Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày hôm qua (29/3) đón nhận lực mua tích cực. Chỉ số MXV-Index tăng 0,95% lên 2.238 điểm, cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 6.100 tỷ đồng, tăng 21,6%.

Mar 29, 2024 - 17:11
Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ
Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ

Nhóm nông sản

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nông sản. Trong đó, giá ngô bật tăng 3,57% sau 4 phiên liên tiếp suy yếu và đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 2. Các số liệu về tình hình mùa vụ Mỹ được USDA phát hành vào tối hôm qua chính là nguyên nhân thúc đẩy giá.

Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ

Cụ thể, theo Báo cáo Triển vọng gieo trồng năm 2024, Mỹ dự định trồng hơn 90 triệu mẫu ngô, thu hẹp đáng kể so với mức 94,64 triệu mẫu năm ngoái. Con số này cũng thấp hơn nhiều 91,78 triệu mẫu trong dự đoán của thị trường và 91 triệu mẫu mà USDA đưa ra trước đó. Yếu tố bất ngờ này đã ngay lập tức đẩy giá ngô tăng cao sau thời điểm USDA công bố báo cáo.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 28/3 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta giảm nhẹ. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 4 ở mức 6.400 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 5, giá chào bán dao động ở mức 6.200 - 6.350 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

USDA cho rằng diện tích trồng lúa mì tại Mỹ sẽ đạt 47,50 triệu mẫu, thấp hơn hơn 2 triệu mẫu so với niên vụ trước. Trong khi đó, doanh số bán lúa mì của nước này trong tuần vừa rồi đã tăng mạnh trở lại mức 339.598 tấn trong tuần đánh giá từ mức âm của tuần trước, phản ánh sự hồi phục trở lại của nhu cầu. Các số liệu trên đã tác động “bullish” tới giá lúa mì trong phiên hôm qua.

Giá đậu tương lại chịu ảnh hưởng từ tác động trái chiều của 2 báo cáo và đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể. USDA cho biết diện tích gieo trồng đậu tương năm nay của Mỹ dự báo sẽ ở mức 86,51 triệu mẫu, giảm 1 triệu mẫu so với mức 87,5 triệu mẫu so với ước tính trước đó của USDA. Đối với báo cáo Tồn kho quý, tồn kho đậu tương tính đến ngày 1/3 được USDA công bố đạt mức 1,845 tỷ giạ, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Nhìn chung các số liệu đã khiến thị trường đậu tương không có hướng đi rõ ràng vào hôm qua.

Nhóm nguyên liệu công nghiệp

Kết phiên 28/3, giá hai mặt hàng cà phê quay đầu suy yếu lần lượt 0,94%% với giá Arabica và 2,25% với giá Robusta. Bên cạnh việc dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-EU tiếp đà hồi phục, sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật sau phiên tăng mạnh trước đó là nguyên nhân chính tạo áp lực lên giá Robusta. Cụ thể, đường RSI vượt qua vùng quá mua đã khiến giá Robusta đảo chiều giảm. Dù vậy, mức giá hiện tại vẫn được ghi nhận là vùng cao nhất trong 30 năm. Hơn nữa, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU kết phiên 27/3 tiếp tục tăng thêm gần 500 tấn, lên mức 3.0470 tấn. Điều này đã phần nào xoa dịu lo ngại về tình hình nguồn cung trên thị trường.

Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ

Giá Arabica giảm bởi lực kéo từ giá Robusta. Tuy nhiên, những tín hiệu kém khả quan về nguồn cung vẫn xuất hiện trên thị trường kết hợp với sự mạnh lên của tỷ giá USD/BRL đã hạn chế lực giảm của giá.

Sau gần 2 tháng liên tục được cải thiện, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US bất ngờ sụt giảm 1.500 bao loại 60kg trong phiên 27/3. Mức giảm này đã kéo tổng lượng cà phê đang lưu trữ tại đây về mức 583.879 bao. Cùng với đó, chỉ số Dollar Index tăng 0,2% trong phiên hôm qua đã hỗ trợ đồng USD và kéo tỷ giá USD/BRL tăng gần 0,4%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Ở chiều ngược lại, giá đường quay đầu hồi phục 1,49% nhờ sự hỗ trợ của giá dầu thô. Giá dầu thô tăng 2,24% trong phiên hôm qua đã thúc đẩy nhu cầu sản xuất ethanol từ mía của các nhà máy tại Brazil. Nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất đường sụt giảm sẽ khiến nguồn cung đường thắt chặt hơn trong thời gian tới.

Giá bông tăng 0,67% khi thị trường phản ứng với doanh số bán bông tích cực của Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu tuần kết thúc ngày 21/3, Mỹ đã bán 98.200 kiện bông, tăng lần lượt 8% và 46% so với tuần trước và trung bình 4 tuần. Đồng thời, quốc gia này đã xuất đi 360.700 kiện bông, tăng 12% so với trung bình 4 tuần. Những con số tích cực trên đã phản ánh nhu cầu đối với bông Mỹ trên thị trường quốc tế dần được cải thiện.

