Agribank Tuyên Quang tiếp sức phát triển du lịch sinh thái

Trên đường đưa chúng tôi thăm quan khu du lịch sinh thái Nam Phong (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Khách sạn Nam Phong Ngô Thị Kim Oanh chia sẻ, bà đã gắn bó với Hàm Yên, gắn bó với hoạt động nông nghiệp kết hợp với du lịch được gần 20 năm.

Jan 12, 2024 - 16:51
Agribank Tuyên Quang tiếp sức phát triển du lịch sinh thái
Điểm tựa hiện thực hóa giấc mơ

Trên đường đưa chúng tôi thăm quan khu du lịch sinh thái Nam Phong (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Khách sạn Nam Phong Ngô Thị Kim Oanh chia sẻ, bà đã gắn bó với Hàm Yên, gắn bó với hoạt động nông nghiệp kết hợp với du lịch được gần 20 năm. Đúng như câu nói “vạn sự khởi đầu nan”, thời gian đầu (khoảng năm 2006 - 2010), hoạt động khởi nghiệp của bà gặp vô vàn khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, duy trì hoạt động… Nhiều khi bà tưởng chừng không thể vượt qua và muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang (Agribank Tuyên Quang) mà hành trình khởi nghiệp đã bớt khó khăn, bước đầu tạo nên sự phát triển như hiện nay.

“Trải qua gần 20 năm thực hiện giấc mơ làm nông nghiệp kết hợp với du lịch, đến nay, tôi đã thành công. Giờ đây, hằng năm, thu nhập từ nông nghiệp và du lịch của tôi khoảng 2 tỉ đồng. Để có được ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn Agribank đã giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn, mong rằng Tuyên Quang ngày càng phát triển và có nhiều điểm du lịch như thế này”, bà Oanh chia sẻ. Để xây dựng khu du lịch sinh thái Nam Phong, bà Oanh đã trồng hơn 2.000 cây cam sành (cây chủ lực của Hàm Yên), xen lẫn vào các loài hoa cùng với khu vực đồi thông, thác nước, hồ sinh thái đã mang đến một sắc màu rực rỡ cho điểm du lịch.

Thời gian qua, Agribank Tuyên Quang đã luôn là người bạn đáng tin cậy của người dân, là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, Agribank Tuyên Quang cũng là ngân hàng thương mại duy nhất hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội, tạo nên mạng lưới các tổ liên kết vay vốn đến các thôn/bản nhằm hỗ trợ tối đa cho người nông dân trong tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ ngân hàng. Đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay của Agribank Tuyên Quang đạt 10.294 tỉ đồng, chiếm 34% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, tỉ trọng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn so với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 70%; tỉ trọng dư nợ tín dụng qua các tổ liên kết vay vốn so với tổng dư nợ tín dụng đạt 45% với trên 1.400 tổ liên kết, trên 33.000 thành viên tổ liên kết. Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank Tuyên Quang đã có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân. Đây chính là minh chứng rõ nét cho những đóng góp quan trọng của Agribank vào sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn, nhất là Agribank Tuyên Quang đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn tín dụng, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu, có phương án/dự án hiệu quả, đủ điều kiện một cách nhanh chóng, kịp thời, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

Tiếp tục phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Trong thời gian tới, nhằm góp phần tích cực phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Agribank Tuyên Quang tiếp tục hướng tín dụng và dịch vụ ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên tổ chức khảo sát tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh Tuyên Quang, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của từng địa bàn, nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, để có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, các ban, ngành liên quan tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng... Agribank Tuyên Quang định hướng duy trì tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở mức trên 70% tổng tín dụng của Chi nhánh, ưu tiên đáp ứng 100% các nhu cầu vốn phục vụ phát triển tam nông kịp thời, theo đúng quy định. Song song với đó, Agribank Tuyên Quang cũng sẽ quan tâm đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay và đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội.

 


Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tuấn và lãnh đạo Agribank Tuyên Quang
thăm khu du lịch sinh thái của bà Ngô Thị Kim Oanh

Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tuấn khẳng định, hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang đã xác định tín dụng và dịch vụ ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Do đó, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang sẽ cùng các ngân hàng tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời, có kết quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, cấp ủy, chính quyền địa phương về ưu đãi lãi suất, ưu đãi phí dịch ngân hàng, đổi mới và đơn giản hóa thủ tục vay vốn đối với khách hàng, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khách hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh,định hướng của địa phương… NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cũng sẽ thường xuyên thực hiện rà soát, khảo sát, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng; luôn bảo đảm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn, có phương án/dự án hiệu quả và đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn nhanh nhất, đúng quy định, sớm phát huy hiệu quả vốn tín dụng trong thực tiễn. Ông Tuấn cũng khẳng định, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thống đốc NHNN, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng, chia sẻ của tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động trong toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ vốn cho nhiều mô hình du lịch xanh, kinh tế xanh… của tỉnh Tuyên Quang, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng và đất nước. 
 

Tú Minh 
NHNN Chi nhánh Tuyên Quang