Chuyên gia MBS: Nhiều yếu tố hỗ trợ, VN-Index sẽ cán mốc 1.400 - 1.420 trong năm 2025
Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong năm 2025, với nền tảng vĩ mô vững chắc, thể chế cải cách và chính sách tiền tệ thuận lợi sẽ lan tỏa đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, VN-Index có thể đạt mức 1.400 – 1.420 trong năm 2025, dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường 18% và P/E trong khoảng 12.5 - 13x.
Theo quan sát, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có khởi đầu thuận lợi trong nửa đầu 2024, nhưng sau đó các lo ngại về tỷ giá và hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã kéo chỉ số chững lại trong nửa cuối năm 2024. Cụ thể, diễn biến ảm đạm của VN-Index trong tháng 11, 12 chủ yếu đến từ áp lực bán ròng của khối ngoại khi tỷ giá USD/VNĐ tăng cao.
Ngoài ra, tâm lý thị trường có phần thận trọng xuất phát từ lo ngại về những tác động tiềm ẩn trong "kỷ nguyên Trump 2.0". Những vấn đề này đã xóa nhòa những thông tin vĩ mô tích cực trước đó như chỉ số công nghiệp IIP tăng 8,3% svck trong 10 tháng đầu năm 2024, thặng dư thương mại 23,4 tỷ USD hay lạm phát chỉ tăng 2,89% svck.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về diễn biến thị trường thời gian tới cũng như đưa ra lời khuyên đầu tư cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chưa có xu hướng rõ ràng như hiện nay.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về diễn biến thị trường thời gian tới |
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Trong năm 2025, tỷ giá USD/VND có thể bị chi phối bởi khả năng tăng giá của USD từ các chính sách do Trump đề xuất. Các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nền kinh tế khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Một kịch bản tương tự đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donal Trump, khi USD mạnh lên đáng kể sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Đồng USD đã tăng gần 5% từ thời điểm ông giành chiến thắng vào tháng 11/2016 cho đến khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm 2017. Trong kịch bản lạm phát của Mỹ vẫn ở mức khoảng 3% sau khi Trump nhậm chức và tăng thuế quan, Fed có thể giảm tốc độ cắt giảm lãi suất của mình và khiến chỉ số DXY neo ở mức cao.
Ngoài ra, theo IMF, thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP của năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối, đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 khi từ đầu năm đến nay NHNN đã bán ra khoảng 6,5 tỷ USD. Do đó, việc này khiến tỷ giá dễ bị biến động hơn trước những biến động của đồng USD.
Thêm vào đó, VND cũng phải đối mặt với áp lực mất giá khi đồng Nhân dân tệ dự kiến sẽ yếu đi vào năm 2025 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng. VND thường sẽ không thể bứt phá khi Nhân dân tệ giảm do cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY, SGD...), đặc biệt khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên trong trường hợp Nhân dân tệ bị mất giá, VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.
Về mặt tích cực, thặng dư thương mại mạnh mẽ của Việt Nam (11 tháng của năm 2024 thặng dư 24,3 tỷ USD) và lượng vốn FDI thực hiện tích cực (11 tháng của năm 2024 đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% svck) sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho VND.
Theo đó, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.
Do vậy, tôi không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025 và kỳ vọng lãi suất đầu vào sẽ duy trì ở mức 5,0% - 5,2%. Mặt khác, tôi cho rằng khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh nới lỏng kinh tế toàn cầu là không cao. Theo đó, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ lãi suất ở mức thấp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Xin bà cho biết triển vọng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025. Những yếu tố vĩ mô nào sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của VN-Index trong năm 2025, thưa bà?
Về thị trường, tôi cho rằng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thuận lợi kết hợp với yếu tăng trưởng lợi nhuận hoạt động kinh doanh sẽ là nền tảng vững chắc một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của TTCK trong năm tới.
