Đà Nẵng: Mỗi ngày cấp mới hơn 11 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Tuy số lượng doanh nghiệp thành lập ở Đà Nẵng có giảm nhưng số vốn đăng ký tăng mạnh so với cùng kỳ 2023.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tháng 11/2024 (tính đến ngày 25/11), thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 293 công ty, chi nhánh và văn phòng đại diện. Tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 2.190 tỷ đồng. Dù giảm 21% về số lượng doanh nghiệp, số vốn đăng ký mới trong tháng đã tăng đến 140% so với cùng kỳ 2023 (371 doanh nghiệp đăng ký mới; tổng vốn đăng ký 913 tỷ đồng).
Số liệu từ ngành thống kê cho thấy, tình hình doanh nghiệp thành lập mới ở Đà Nẵng suy giảm so với năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, thành phố đã cấp mới 3.761 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chi nhanh và văn phòng đại diện; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.128 tỷ đồng; giảm 7,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 20,2% số vốn so với cùng kỳ.
Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng |
Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tại Đà Nẵng giảm 0,4% so với cùng kỳ (1.681 so với 1.688). Trong khi đó, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn cao, ở mức 4.223 doanh nghiệp, tăng 4,6% so với 2023. Tính từ đầu năm 2024, Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 705 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2023.
Tổng thu ngân sách tăng 28,2%
Tính đến ngày 25/11/2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt 23.829 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 5.874 tỷ đồng, còn thu ngân sách địa phương đạt 17.955 tỷ đồng.
Thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 89,3% trong tổng thu ngân sách, với các khoản thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và thuế thu nhập cá nhân ghi nhận mức tăng ấn tượng lần lượt là 43%, 47,2% và 38,5%.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng đạt 26.791 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 18,7% đạt 9.208 tỷ đồng. Các khoản chi thường xuyên, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và giáo dục, tiếp tục tăng mạnh.
Đối với công tác đầu tư, trong tháng 11/2024, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 768 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước, đặc biệt là vốn từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh. Các dự án lớn như xây dựng Bến cảng Liên Chiểu và các tuyến đường ven biển đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng |
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến 25/11/2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 22.363 tỷ đồng. Vốn FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt 213,369 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.
TP Đà Nẵng đang nỗ lực đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm. Trong đó, Dự án Khu Công viên Phần mềm số 2 (giai đoạn 1), mặc dù đã khởi công vào tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư ban đầu 986 tỷ đồng, nhưng đã phải tạm dừng do vướng mắc về quản lý và khai thác công viên phần mềm sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, dự án vừa được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố tháng 10/2024, với tổng mức đầu tư lên hơn 1.400 tỷ đồng. Tính đến nay, ước thực hiện được 69 tỷ đồng, đạt 57,5% kế hoạch năm 2024.
Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang với tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng cũng gặp khó khăn do mặt bằng thi công chật hẹp, trong khi bệnh viện vẫn phải duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với 122 tỷ đồng vốn thực hiện, đạt 97,6% kế hoạch năm, công trình này đang tiến triển tốt.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B, khởi công vào tháng 11/2023 với tổng mức đầu tư 788 tỷ đồng, hiện ước thực hiện đạt 269,2 tỷ đồng. Các nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách trung ương và thành phố.
Các công trình y tế cũng đang được chú trọng, trong đó, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (giai đoạn 2) đã thực hiện được 67,2% kế hoạch vốn giao. Dự án nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư 789 tỷ đồng, hiện đạt 73,2% tiến độ hợp đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Đà Nẵng trong tháng 11/2024 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng này chủ yếu đến từ 8 trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 0,55%. Các nhóm như đồ uống, thuốc lá và hàng ăn, dịch vụ ăn uống cũng có sự điều chỉnh giá tăng lần lượt 0,48% và 0,23%. Bên cạnh đó, nhóm giao thông và bưu chính viễn thông chứng kiến sự giảm giá nhẹ, lần lượt là 0,2% và 0,05%. Tuy nhiên, nhóm giáo dục không có sự biến động. |
Cao Thái