'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 3 - Người nổi tiếng và trách nhiệm khi quảng cáo
Đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả bị triệt phá gây phẫn nộ, dư luận réo tên loạt nghệ sĩ từng quảng cáo thổi phồng công dụng, tiếp tay cho lừa đảo.

MC quốc dân, bác sĩ đầu ngành và cú lừa trăm tỷ
Tháng 4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã triệt phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa giả quy mô lớn. Tâm điểm vụ án là Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Hai đơn vị này bị cáo buộc sản xuất gần 600 nhãn hàng sữa giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm trong danh sách này đã được những nghệ sĩ, bác sĩ, TikToker có ảnh hưởng lớn giới thiệu trên mạng xã hội với những ngôn từ mang tính "thần thánh hoá".
Điều đáng nói, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng tham gia quảng cáo các "dòng sữa đa công dụng" bị cộng đồng mạng gọi tên, trong đó có MC Hoàng Linh, diễn viên Doãn Quốc Đam… Sự xuất hiện dày đặc của người nổi tiếng, MC truyền hình quen thuộc, hay diễn viên "quốc dân" gắn liền với những vai diễn tử tế trong các clip quảng cáo khiến người tiêu dùng gần như không nghi ngờ gì về chất lượng.
![]() |
Diễn viên Doãn Quốc Đam xuất hiện trong các video quảng cáo sữa |
Cùng với đó, hàng loạt phát ngôn mang tính "bảo chứng chuyên môn" từ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành đã góp phần tạo nên vỏ bọc uy tín vững chắc cho các sản phẩm sữa giả.
Cụ thể, trên kênh YouTube mang tên "Tập đoàn Dược Quốc tế" có một đoạn clip dài gần 7 phút giới thiệu về Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Trong video này, loạt sản phẩm được liệt kê bao gồm: Sữa dinh dưỡng Talacmum, Darifa Gold, Kasumi, The Empire, Kawai, Gumi Colos 24h Baby…, kèm theo lời quảng cáo công ty có "sản lượng lên đến hơn 5 triệu lon mỗi năm".
Điểm đáng chú ý của clip là sự xuất hiện của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong video, bà Lâm "đánh giá rất cao" Công ty Hacofood, "đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ".
"Điều này minh chứng rằng khi chúng ta sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí rất nghiêm ngặt, khắt khe của FDA Hoa Kỳ", PGS Nguyễn Thị Lâm nói.
Trong một clip quảng cáo khác của công ty này, bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng xuất hiện với vai trò giới thiệu sữa Talacmum. Trong quảng cáo, bà Hải cũng khẳng định nguyên liệu, sản phẩm được nhập khẩu 100% từ Hà Lan và nhiều quốc gia khác, công đoạn sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến, khép kín…
![]() |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia xuất hiện trong video quảng cáo sữa - Ảnh chụp màn hình |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận, hiện có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Nghị định 15/2018 của Chính phủ cấm sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
"Như vậy, việc bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là vi phạm quy định của pháp luật", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh trong công văn gửi tới các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ngày 17/4.
Hiện nhiều bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc chuyên gia dinh dưỡng mặc áo blouse xuất hiện trong các video quảng bá sữa, thực phẩm dinh dưỡng… đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định bác sĩ, nhân viên y tế xuất hiện trong quảng cáo sản phẩm thực phẩm là hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng, tùy theo mức độ và sản phẩm vi phạm.
Điệp khúc "xin lỗi - rút kinh nghiệm"
Sự việc sữa giả bị phanh phui, dư luận lại chứng kiến một làn sóng xin lỗi "dập khuôn" từ các nghệ sĩ, KOLs với công thức "xin lỗi, nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm", thậm chí là đổ lỗi cho bên thứ ba.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu các nghệ sĩ Việt vướng vào những ồn ào liên quan đến quảng bá sản phẩm sai công dụng, thổi phồng sự thật hoặc tiếp tay cho các mặt hàng không rõ nguồn gốc. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm "trắng cấp tốc", thuốc hỗ trợ sinh lý đến giờ là sữa "thần dược"...
Đầu năm 2025, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên từng gây tranh cãi khi quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera với nội dung bị đánh giá là phóng đại. Sau khi bị phản ứng, cô đã lên tiếng xin lỗi và khẳng định: "Tôi thành thật xin lỗi vì đã truyền đạt thông tin chưa chính xác. Đây là bài học lớn đối với tôi".
Tuy nhiên, đến tháng 4/2025, Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ điều tra liên quan đến hoạt động quảng cáo sản phẩm này, theo xác nhận từ cơ quan chức năng. Cùng liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ nói trên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cùng 3 người khác đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Nhiều nghệ sĩ như Hồng Vân, Cát Tường trước đây phải xin lỗi vì quảng cáo quá mức về các loại thực phẩm chức năng.
![]() |
Quang Linh Vlogs, Thuỳ Tiên, Hằng Du Mục trong một quảng cáo thổi phồng công dụng của kẹo rau Kera. |
Liên quan đến vụ việc gần 600 loại sữa giả, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Y tế về việc phối hợp kiểm tra thông tin, xử lý hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật của người nổi tiếng.
"Hiện Cục đang trong quá trình xác minh, làm rõ thông tin và sẽ thông tin chính thức sau khi có kết quả", bà Huyền thông tin với phóng viên Báo Công Thương trong cuộc trao đổi vào ngày 18/4.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc cũng nêu quan điểm: "Với những trường hợp lợi dụng sự nổi tiếng để cố tình quảng cáo sai sự thật, thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm, chúng ta cần làm rõ họ vi phạm những quy định nào, mức độ ra sao và những hành vi đó gây ra tác động tiêu cực thế nào. Từ đó, đưa ra biện pháp xử lý phù hợp".
![]() |
Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị công an triệt phá. Ảnh: Báo Công an nhân dân |
Truy trách nhiệm nghệ sĩ, KOLs
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Phạm Ba Đô - Giám đốc Công ty Luật TNHH SJKLaw (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, một trong những thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả vừa bị triệt phá là tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, các nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để "thổi phồng", quảng bá sai lệch về công dụng sản phẩm.
Những lời quảng cáo được tung ra rầm rộ trên nền tảng số, khiến sữa bột giả trở thành "thần dược" được săn lùng bởi hàng ngàn người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh và người có bệnh lý.
Luật sư Đô nhấn mạnh: "Không chỉ xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của những người quảng bá. Nếu chứng minh được KOL biết đó là hàng giả mà vẫn tham gia tiếp thị vì lợi nhuận, họ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm".
Thậm chí, trong trường hợp chưa xác định được đồng phạm, những cá nhân tham gia quảng cáo gian dối vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Luật Quảng cáo và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vị luật sư cũng cho rằng, vụ án này phơi bày lỗ hổng lớn trong công tác quản lý hoạt động tiếp thị sản phẩm y tế và dinh dưỡng. Đã đến lúc cần siết chặt quy định pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như sữa, thực phẩm chức năng và thuốc để bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng.
![]() |
Những thương hiệu sữa trong đường dây sản xuất hàng giả |
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đưa ra cảnh báo về hậu quả của hoạt động quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng. Theo ông, một lời quảng cáo chỉ diễn ra trong vài phút livestream với mức thù lao hàng trăm triệu đồng, nhưng hệ lụy có thể là hàng nghìn người mua nhầm, là bệnh tật, mất tiền, hoang mang và quan trọng hơn cả là khủng hoảng niềm tin.
"Các cơ quan quản lý không thể đứng ngoài mà cần chủ động, quyết liệt xử lý sai phạm, kể cả khi luật sửa đổi chưa được thông qua. Không thể để tình trạng 'quảng cáo xong là vô can' lặp lại hết vụ này đến vụ khác", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Sơn đề xuất công bố danh sách nghệ sĩ vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng như một biện pháp cảnh tỉnh cộng đồng và răn đe mạnh mẽ.
Tăng chế tài xử phạt, đề xuất cấp phép cho KOLs
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhận định việc nhiều ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng rất phổ biến. Hoạt động này được điều chỉnh bởi quy định pháp luật, trong đó có Luật Quảng cáo.
"Với thực tiễn càng ngày càng có nhiều cái mới, chúng tôi đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong quá trình sửa đổi Luật Quảng cáo chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và rất xác thực với thực tiễn.
Chúng tôi dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Ngoài ra, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo", Thứ trưởng Lê Hải Bình thông tin.
Cùng với việc sửa luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng dự thảo nghị định với các điều khoản điều chỉnh hoạt động của người nổi tiếng và nghệ sĩ. Trong đó tăng mức chế tài xử phạt hoặc cấm không cho quảng cáo; có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật, hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội...
Không chỉ dừng ở sửa luật, nhiều đề xuất về việc thiết lập hệ thống cấp phép hành nghề quảng cáo đối với KOLs và nghệ sĩ cũng đang được đưa ra bàn thảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có một hệ thống quy định và cấp phép cho KOLs và nghệ sĩ hành nghề quảng cáo. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong bối cảnh quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng nở rộ. Cấp phép không chỉ để kiểm soát chất lượng quảng cáo mà còn buộc KOLs và nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai việc tài trợ cho KOLs. KOLs phải cung cấp thông tin chính xác, yêu cầu chứng minh từ tổ chức, cá nhân kinh doanh và chịu trách nhiệm nếu thông tin không chính xác. Đồng thời, KOLs cần thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng về việc họ được tài trợ để quảng bá sản phẩm", lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thông tin.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất, những người có tầm ảnh hưởng (sở hữu từ 500.000 lượt theo dõi trở lên trên tài khoản mạng xã hội) cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về quảng cáo. Họ phải cung cấp bằng chứng xác thực về việc đã trực tiếp sử dụng sản phẩm được quảng cáo... |
Nhóm phóng viên