Trong thời gian tới, các yếu tố tích cực sẽ lan tỏa đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo tăng trưởng lần lượt 18% và 19% svck, trong đó các ngành: ngân hàng (+20% / +24%); vật liệu xây dựng (+35% / 31%); bất động sản nhà ở (+14% / 6%); bán lẻ (27% / 26%) và bất động sản công nghiệp (6% / +17%). Trong khi lợi nhuận năm 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu so với nền thấp của năm 2023, chúng tôi tin rằng việc cải thiện biên lợi nhuận gộp sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng năm 2025. Giữa bối cảnh lãi suất giảm, chi phí đầu vào thấp (giá dầu Brent, hàng hóa,...), và mức tăng lương vừa phải, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của nhiều ngành sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi của cả FTSE và MSCI. Kỳ vọng chu kỳ nới lỏng của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Rủi ro đối với thị trường bao gồm: Chính sách điều hành khó dự đoán của thời kỳ Trump 2.0 có thể làm chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của FED, áp lực tỷ giá trong bối cảnh đồng VND yếu, Thị trường bất động sản nhà ở có thể phục hồi chậm hơn dự kiến.
Tổng hợp các yếu tố cơ hội và rủi ro, chúng tôi dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.400 – 1.420 trong năm 2025, dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường 18% và P/E trong khoảng 12.5 - 13x.
Theo bà, nhóm ngành và cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi lớn nhất từ các chính sách kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước trong năm 2025?
Thứ nhất là sự phục hồi của thị trường bất động sản dân cư và tôi tin rằng một chu kỳ mới đang bắt đầu dựa trên 3 yếu chính: lãi suất thấp – cải thiện cơ sở hạ tầng – thay đổi khung pháp lý. Ngành bất động sản nhà ở hiện đang giao dịch với mức định giá tương đối thấp so với triển vọng phục hồi tích cực. Bên cạnh đó, năm 2025 đánh dấu năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đầu tư đầy tham vọng là 790,7 nghìn tỷ VND (30,8 tỷ USD). Với dự báo giải ngân đầu tư sẽ đạt khoảng 85% kế hoạch, giá trị sẽ tăng 24 – 31% so với năm 2024. Vì vậy các nhóm ngành bất động sản dân cư, xây dựng và vật liệu xây dựng như sắt, thép, đá sẽ được hưởng lợi.
Thứ hai, sự tăng trưởng của VN-index sẽ không thể thiếu vằng ngành ngân hàng. Tôi tin rằng chính sách tiền tệ nới lỏng toàn cầu và tăng trưởng cầu tiêu dùng nội địa (bao gồm cả sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và tăng chất lượng tài sản. Ngành ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong giai đoạn 2025 – 2026.
Thứ ba, câu chuyện thiếu điện nhiều khả năng sẽ xảy ra từ năm 2025 khi hoạt động sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, Bộ Công Thương đã đặt ra một kịch bản cơ sở cho tăng trưởng tiêu thụ điện ở mức cao 11-12%, vượt qua cả kịch bản cao trong Quy hoạch phát triển điện lực (PDP8), dự báo 9,8%. Từ năm 2025-2030, tăng trưởng nhu cầu dự kiến duy trì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) cao khoảng 9,1%. Trong bôi cảnh đó tôi kỳ vọng vào sự hưởng lợi lâu dài của các cổ phiếu ngành năng lượng và hạ tầng năng lượng.
Cuối cùng là câu chuyện của các ngành công nghiệp mới. Việt Nam có vị thế tốt để nắm bắt cơ hội từ các ngành công nghiệp mới, ví dụ: trung tâm dữ liệu, công nghệ 5G và chất bán dẫn. Ngoài nhóm ngành công nghệ được hưởng lợi trực tiếp, nhu cầu tiêu thụ điện và nhu cầu thuê BĐS KCN sẽ tăng mạnh.
Lý giải sức hút của cổ phiếu midcap và penny bất chấp thị trường trầm lắng Thị trường chứng khoán những phiên cuối năm 2024 rơi vào trạng thái trầm lắng, VN-Index giằng co trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm ... |
Chứng khoán sáng cửa lên 1.420 điểm, chọn cổ phiếu ngành nào cho năm 2025? Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025 tích cực với tăng trưởng GDP 7-7,5%, nhờ sản xuất, đầu tư công và chính sách hỗ trợ. ... |
Chuyên gia khuyến nghị xây dựng danh mục 4 nhóm ngành khi thị trường chứng khoán điều chỉnh VN-Index đã trải qua hai tuần điều chỉnh sau đợt phục hồi từ vùng giá 1.200 điểm. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên ... |
Phương Nguyễn