Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên góp phần phát triển kinh tế địa phương

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên trên 3.500 km2, dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có 71% dân số ở nông thôn, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số. Có 09 đơn vị hành chính (03 thành phố và 06 huyện) với 176 xã, phường, thị trấn.

Feb 11, 2024 - 09:59
Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên góp phần phát triển kinh tế địa phương
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên trên 3.500 km2, dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có 71% dân số ở nông thôn, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số. Có 09 đơn vị hành chính (03 thành phố và 06 huyện) với 176 xã, phường, thị trấn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nhiều ngành, lĩnh vực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,01%; cơ cấu khu vực công nghiệp xây dựng chiếm tỉ trọng 58,1%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm tỉ trọng 31,79%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 10,11%. GRDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 20.196 tỉ đồng. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 27,1 tỉ USD; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,33%/năm; các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đời sống của nhân dân ngày được cải thiện và nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc.
 
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế, tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cùng sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ban, ngành trên địa bàn, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
 

1. Kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên năm 2023
 
Bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, đáp ứng vốn cho nền kinh tế nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 
 
Ngay từ đầu năm 2023, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, trong đó định hướng nguồn vốn huy động tăng trưởng 10%, tín dụng tăng trưởng 12% (theo Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra và có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN); hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thực hiện giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. 
 
Kết quả đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 106.888 tỉ đồng, tăng 11,46%; dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 95.751 tỉ đồng, tăng 15,55% so với thời điểm 31/12/2022, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn Ngành (toàn Ngành là 13,71%) và cao hơn kế hoạch của UBND tỉnh đề ra là 12% với 2.643 pháp nhân và 209.362 thể nhân còn dư nợ. Trong đó cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm 83,76%, cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản chiếm 16,24%. 
 
NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thường xuyên đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 04/7/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội/hội doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp để tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ngày 23/3/2023 và Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN và UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì ngày 04/10/2023. Thiết lập đường dây nóng và yêu cầu các chi nhánh TCTD, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn niêm yết công khai tại trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch để tiếp nhận và xử lí kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp liên quan đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Phối hợp với Sở Xây dựng rà soát danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 
 
Các ngân hàng trên địa bàn tích cực thực hiện đối thoại, kết nối với từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng thừa vốn nhưng tín dụng tăng thấp. Kết quả đến hết năm 2023, doanh số cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 40.091 tỉ đồng, dư nợ cho vay đạt 19.259 tỉ đồng với 1.792 doanh nghiệp nhỏ và vừa còn dư nợ. 
 
Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới tiếp tục được NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên và các ngân hàng trên địa bàn triển khai thực hiện. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 22.829 tỉ đồng, chiếm 23,84%/tổng dư nợ toàn địa bàn với 170.627 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay nông thôn mới đạt 17.851 tỉ đồng, chiếm 18,64%/tổng dư nợ toàn địa bàn với 120.494 khách hàng còn dư nợ. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần đưa 118/126 xã (đạt 93,65%), 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 66,67%). 
 
Hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 2202/UBND-KT ngày 24/5/2022 về triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Kết quả đến hết năm 2023 có 09 chi nhánh ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 43 khách hàng với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 4.849 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 1.281 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là trên 26 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ, lũy kế số tiền giải ngân trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất là 2.162 tỉ đồng, số món được hỗ trợ lãi suất là 45.637 món, số tiền được thanh toán hỗ trợ lãi suất gần 42 tỉ đồng.
 
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu vay vốn của khách hàng trên địa bàn năm 2023 để tổng hợp, xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn của các chương trình. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 510 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao, cụ thể: (i) Cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 410 tỉ đồng với 6.340 khách hàng vay vốn; (ii) Cho vay nhà ở xã hội đạt 68 tỉ đồng với 169 khách hàng vay vốn; (iii) Cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là 9,67 tỉ đồng với 652 khách hàng vay vốn; (iv) Cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập là 2,28 tỉ đồng với 22 khách hàng; (v) Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 20,5 tỉ đồng với 483 khách hàng vay vốn.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng và hướng dẫn của Hội sở chính, các TCTD trên địa bàn đang thực hiện rà soát các khoản vay để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, đến hết năm 2023, có 09 ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với tổng số dư nợ gốc và lãi đạt 644 tỉ đồng cho 67 lượt khách hàng. 
 
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng trên địa bàn theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của NHNN và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các TCTD trên địa bàn đã phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lí nghiệp vụ vững mạnh dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều ngân hàng có tỉ lệ hơn 90% giao dịch trên kênh số. Đến hết năm 2023, trên địa bàn có khoảng 2,2 triệu tài khoản thanh toán/1 triệu người trưởng thành.
 
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích (như chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, dùng tài khoản viễn thông thanh toán Mobile-Money, sử dụng QR Code, ví điện tử...) đáp ứng được nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Việc TTKDTM đối với dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính, thanh toán điện, nước, viện phí… đang được triển khai hiệu quả. Đến nay, 100% giao dịch nộp thuế của người nộp thuế (năm 2023 số tiền thu ngân sách nhà nước là 20.196 tỉ đồng) được thực hiện qua ngân hàng. Số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là 357.355/395.271 khách hàng, đạt 90,41% trên tổng số khách hàng của Điện lực Thái Nguyên. Số khách hàng thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt là 22.509/83.275 khách hàng, đạt 27,03%; số tiền nước TTKDTM là 56,9/210,6 tỉ đồng chiếm 27,02%. 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo đã thực hiện thanh toán tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức qua tài khoản ngân hàng, tổng số tiền học phí TTKDTM là 47,955/48 tỉ đồng, chiếm 99,9%. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện lắp đặt POS, có QR Code để phục vụ thu viện phí, niêm yết tài khoản của đơn vị để người bệnh thanh toán các dịch vụ qua Smart Banking, ví điện tử… số món dịch vụ y tế TTKDTM chiếm 33% và số tiền dịch vụ y tế TTKDTM là 81%.
 
