chức năng thanh toán online hoặc đặt hạn mức giao dịch nhỏ.

Khi khóa dịch vụ, thẻ ngân hàng chỉ có thể thanh toán trực tiếp tại cửa hàng. Dù kẻ gian có được thông tin thẻ cũng không thể sử dụng tại các trang web, ứng dụng. Nhưng điểm linh hoạt là người dùng có thể tùy biến khóa hoặc mở dịch vụ này bất cứ khi nào mình có nhu cầu, phần đông các ngân hàng phát triển mạnh ứng dụng E-banking đều có sẵn tính năng này trên app.

Một cách khác để không cần khóa hẳn chức năng thanh toán online của thẻ là thiết lập một hạn mức giao dịch để kiểm soát số tiền tối đa được phép chi ra cho mỗi lần giao dịch và mỗi ngày. Người dùng có thể tự tính toán số tiền trung bình bản thân thường chi tiêu để đưa ra hạn mức phù hợp. Trong trường hợp bị đánh cắp thông tin tài khoản, số tiền bị mất sẽ ít hơn so với thông thường.

Có nhiều phương thức để người dùng khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch trực tuyến, cụ thể:

Thứ nhất, khách hàng có thể gọi đến tổng đài hỗ trợ của mỗi ngân hàng để yêu cầu khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch. Phương pháp khóa dịch vụ thanh toán trực tuyến qua tổng đài được các ngân hàng khuyến khích hàng đầu mỗi khi chủ thẻ phát hiện các giao dịch bất thường xuất hiện.

Thứ hai, khách hàng có thể kiểm soát thanh toán trực tuyến trên trang web Internet Banking hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng. Chức năng này thường nằm ở phần "dịch vụ thẻ" hoặc "quản lí thẻ". Màn hình sẽ hiển thị danh sách thẻ đang sử dụng. Khách hàng chọn loại thẻ đang dùng và chọn "khóa/mở thanh toán trực tuyến" để khóa dịch vụ hoặc thực hiện điều chỉnh hạn mức giao dịch. Hệ thống có thể yêu cầu xác nhận bằng mã OTP được gửi về số điện thoại mà khách hàng đăng kí giao dịch để hoàn tất.

Thứ ba, khách hàng có thể khóa dịch vụ và điều chỉnh hạn mức giao dịch trực tuyến tại quầy giao dịch của ngân hàng. Cách này thường áp dụng cho những ai không sử dụng Internet Banking hoặc Mobile Banking. Một số ngân hàng còn cho phép chủ thẻ bật, tắt dịch vụ này tại các máy rút tiền (ATM), máy nộp tiền (CDM).

Không để lộ thông tin bảo mật

Ngoài tự kiểm soát dịch vụ thanh toán trực tuyến, người dùng có thể chủ động tránh thiệt hại khi sử dụng thẻ ngân hàng bằng nhiều cách như:

(i) Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ; không đưa thẻ, trao thẻ cho người khác kể cả nhân viên ngân hàng sử dụng để tránh nguy cơ lộ các thông tin bảo mật. Luôn để thẻ trong tầm mắt của mình khi giao dịch tại các đơn vị chấp nhận thẻ để chắc chắn người khác không thể sao chép thông tin thẻ của bạn dẫn đến lợi dụng thực hiện các giao dịch gian lận.

(ii) Chủ thẻ tuyệt đối không tiết lộ mã bảo mật CVV được in phía sau đối với thẻ thanh toán quốc tế và mã PIN đối với thẻ nội địa. Không cung cấp thông tin tên truy cập và mật khẩu ngân hàng điện tử cho người khác. Và quan trọng không kém, người dùng không được tiết lộ mã OTP cho bất kì ai khác qua bất kì phương tiện nào. Ngoài ra, chỉ truy cập vào các trang web chính thống của ngân hàng và chỉ liên kết tài khoản với đơn vị trung gian uy tín.

(iii) Khi giao dịch tại ATM, cần quan sát kĩ khu vực đặt máy, khe đọc thẻ, khu vực bàn phím trước khi giao dịch. Không thực hiện giao dịch nếu phát hiện dấu hiệu bất thường.

(iv) Đối với mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.

(v) Khách hàng cần hết sức cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ.

(vi) Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử. Gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng.

(vii) Tiến hành mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.

(viii) Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/mật khẩu khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ.

(ix) Nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi lạ, mạo danh cán bộ nhà nước yêu cầu cài đặt ứng dụng, phần mềm vì các ứng dụng, phần mềm đó có chứa các loại mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng và liên hệ ngay với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh thông tin. Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng, nhấn vào link nếu không rõ nguồn gốc. Chỉ cài đặt các ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để thiết bị nhận được các bản vá bảo mật mới nhất của hãng sản xuất. Người dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm, đặc biệt là phần mềm Android. Tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kì cơ quan nào khác đều không yêu cầu người dùng quyền này.

Hiểu rõ về lãi suất thẻ tín dụng

Lãi suất thẻ tín dụng là số tiền mà chủ thẻ phải trả cho ngân hàng khi thực hiện các giao dịch đặc thù như: Rút tiền mặt, trả góp, thanh toán dư nợ… Khoản tiền này nằm ngoài tổng số tiền mà chủ thẻ đã chi tiêu và có công thức tính riêng cho từng trường hợp.