Nhóm năng lượng

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, toàn bộ 5 mặt hàng nhóm năng lượng đồng loạt tăng giá, dẫn dắt xu hướng chung toàn thị trường. Trong đó, giá dầu bật lên mức cao nhất trong 5 tháng qua. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,24% lên 83,17 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,86% lên 87 USD/thùng. Nguồn cung thắt chặt bên cạnh tăng trưởng kinh tế Mỹ tích cực góp phần thúc đẩy kỳ vọng về tiêu thụ dầu mỏ, từ đó hỗ trợ cho giá dầu trong phiên.

Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ

Sau hai lần điều chỉnh, số liệu chính thức của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với quý trước, cao hơn so với số liệu được công bố trong hai báo cáo sơ bộ trước đó. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những dự báo về khả năng suy thoái nhẹ.

GDP thực tế của Mỹ tăng 2,5% vào năm 2023, phù hợp với báo cáo sơ bộ và tăng từ mức 1,9% vào năm 2022. Những tín hiệu tích cực về tăng trưởng tại Mỹ bất chấp môi trường lãi suất cao đã góp phần củng cố kỳ vọng tiêu thụ xăng dầu trong tương lai. Giá dầu bật tăng rõ rệt sau khi báo cáo được công bố.

Nhà giao dịch hàng đầu Gunvor Group dự báo giá dầu thế giới có thể sẽ tăng lên 90 USD/thùng, trong khi Trafigura cho biết trọng tâm của giá đã chuyển sang "rủi ro tăng". Tại Phố Wall, Ngân hàng JPMorgan thậm chí còn cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể đạt 100 USD/thùng nếu Nga thực hiện đúng cam kết mới về việc chuyển trọng tâm cắt giảm từ xuất khẩu sang sản xuất.

Nhóm kim loại

Khép lại ngày giao dịch 28/3, hầu hết các mặt hàng kim loại đều tăng giá, ngoại trừ thiếc LME. Đối với kim loại quý, giá bạc tăng hai phiên liên tiếp khi tăng 0,66% lên 24,91 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim cũng phục hồi 1,25%, đóng cửa tại mức 921,1 USD/ounce. Cả hai mặt hàng đều tăng giá nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn.

Dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản biến động mạnh mẽ

Vào ngày 28/3, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA dẫn một nguồn tin quân sự cho biết Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên không từ cao nguyên Golan của Syria bị chiếm đóng, nhằm vào một tòa nhà dân cư ở ngoại ô Damascus. Trong khi đó, người đứng đầu Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, Rami Abdel Rahman, nói với AFP “các vụ nổ đã được nghe thấy” gần Damascus sau khi Israel tấn công vào các địa điểm thuộc các nhóm liên kết với Iran và Hezbollah của Lebanon.

Trong bối cảnh xung đột địa chính trị tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang nắm giữ các tài sản trú ẩn an toàn. Điều này đã giúp giá bạc và giá bạch kim đều tăng trong phiên hôm qua bất chấp việc đồng USD mạnh lên.

Đối với kim loại cơ bản, sau hai phiên giảm liên tiếp, giá đồng COMEX phục hồi 0,17% lên 4 USD/pound do rủi ro nguồn cung thu hẹp bị đẩy lên cao. Cụ thể, hai nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết, trong cuộc họp của Nhóm mua hàng luyện kim Trung Quốc (CSPT) diễn ra vào hôm qua, các nhà luyện đồng hàng đầu của Trung Quốc đã đề xuất cắt giảm sản lượng từ 5% đến 10% để đối phó với tình trạng thiếu nguyên liệu thô.

Trước đó, vào đầu tháng này, các nhà luyện kim Trung Quốc cho biết họ sẽ kiểm soát công suất để ứng phó với tình trạng nguồn cung tinh quặng toàn cầu đang bị thắt chặt. Chính điều này đã góp phần làm gia tăng căng thẳng về nguồn cung và đưa giá đồng bứt phá lên mức đỉnh 11 tháng.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ, các nhà phân tích của Citi dự báo thị trường đồng toàn cầu sẽ thâm hụt 207.000 tấn vào năm 2024 và 215.000 tấn vào năm 2025 do nguồn cung hạn chế, điều này sẽ đẩy giá trung bình của kim loại này lên 9.125 USD/tấn trong năm nay và 10.250 USD/tấn vào năm 2025.

Sau hai phiên giảm liên tiếp, giá quặng sắt phục hồi 0,59% nhờ triển vọng tiêu thụ được củng cố khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc dự kiến cải thiện trong tháng 3. Theo cuộc khảo sát của Reuters, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 3 của Trung Quốc có thể tăng lên 49,9 điểm, từ mức 49,1 điểm của tháng 2.

Thị trường hàng hóa thế giới hôm nay 28/3: Nhóm năng lượng đồng loạt giảm

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên ...

Điểm tin hàng hóa tiêu dùng trong nước ngày 29/3/2024

Tổng hợp giá các loại hàng hóa tiêu dùng tại một số khu vực, cửa hàng bán lẻ trên cả nước ngày 29/3/2024.

Anh Vũ