Các NHTM đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương triển khai tạo tài khoản an sinh chi trả chính sách xã hội (chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, đến hết năm 2023 đã tạo tài khoản cho 25.629/26.869 hộ nghèo, cận nghèo, đạt tỉ lệ 95,38%; tạo tài khoản cho 15.102/18.927 người có công, đạt tỉ lệ 79,79%; tạo tài khoản cho 32.961/41.269 đối tượng trợ giúp xã hội, đạt tỉ lệ 79,87%). Triển khai thí điểm chi trả chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt cho 12.826/15.134 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỉ lệ 84,74% và 10.791/19.329 người có công, đạt tỉ lệ 55,8%. 
 
Tỉnh Thái Nguyên có 03 doanh nghiệp viễn thông (Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên) triển khai dịch vụ Mobile-Money, đến nay có khoảng 435.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Mô hình Chợ 4.0 - Chợ TTKDTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được triển khai, nhân rộng, các ngân hàng đã đến từng quầy hàng để tạo QR Code cho các tiểu thương. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 107 chợ (đạt 100%). UBND huyện Phú Lương đã cho ra mắt tuyến phố không dùng tiền mặt tại Tổ dân phố An Thái, thị trấn Đu với tiêu chí tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua sắm hàng hóa ứng dụng công nghệ số, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
 
Công tác cải cách hành chính được NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai thực hiện, chỉ đạo các TCTD đổi mới công tác quản trị, điều hành, cải tiến các thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại để tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng; đầu tư công nghệ phát triển sản phẩm online, thường xuyên cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng dành cho khách hàng, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngày 12/6/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022. Đây là năm thứ hai tỉnh triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với 32 đơn vị (gồm 09 huyện, thành phố và 23 sở, ban, ngành); 1.500 đơn vị tham gia khảo sát bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, kết quả với 08 chỉ số, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đạt 88,41/100 điểm, là đơn vị có điểm số cao thứ ba. 
 
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên và các ngân hàng trên địa bàn luôn quan tâm, tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội và kì họp của HĐND tỉnh Thái Nguyên để tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng ngân hàng để tăng cường mối quan hệ công tác, đẩy nhanh tiến độ thi hành án các vụ việc liên quan đến ngân hàng.
 
Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về các chủ trương điều hành chính sách tiền tệ, chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước và kết quả hoạt động ngân hàng. Bên cạnh các phương thức truyền thống, các ngân hàng đẩy mạnh thông tin truyền thông trên mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Zalo… góp phần truyền tải thông tin nhanh nhất đến người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với báo Thái Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2021 - 2023, triển khai công tác phối hợp trong thời gian tới. Theo đó, báo Thái Nguyên đã đăng tải trên 200 tin, bài, ảnh, video clip... (tăng khoảng 20% so với trước khi kí quy chế phối hợp) tuyên truyền các hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung, hoạt động của các TCTD trên địa bàn nói riêng trên tất cả các loại hình, ấn phẩm của báo Thái Nguyên. 
 
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các hoạt động an sinh xã hội với tổng số tiền trên 100 tỉ đồng như: Xây dựng phòng học, trao quà cho các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng trường học, tài trợ kinh phí làm nhà ở cho các gia đình hộ nghèo, gia đình chính sách tại tỉnh Thái Nguyên... Trong đó: Thực hiện các nội dung tại Biên bản ghi nhớ của Văn phòng Quốc hội ngày 18/02/2022 có 05 NHTM gồm: NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM cổ phần Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) và NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã hỗ trợ xây dựng các công trình trường học trên địa bàn huyện Định Hóa với tổng số tiền là 92,4 tỉ đồng. Ngoài ra, Agribank tỉnh Thái Nguyên và NHCSXH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Định Hóa theo Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. 
 
Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và được Lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu quốc hội, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
 
2. Định hướng hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2024
 
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Phát huy kết quả đã đạt được năm 2023, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 12% theo kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề ra, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
 
Hai là, thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị đã kí quy chế phối hợp. Tham gia tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và kì họp HĐND tỉnh để tiếp thu, giải trình những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Phân tích tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo, đề xuất với Đoàn Đại biểu Quốc hội, với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và NHNN về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
 
Ba là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lí nợ xấu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Các TCTD triển khai nghiêm túc các kết luận thanh tra của NHNN.
 
Bốn là, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cải tiến thủ tục, quy trình, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tập trung tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực tạo động lực phát triển cho nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững và các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH.
 
Năm là, đảm bảo việc thanh toán của các TCTD, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trên địa bàn cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá. Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh TTKDTM; đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán. Tiếp tục triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
 
Sáu là, tuyên truyền kịp thời các quy định của pháp luật, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận xã hội đối với hoạt động ngân hàng.
 
TS. Bùi Văn Khoa
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên