Đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp tích cực vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, việc quản lí và đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán luôn được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Quảng Trị chú trọng, quan tâm chỉ đạo sát sao.

Mar 29, 2024 - 12:46
Đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp tích cực vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, việc quản lí và đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán luôn được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Quảng Trị chú trọng, quan tâm chỉ đạo sát sao.   

Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nỗ lực triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN) và đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, đáp ứng nhu cầu thanh toán thông suốt, an toàn cho các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

Cụ thể, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh công tác TTKDTM đảm bảo kịp thời, chính xác; rà soát, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM, tiếp quỹ đầy đủ cơ cấu mệnh giá kịp thời, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt 24/7, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân.

Các TCTD trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực thông tin, giới thiệu, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; tuyên truyền để khách hàng nâng cao ý thức bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ TTKDTM bằng nhiều hình thức thiết thực như tặng mã giảm giá, mã dự thưởng khi thanh toán qua quét mã QR; giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử như: Internet Banking, Mobile Banking; thanh toán qua mã QR, POS, ví điện tử… đến người tiêu dùng thông qua các chương trình tiếp xúc trực tiếp tại các chợ, siêu thị, điểm bán hàng. Tích cực truyền thông rộng rãi các chương trình, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, ngân hàng điện tử như mở tài khoản online tiện lợi, miễn phí, không cần đến ngân hàng; ưu đãi lãi suất cho khách hàng mở sổ tiết kiệm online, chuyển khoản nhanh 24/7 hoàn toàn miễn phí với hạn mức giao dịch cao… Nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán thân thiện, tiện ích, ứng dụng công nghệ hiện đại được các TCTD cung ứng, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng, mang lại nhiều trải nghiệm và sự hài lòng đối với khách hàng.
 


Thực hiện TTKDTM tại Hội chợ ở Quảng Trị

Số lượng khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán liên tục tăng qua các năm và đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 705.759 tài khoản cá nhân đang hoạt động (tăng 40% so với cuối năm 2022), hơn 69% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán; trong đó, mở tài khoản bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) tăng 114% so với cuối năm 2022.
Cùng với đó, dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển, nhiều TCTD đã bổ sung, tích hợp thêm các tính năng thẻ ngân hàng, cho phép sử dụng để thanh toán và các dịch vụ tại các đơn vị cung ứng khác. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 769.000 thẻ đang lưu hành (tăng 32% so với cuối năm 2022). Hạ tầng kĩ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được đầu tư tập trung vào nâng cao chất lượng, năng lực xử lí, đảm bảo an ninh, an toàn, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trong xu thế số hóa dịch vụ sâu rộng.

Các TCTD luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua việc phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô mạng lưới ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (quẹt thẻ thông qua POS).

Đến nay, toàn tỉnh đã có 115 ATM, trong đó có 10 ATM đa chức năng (là loại ATM cho phép khách hàng rút, nộp tiền, gửi tiền tiết kiệm trực tiếp tại máy 24/7); 762 POS (tăng hơn 10% so với năm 2022); hơn 21.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode (tăng 129% so với năm 2022), được đặt tại các doanh nghiệp, cơ sở/chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... Mạng lưới QRCode được phủ sóng gần như toàn bộ các huyện, thị, thành phố. Với những tiện ích của phương thức quét mã QRCode, thanh toán qua Mobile Banking tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ (tăng 468% về số lượng và 731% về giá trị so với năm 2022 - cao hơn giá trị bình quân cả nước 471,13%). Thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ POS tăng 99% về số lượng và 67% về giá trị so với năm 2022). Đặc biệt, giao dịch nộp tiền qua máy đa chức năng như CDM, CRM trên địa bàn đạt 134.989 món, tương ứng giá trị hơn 1.018 tỉ đồng. Việc chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, POS có xu hướng tăng cả về số lượng và giá trị (tăng 28% về số lượng và 23% về giá trị so với năm 2022). Tỉ trọng thanh toán số so với tổng phương tiện thanh toán trên địa bàn đạt gần 80%.

NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã chủ động theo dõi, nắm bắt sát sao tình hình hoạt động TTKDTM; chỉ đạo các TCTD quan tâm công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và thanh toán; tăng cường các biện pháp quản lí rủi ro đối với việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan để báo cáo, tham mưu, thông tin kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Thống đốc NHNN trong triển khai nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp với các cơ quan và tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm về hoạt động thanh toán, cũng như ngăn ngừa việc lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho các giao dịch bất hợp pháp; cập nhật thông tin, cảnh báo kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Để trao đổi thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Phòng An ninh kinh tế (PA04), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an tỉnh, thường xuyên trao đổi nắm bắt thông tin cụ thể, kịp thời xử lí những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn hệ thống thanh toán, ví điện tử; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các phòng chuyên môn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thanh toán đối với các TCTD trên địa bàn, đảm bảo mọi hoạt động thanh toán của các TCTD đều phải được giám sát; thanh tra xử lí theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, ngân hàng điện tử và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, bảo mật thông tin khách hàng. Yêu cầu các TCTD tăng cường công tác giám sát số liệu hệ thống thanh toán, đồng thời kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục, quy định về hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và tuân thủ quy định pháp luật.

Rà soát, kiểm tra, cập nhật thông tin định danh khách hàng (họ và tên, mẫu chữ ký, chữ ký điện tử, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại, thông tin thẻ căn cước công dân…) đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và phù hợp, khớp đúng của giấy tờ tùy thân với khách hàng mở tài khoản thanh toán; thực hiện nghiêm túc công tác nhận biết thông tin khách hàng trong suốt quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán; chú trọng đào tạo, hướng dẫn cán bộ, nhân viên các kiến thức, kĩ năng về nhận biết giấy tờ tùy thân thật, giả; thực hiện hậu kiểm 100% đối với tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng đã mở theo phương thức eKYC; thường xuyên rà soát các hồ sơ tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và xử lí theo quy định. Có kế hoạch và phương án để loại bỏ các tài khoản rác, tài khoản đã mở nhưng không hoạt động để đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và các văn bản chỉ đạo của NHNN về tăng cường các biện pháp quản lí rủi ro đối với mở, sử dụng tài khoản thanh toán.

Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, kĩ năng cho người dân trên địa bàn về cách thức TTKDTM với các hình thức tuyên truyền trực quan, dễ tiếp cận, dễ hiểu, thông qua nhiều kênh thông tin như mạng xã hội, truyền hình, báo chí...

Thường xuyên có các thông báo, hướng dẫn, cảnh báo tới khách hàng đầy đủ thông tin về các hành vi bị cấm, hành vi không được thực hiện trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán dưới nhiều hình thức khác nhau: Nhân viên ngân hàng tư vấn trực tiếp, công bố đăng tải trên Website, Mobile App, các phương tiện thông tin đại chúng... Đối với bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ các TCTD, phải tiếp tục rà soát quy trình nội bộ, đảm bảo chặt chẽ, rành mạch, rõ ràng trong các khâu, trách nhiệm của từng cá nhân, đảm bảo phòng ngừa rủi ro.

Tóm lại, để đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng trong hoạt động thanh toán, sự đồng bộ của các quy định pháp lí liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc đẩy nhanh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng đối với thanh toán số là hết sức cấp thiết. Bên cạnh đó, để thúc đẩy TTKDTM rất cần có sự tham gia tích cực của mọi người dân, phối hợp đồng bộ các cấp, chính quyền; việc đầu tư hạ tầng phục vụ thanh toán số đòi hỏi công nghệ bảo mật cao, chi phí tốn kém, do đó, cũng cần có cơ chế tài chính phù hợp để tạo động lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng tích cực trong việc tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử; thông tin, tuyên truyền, huy động, bố trí nguồn lực phục vụ thanh toán số, chuyển đổi số.
 
Nguyễn Xuân Hòa
NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị