Gỡ vướng quy hoạch khoáng sản với hai dự án cao tốc qua Lâm Đồng
Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc giữa quy hoạch khoáng sản và hai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, ưu tiên đất giao thông, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn hướng dẫn giải quyết chồng lấn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và hai dự án cao tốc trọng điểm quốc gia: Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Đây là hai dự án hạ tầng quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển giao thông của Chính phủ, nhằm kết nối Đồng Nai và Lâm Đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên.
Theo chỉ đạo tại Thông báo số 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh ưu tiên triển khai các dự án giao thông trên phần đất đã được quy hoạch cho công trình giao thông. Phần đất này sẽ được đưa vào quy hoạch dự trữ khoáng sản nếu không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là hai dự án hạ tầng quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển giao thông của Chính phủ, nhằm kết nối Đồng Nai và Lâm Đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên |
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát lại quy hoạch đất đai trong phạm vi hai dự án cao tốc. Đối với các khu vực đất chồng lấn quy hoạch khoáng sản nhưng không ghi nhận tài nguyên bauxit, UBND tỉnh Lâm Đồng có thể triển khai thực hiện dự án theo Kế hoạch Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngược lại, ở các khu vực có tài nguyên bauxit, Bộ yêu cầu đánh giá hiệu quả kinh tế giữa việc thu hồi và không thu hồi khoáng sản. Nếu việc thu hồi không khả thi hoặc gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án, UBND tỉnh cần báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo. Trường hợp này, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và kiến nghị đưa các khu vực chồng lấn ra khỏi quy hoạch khoáng sản.
Hai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương được xem là động lực phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, diện tích đất của các dự án này lại chồng lấn với quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
Việc gỡ vướng nhằm đảm bảo các dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 21/10/2024, Cục Địa chất Việt Nam đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng để xác định cụ thể trữ lượng khoáng sản trong phạm vi hai dự án cao tốc cũng như các khu vực tái định cư phục vụ dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu khoanh định các khu vực này làm khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nếu cần thiết.
Việc ưu tiên triển khai hai dự án cao tốc này không chỉ giải quyết bài toán giao thông kết nối vùng mà còn thúc đẩy hội nhập kinh tế, nâng cao khả năng khai thác tiềm năng du lịch và nông nghiệp ở Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.
Lâm Đồng điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, giảm gần 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua điều chỉnh đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, giảm tổng mức đầu tư từ 19.521 tỷ ... |
Sử dụng vốn đầu tư công hoàn thiện tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc vào năm 2025 Dự án tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc sẽ được hoàn thiện với nguồn vốn đầu tư công thay vì hình thức BT như ... |
Kiều Linh