Có một số loại lãi suất thẻ tín dụng phổ biến sau:

(i) Lãi suất khi rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ tín dụng tại ATM: Lãi suất khi rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ tín dụng tại ATM dao động trong khoảng 20 - 40%/năm.

Rút tiền mặt tại ATM là hình thức rút tiền hợp pháp duy nhất của thẻ tín dụng hiện nay. Với thẻ tín dụng, khách hàng có thể rút đến 80% hạn mức thẻ và có thể rút hết 01 lần hoặc chia thành nhiều lần rút khác nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện rút tiền bằng thẻ tín dụng tại ATM, khách hàng cũng sẽ bị ràng buộc bởi hạn mức rút tiền theo lần, theo ngày, con số sẽ tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng.

Đặc biệt, khi rút tiền mặt tại ATM, khách hàng sẽ phải chi trả thêm 
phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng khoảng 4%/tổng giao dịch. Đồng thời, lãi suất rút tiền mặt cũng sẽ rơi vào khoảng 20 - 30%/năm và được tính ngay tại thời điểm rút tiền ra khỏi cây.

Tùy theo chính sách của từng ngân hàng mà mức lãi suất này sẽ khác nhau. Nếu trong một kì sao kê phát sinh nhiều lần rút tiền mặt thì khách hàng tính tiền lãi của từng giai đoạn, sau đó cộng lại với nhau để ra tổng số tiền lãi cần đóng vào cuối kì.

(ii) Lãi suất khi mua trả góp bằng thẻ tín dụng: Hình thức 
trả góp thông qua thẻ tín dụng đang dần trở nên phổ biến khi giải quyết bài toán tài chính khó khăn của khách hàng có nhu cầu mua sắm sản phẩm giá trị lớn. Hiện nay, mức lãi suất trả góp bằng thẻ tín dụng phổ biến tại Việt Nam rơi vào khoảng 0 - 10%/năm.

Khi mua trả góp qua thẻ tín dụng, lãi suất sẽ được tính ngay tại thời điểm mua, cộng với giá gốc của sản phẩm. Số tiền này sẽ được chia đều cho số tháng trong kì hạn trả góp mà chủ thẻ chọn như: 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng, 12 tháng hay 24 tháng.
Bên cạnh lãi suất, khách hàng còn phải chịu thêm phí chuyển đổi trả góp dao động từ 3 - 7% tổng giá trị sản phẩm (tùy theo giá trị sản phẩm và kì hạn trả góp). Khoản phí này thường được yêu cầu thanh toán ngay trong kì trả góp đầu tiên, các kì sau đó khách hàng chỉ cần trả số tiền trả góp (giá gốc sản phẩm + lãi suất) đã được chia đều cho mỗi tháng và thông báo trực tiếp về tài khoản thẻ tín dụng email hoặc số điện thoại đăng kí.

Lãi suất và phí chuyển đổi trả góp sẽ thay đổi theo chính sách từng ngân hàng với từng thương hiệu. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kĩ chính sách trả góp của thẻ tín dụng đang sở hữu với mỗi thương hiệu khác nhau thông qua hotline tư vấn để có thể mua hàng với mức giá tốt nhất.

(iii) Lãi suất khi chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn: Dư nợ tối thiểu là khoản tiền tối thiểu mà khách hàng cần chi trả khi đến hạn thanh toán tín dụng. Thông thường, số dư nợ tối thiểu sẽ bằng khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kì sao kê vừa qua.

Trong thời gian miễn lãi 45 - 55 ngày (tùy từng ngân hàng), khách hàng có thể chọn thanh toán dư nợ tối thiểu cho toàn bộ chi tiêu trong kì sao kê vừa qua nếu không đủ khả năng hoàn trả hết số dư nợ trong 01 lần. 

Việc thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn sẽ giúp khách hàng không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20 - 40%/năm và sẽ được cộng dồn vào kì thanh toán kế tiếp. 

Nhìn chung, nếu chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu, khách hàng sẽ không được tiếp tục hưởng thời gian miễn lãi suất ở các kì sao kê sau, cho đến khi trả hết số dư nợ. Đồng thời, khoản dư nợ còn thiếu sẽ bị tính lãi và cộng dồn vào các kì thanh toán tiếp theo. 

Do đó, ngân hàng khuyến cáo các chủ thẻ nên đảm bảo thanh toán dư nợ đầy đủ, đúng hạn và chỉ nên thực hiện thanh toán tối thiểu trong trường hợp bất đắc dĩ.

(iv) Lãi suất khi không thanh toán dư nợ đầy đủ đúng hạn: Trong trường hợp không thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 VND, tùy theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, cụ thể số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.

Khi đến kì hạn thanh toán nhưng khách hàng không thanh toán bất kì một khoản dư nợ nào (kể cả dư nợ tối thiểu) cho ngân hàng thì số tiền lãi mà khách hàng cần phải chi trả sẽ được tính dựa trên 2 giai đoạn (tùy ngân hàng), chẳng hạn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank): Giai đoạn 1 (trong vòng 60 - 70 ngày đầu): Khoản thanh toán tối thiểu bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20 - 40%/năm, số dư nợ còn lại vẫn tính lãi suất trong hạn; giai đoạn 2 (sau 60 - 70 ngày): Nếu chủ thẻ không thanh toán dư nợ tối thiểu thì toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn và phí trả chậm.

Để tránh trường hợp nợ thẻ tín dụng quá hạn, khách hàng nên chủ động theo dõi hoặc cài thông báo nhắc lịch thanh toán mỗi kì trên ứng dụng Mobile Banking, hoặc cài đặt thanh toán dư nợ tự động trên ứng dụng ngân hàng điện tử sẽ tránh được tình trạng quên thanh toán khi đến hạn. Trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính, khách hàng cần chủ động liên hệ với ngân hàng để được xem xét hỗ trợ trả góp 
nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Mỗi ngân hàng sẽ có mức phí tối thiểu và tối đa cần phải thanh toán cho các khoản phí cần phải chi trả. Để tìm hiểu rõ hơn các biểu phí này, khách hàng nên liên hệ hotline ngân hàng mở thẻ để được tư vấn. 

Tận dụng thời gian miễn lãi

Thời gian miễn lãi 45 ngày của thẻ tín dụng là khoảng thời gian để chủ thẻ cân đối tài chính và thực hiện nghĩa vụ chi trả tổng dư nợ của kì trước mà không phải trả phí/tiền lãi cho những khoản chi đó. Hay nói cách khác, 45 ngày miễn lãi chính là thời gian khuyến mãi để khách hàng được chi tiêu trước, trả sau mà không bị tính phí.

Nguyên tắc tính thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng là: 45 ngày miễn lãi = 30 ngày miễn lãi chính thức + 15 ngày ân hạn (cố định). Ở đây cần hiểu 30 ngày miễn lãi chính thức không cố định, tức 45 ngày miễn lãi này là thời gian tiêu chuẩn, còn số ngày miễn lãi thực tế phụ thuộc vào thời điểm giao dịch của bạn.

Thẻ tín dụng miễn lãi 45 ngày mang lại cho chủ thẻ rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, bạn cần hiểu đúng về khoảng thời gian này để tránh nguy cơ bị “mất tiền oan”.

Bởi thực tế, không phải giao dịch nào cũng được hưởng thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chỉ những giao dịch được thực hiện vào ngày đầu tiên của chu kì thanh toán mới thì mới được hưởng thời gian miễn lãi tối đa là 45 ngày. Những giao dịch càng về cuối kì thanh toán sẽ có thời gian miễn lãi ít hơn. Bên cạnh đó, không phải thẻ tín dụng nào cũng được miễn lãi 45 ngày. Thời gian miễn lãi tùy theo từng sản phẩm thẻ tín dụng và quy định của mỗi ngân hàng. Số ngày miễn lãi 45 ngày cho thẻ tín dụng là phổ biến nhất. Tuy nhiên, một số loại thẻ tín dụng có thể được miễn lãi 50 hoặc 55 ngày.

Để tận dụng thời gian miễn lãi, khách hàng có thể: Giao dịch vào đầu chu kì thanh toán (chu kì thanh toán bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này tới ngày chốt sao kê của tháng sau). Khi chi tiêu vào đầu chu kì thanh toán, bạn sẽ tận dụng tối đa thời gian miễn lãi và đảm bảo nguồn tài chính để trả nợ tín dụng đúng hạn; hạn chế mua sắm khi đã cận ngày sao kê; kiểm tra lịch sử giao dịch và khả năng chi trả, điều này giúp bạn dễ dàng cân đối chi tiêu hợp lí, tránh chi tiêu “quá tay”, qua đó, giúp bạn hoàn thành nghĩa vụ thanh toán trước thời hạn và hạn chế chi trả tiền lãi hoặc các khoản phí phạt phát sinh; cài đặt thanh toán dư nợ tự động là một gợi ý tốt để giúp bạn tránh được tình trạng quên thanh toán khi đến hạn. Nhờ vậy, bạn sẽ không phải chịu những khoản lãi, phí nộp chậm không đáng có; thanh toán hết dư nợ để được miễn lãi cho các kì kế tiếp.

3. Nỗ lực hỗ trợ khách hàng từ hệ thống ngân hàng

Không chỉ từ phía khách hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lí, trong đó có hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; đảm bảo các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia hoạt động thông suốt, liên tục 24/7; phối hợp Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); phối hợp xây dựng được một hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch, tích hợp với nhau để cho các trải nghiệm của khách hàng một cách thông suốt; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận; tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân.

Về phía các ngân hàng thương mại, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo an ninh, bảo mật trong giao dịch ngân hàng trực tuyến, các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng cũng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ, chăm sóc khách hàng, tư vấn kĩ khi khách hàng mở thẻ, có giải pháp phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích chủ thẻ và ngân hàng.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Cổng thông tin điện tử NHNN:
https://sbv.gov.vn
2. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam: https://techcombank.com

 
Thanh Lan