Bảo hiểm PTI chuẩn bị tăng vốn sau 9 năm "bất động"
Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI, HNX: PTI) vừa công bố kế hoạch triển khai tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 mà PTI tiến hành tăng vốn.
Theo đó, Bảo hiểm PTI dự kiến phát hành 40,2 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện là 2:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ có một quyền, cứ hai quyền sẽ được nhận một cổ phiếu mới phát hành thêm.
Nguồn thực hiện là từ thặng dư vốn cổ cổ phần, đạt 402 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Dự kiến, PTI sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn này trong năm 2024, khi nhận được sự chấp thuận từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi phát hành xong, vốn điều lệ của PTI sẽ tăng tương ứng là 402 tỷ đồng, gấp rưỡi hiện nay. Như vậy, vốn điều lệ công ty bảo hiểm này sẽ được tăng lên mức 1.206 tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn ngành bảo hiểm, chỉ đứng sau Bảo Việt, PVI, Quân đội, VNR nhưng cao hơn Bảo Minh.
Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI, HNX: PTI). |
Trước đó, Hội đồng quản trị Bảo hiểm PTI đã trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 hai phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 1:1 (100%) và 2:1 (50%). Đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua việc lựa chọn phương án thứ hai.
Ngoài ra, tại Đại hội năm nay, Bảo hiểm PTI cũng đã đề xuất phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%, thời gian thực hiện là trong năm 2024.
Tuy nhiên, phương án này đã bị cổ đông lớn là DB Insurance (nắm 37% vốn tại Bảo hiểm PTI) và một số cổ đông khác phủ quyết.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 và 2024, DB Insurance cũng đều liên tiếp không đồng tình và phủ quyết các kế hoạch tăng vốn được đề ra.
Theo đánh giá của Hội đồng quản trị Bảo hiểm PTI, cho rằng công ty đang có năng lực về vốn thấp so với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, các chỉ số như biên khả năng thanh toán hay tỷ lệ an toàn vốn (BCAR) của Bảo hiểm PTI đều đang thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Công ty cũng bị đánh giá triển vọng ở mức tiêu cực (negative outlook) bởi AM Best do vấn đề thiếu vốn.
Hiện tại, vốn điều lệ của PTI đang xếp thứ 11/13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm (bảo hiểm phi nhân thọ) của PTI đứng thứ 4 toàn ngành, sau PVI, Bảo Việt và Bảo Minh.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý đầu năm 2024, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI giảm 24% so với cùng kỳ, xuống còn 1.087 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc (1.114 tỷ đồng) giảm 28%.
Nhờ chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 74% còn hơn 182 tỷ đồng, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của PTI giảm 24% còn hơn 1.075 tỷ đồng, giúp lãi gộp kinh doanh giảm chậm hơn doanh thu (giảm 21%) còn hơn 11 tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động tài chính có lãi tăng 6% lên gần 91 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi gần 77 tỷ đồng (tăng 3%), chi phí lãi vay giảm 81% còn gần 378 triệu đòng và không còn lỗ hơn 1 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, chi phí cho nhân viên giảm 71%, kéo chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn nửa so cùng kỳ còn hơn 21 tỷ đồng.
Như vậy, dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 21%, PTI vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 67%, đạt hơn 68 tỷ đồng, nhờ hoạt động tài chính tăng lãi và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh.
Năm 2024, PTI đặt mục tiêu đạt 5.353 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng 10% so với thực hiện 2023. Tuy nhiên, Công ty dự kiến chỉ đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm hơn 31%.
Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện được gần 39% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Tính đến ngày 31/03/2024, tổng tài sản của PTI đạt gần 8.530 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền với các khoản tương đương tiền giảm đến 94% còn gần 46 tỷ đồng, do tiền mặt giảm hơn 64 tỷ đồng (giảm 59%) và không còn ghi nhận 595 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng như đầu năm.
Chiều ngược lại, đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn (chủ yếu là tiền gửi) lần lượt tăng 34% và 2% so với đầu năm. Trong đó, PTI có gần 3.500 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn (tăng gần 728 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 26%) và hơn 397 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dài (tăng hơn 8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2%).
Nợ phải trả cũng tăng 4% so với đầu năm, lên hơn 6.397 tỷ đồng. Khoản mục làm tăng nợ phải trả chủ yếu là dư nợ vay ngắn hạn, gấp 6,7 lần đầu năm lên 390 tỷ đồng.
PGBank liên tiếp muốn tăng vốn sau hơn 1 thập kỷ “im hơi” Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) vừa thông qua nghị quyết triển khai thực hiện ... |
Thu Thảo