Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 19/4/2024: Giá vàng sáng nay tăng dựng đứng

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 19/4: Giá vàng sáng nay tăng mạnh; Việt Nam sẽ đầu tư 1 tỷ USD để đào tạo kỹ sư bán dẫn…

Apr 19, 2024 - 12:29
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 19/4/2024: Giá vàng sáng nay tăng dựng đứng
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 18/4/2024: Giá vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng Giá vàng hôm nay 19/4/2024: Vàng bất ngờ đảo chiều tăng vọt trở lại

Giá vàng hôm nay

Giá vàng thế giới rạng sáng nay (19/4) tăng mạnh, với vàng giao ngay tăng 17,7 USD lên 2.377,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.394,4 USD/ounce, tăng 17,8 USD so với rạng sáng qua. Giới chuyên gia nhận định, kim loại quý này còn nhiều động lực tăng giá.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 19/4/2024: Giá vàng sáng nay tăng dựng đứng
Giá vàng sáng nay 19/4 tăng dựng đứng

Ở trong nước, vào lúc 8h sáng nay, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 81,85 triệu đồng/lượng mua vào và 83,95 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn niêm yết ở mức 75,08 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 76,98 triệu đồng/lượng. Cả vàng nhẫn và vàng miếng SJC đều đi ngang so với chiều qua.

Tuy nhiên đến 9h, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 82,15 triệu đồng/lượng mua vào và 83,90 triệu đồng/lượng bán ra, như vậy là tăng ở chiều mua vào nhưng bán ra giảm nhẹ. Vàng nhẫn tăng cả ở chiều bán và chiều mua so với ngày hôm qua, hiện niêm yết ở mức 75,63 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 77,33 triệu đồng/lượng.

Việt Nam sẽ đầu tư 1 tỷ USD để đào tạo kỹ sư bán dẫn

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đào tạo đội ngũ nhân lực bán dẫn này sẽ gián tiếp tạo nguồn thu khoảng 15 - 16 tỷ USD cho nền kinh tế.

Các chuyên gia khẳng định, hệ thống các cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đủ khả năng để đào tạo đủ số kỹ sư như mục tiêu của Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện để trình Thủ tướng trước ngày 25/4.

Kiểm soát chất lượng sản phẩm trên chợ online

Để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các chợ bán hàng online vẫn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng. Trong khi hàng hóa bán trên chợ online khá phong phú, như bánh kẹo, rượu, hoa quả, giỏ quà tặng, thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn hay gia vị khô… Do vậy, nhiều ý kiến bày tỏ cần đẩy mạnh kiểm soát chất lượng sản phẩm trên chợ online nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối hàng hóa.

Đề xuất giảm giờ làm chính thức

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng các cơ quan Nhà nước được nghỉ cả ngày thứ 7 mà doanh nghiệp không được nghỉ là không công bằng. Việt Nam hiện đang là một trong những nước có giờ làm chính thức cao thuộc hàng đầu thế giới. Do đó, Tổng Liên đoàn lao động đề nghị giảm giờ để người lao động có điều kiện tái tạo phục hồi sức lao động.

Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian ủng hộ nhưng với những lao động ăn lương theo sản phẩm thì họ mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm.

5 nhóm hàng được nhà bán lẻ quốc tế chú ý

5 nhóm hàng của Việt Nam đang được các nhà phân phối bán lẻ và thu mua quốc tế đặc biệt quan tâm và lên danh sách mua sắm. Bên cạnh nhóm hàng "ăn khách" là thực phẩm, các nhà mua hàng đặc biệt quan tâm đến nhóm hàng dệt may và phụ kiện thời trang; giày dép, ba lô, túi xách và phụ kiện; đồ thể thao và thiết bị; đồ gia dụng và nội thất.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý I/2024 đạt 9,57 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm ngành da giày, túi xách trong 3 tháng đầu năm cũng đạt 5,69 tỷ USD, tăng 10,5% so với quý I năm 2023.

Nhóm mặt hàng đồ thể thao và thiết bị, bao gồm cả máy chạy bộ cũng được hệ thống đại siêu thị, hãng phân phối tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Đây cũng là ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế cũng như tiềm năng mở rộng sang các thị trường mới. Thông qua tham dự chuỗi sự kiện năm trước, một số doanh nghiệp sản xuất đồ dụng cụ thể thao nội địa đã ký kết được hợp đồng, đưa trực tiếp hàng hóa của mình vào hơn 100 cửa hàng của hệ thống Falabella – hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ La tinh.

Cùng với đó, nhóm hàng đồ gia dụng và nội thất, bao gồm sản phẩm từ vật liệu gỗ, cao su, nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ tiếp tục nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà thu mua quốc tế. Đơn cử, Tập đoàn Coppel của Mexico hiện có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn lên đến 500.000 lốp ô tô con hàng năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thanh Tâm